Tạo bước đột phá trong công tác xã hội hóa đào tạo nghề của tỉnh Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 30/11/2010 | 2:52:31 PM
YBĐT - Tạo bước đột phá trong công tác đào tạo nghề theo hướng chuyên biệt, có chiều sâu, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Yên Bái cần thực hiện trong thời gian tới.
Lớp học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu.
|
Đây là nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa phóng viên YBĐT với ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Yên Bái về công tác đào tạo nghề trong giai đoạn 2010 - 2015.
- Xin ông cho biết những kết quả cơ bản sau 5 năm Yên Bái thực hiện Đề án Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dạy nghề, giai đoạn 2006 – 2010 theo Nghị quyết số 24/2006/NQ- HĐND ngày 15/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở LĐTB&XH Yên Bái.
Thực hiện Đề án Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dạy nghề, giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh đã huy động được đội ngũ giáo viên thỉnh giảng trên tất cả các lĩnh vực, là những kỹ sư xây dựng, giao thông, thuỷ lợi, nông nghiệp, bảo vệ thực vật... đang công tác tại các trung tâm, trạm, trại, các xí nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác đào tạo nghề. Đây là một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, mang lại hiệu quả cao và giảm gánh nặng về kinh phí cho Nhà nước do không phải bố trí giáo viên để tăng biên chế, lại đào tạo được nguồn lao động sát với nhu cầu thực tiễn của địa phương, sát với nhu cầu lao động của tỉnh. Chúng ta đã huy động được các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề trên cơ sở các thiết bị kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật mà các doanh nghiệp nhập khẩu.
Doanh nghiệp cần sản xuất trên lĩnh vực nào, công nghệ gì thì họ sẽ đào tạo về lĩnh vực đó, sản phẩm đào tạo ra sẽ đáp ứng nhu cầu lao động mà các doanh nghiệp cần. Nhờ có các cơ chế khuyến khích của tỉnh, Yên Bái đã có Trường Cao đẳng nghề Âu Lạc và Trung tâm dạy nghề Phú Hưng do tư nhân đứng ra thành lập, góp phần giảm tải về kinh phí cho Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, tạo ra sự cạnh tranh tích cực về chất lượng cũng như ý thức phục vụ trong công tác đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, chúng ta còn liên kết với các trường trong và ngoài tỉnh để mở các lớp đào tạo nghề mang tính kỹ thuật cao. Người lao động được đào tạo nghề mang tính quốc gia chứ không phải riêng của tỉnh Yên Bái. Đó là những thành công trên lĩnh vực xã hội hóa công tác đào tạo nghề của tỉnh Yên Bái.
- Những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án này là gì, thưa ông?
Việc thực hiện công tác xã hội hóa dạy nghề trên địa bàn một tỉnh có nhiều hộ nghèo thì việc thành lập các cơ sở đào tạo nghề tư thục gặp rất nhiều khó khăn do liên quan đến kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề.
Đối với Yên Bái, sản xuất công nghiệp tỷ trọng thấp và chưa tạo được nhiều việc làm cho người lao động, trong khi đó người lao động sau khi được đào tạo lại muốn có việc làm ngay nên dễ nảy sinh tâm lý chán học nghề. Chính vì vậy, người lao động không mấy mặn mà với việc tham gia các lớp đào tạo nghề.
Thêm vào đó, hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn manh nha, mới thành lập, kinh nghiệm tổ chức, quản lý đào tạo nghề và lựa chọn các ngành nghề cần đào tạo cho đúng và trúng nhu cầu của tỉnh còn nhiều lúng túng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp có nhu cầu cẩn tuyển lao động.
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII đã xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Vậy, xin ông cho biết một số giải pháp quan trọng để thực hiện được mục tiêu đã đề ra?
Trên cơ sở những khó khăn vừa nêu, thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh định hình toàn bộ hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn, xây dựng quy hoạch chung về đào tạo nghề trong giai đoạn tới. Theo tôi, cần tạo bước đột phá trong công tác đào tạo nghề theo hướng chuyên biệt, có chiều sâu, xây dựng thương hiệu về dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động.
Để làm được việc đó nhất thiết phải tổ chức sắp xếp hệ thống dạy nghề và các cơ sở đào tạo nghề, phân công nhiệm vụ đào tạo theo tính chuyên biệt, có chiều sâu, không nên để một cơ sở đào tạo nhiều nghành nghề vừa gây tốn kém về kinh phí, nhân lực, trang thiết bị dạy nghề mà hiệu quả mang lại không cao. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tăng cường đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất để đào tạo đội ngũ những người lao động có trình độ kỹ thuật cao theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước.
Một yếu tố quan trọng nữa là tổ chức đào tạo phải gắn với nhu cầu của thị trường, nhu cầu sản xuất, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, chuẩn hóa theo quy định chung của Nhà nước, xây dựng thương hiệu cho các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh…
- Xin cảm ơn ông!
Mạnh Cường (Thực hiện)
Các tin khác
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 30/9/2010, cả nước có 56.929 lao động nước ngoài.
Đoàn thí sinh Việt Nam gồm 36 thí sinh tham gia thi 18 nghề, đoạt 7 HCV; 3 HCB, 4 HCĐ và 11 chứng chỉ.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa giao Bộ LĐ, TB&XH phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hướng dẫn xếp lương đối với lao động tốt nghiệp theo 3 cấp trình độ nghề (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề) theo thẩm quyền.
Cuộc thi tay nghề ASEAN lần thứ 8 đang diễn ra tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) từ ngày 19 đến 24/11, Việt Nam đã cử 36 thí sinh tham dự cuộc thi này.