Cơ hội thoát nghèo cho lao động nông thôn
- Cập nhật: Thứ ba, 25/1/2011 | 9:26:43 AM
YBĐT- Ở Yên Bái, lao động nông thôn chiếm tới 80% trong tổng số lao động toàn tỉnh.
Đoàn công tác của Sở Lao động - thương binh và Xã Hội tỉnh kiểm tra việc thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề năm 2010” tại xã Quy Mông (huyện Trấn Yên).
|
Trước đây, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn được thực hiện thường xuyên, song số lượng lao động qua đào tạo nghề còn thấp. Một mặt do kinh phí hạn hẹp, cơ sở hạ tầng phục vụ cho đào tạo nghề còn hạn chế, nhiều ngành, nghề chưa phù hợp với thực tế. Mặt khác, do nhận thức của người dân trong quá trình học nghề chưa đầy đủ dẫn tới số lượng, chất lượng đào tạo không bảo đảm. Thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề năm 2010”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực, tạo nền tảng cơ bản cho lao động nông thôn thoát nghèo.
Năm 2010, Yên Bái đã mở 108 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 3.260 người được đào tạo, mở 54 lớp đào tạo nghề cho người nghèo thu hút 1.594 người tham gia, mở 5 lớp đào tạo nghề cho 125 học viên là người dân tộc thiểu số.
Các ngành nghề đào tạo được chia làm 3 nhóm: nhóm nghề nông - lâm nghiệp gồm các nghề: trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y, nuôi thủy sản nước ngọt, quản lý và phát triển trang trại, bảo vệ thực vật. Nhóm nghề sản xuất, chế biến gồm các nghề: thêu, dệt thổ cẩm, may dân dụng, may công nghiệp, mây tre đan, kỹ thuật sản xuất tranh đá quý. Nhóm nghề kỹ thuật gồm các nghề: sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa điện tử, sửa chữa vận hành máy nông cụ, kỹ thuật xây dựng. Tổng mức kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng đặc thù học nghề trên 10,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 6,8 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Qua giám sát tại 42 xã, phường của 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh cho thấy, việc tuyển sinh đào tạo đã thực hiện đúng đối tượng chính sách, công tác chuẩn bị đồ dùng, thiết bị, vật tư thực hành được thực hiện chu đáo. Các lớp dạy nghề có sự giám sát, theo dõi của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề đã có sự chủ động, tích cực trong việc triển khai mở các lớp dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng vào dân tộc thiểu số sinh sống như: Suối Giàng, Nậm Lành (Văn Chấn), Châu Quế Hạ, Lang Thíp, Lâm Giang (Văn Yên), Nậm Khắt, Lao Chải (Mù Cang Chải). Đảng ủy, chính quyền các địa phương đã nhận thức được vai trò quan trọng của đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khẳng định tầm quan trọng của dạy nghề đối với việc nâng cao nhận thức và trình độ của người nông dân. Khi tham gia các lớp học nghề, người dân đều hăng hái và phấn khởi”.
Sau khi học nghề, nhiều hộ gia đình đã áp dụng có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế của gia đình, cải thiện đời sống, xây dựng mô hinh kinh tế của gia đình mình trở thành mô hình điển hình để các hộ gia đình khác học tập làm theo như tại xã Đại Phác (Văn Yên), Quy Mông, Việt Thành (Trấn Yên). Năm 2010, đã có 700 lao động sau khi học nghề được giới thiệu việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, bước đầu tiếp cận thông tin tư vấn để tham gia xuất khẩu lao động.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: chương trình đào tạo nghề của một số đơn vị mở lớp mang nặng tính lý thuyết, thời gian “cầm tay, chỉ việc” cho người lao động ít, thời gian mở các lớp đào tạo nghề thường vào mùa vụ, địa điểm mở các lớp đào tạo nghề không phù hợp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học viên, đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, chưa đạt chuẩn về chất lượng, trình độ nghiệp vụ sư phạm về dạy nghề còn hạn chế.
Thêm vào đó, do trình độ nhận thức, lứa tuổi của học viên không đồng đều đã ảnh hưởng đến việc tiếp thu các kiến thức và quá trình truyền đạt của giáo viên. Cá biệt, tại một số xã, học viên tham gia học nghề chưa thực sự có nhu cầu học nghề, tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình mà chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tham gia học nghề để nhận mức hỗ trợ tiền ăn 5.000 đồng/người/ngày.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nền tảng cơ bản để Yên Bái hướng đến một nền sản xuất mới với nguồn nhân lực có trình độ, cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và chuyển dịch kinh tế, mở ra cơ hội thoát nghèo cho lao động nông thôn Yên Bái.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - So với cách chăn nuôi lợn truyền thống thì phương pháp nuôi lợn cải tiến được Trạm Khuyến nông huyện Lục Yên triển khai thực hiện tại 9 xã đã thể hiện được những ưu việt về thời gian tăng trưởng, chi phí đầu tư chăm sóc cũng như hiệu quả kinh tế.
YBĐT - Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái vừa tổ chức triển khai Quyết định 10/QĐ – UBND về đặt hàng dạy nghề và Hướng dẫn Liên ngành số 06/HDLN – SLĐTBXH – STC ngày 9/12/2010.
YBĐT - Hiện nay tình hình rét đậm, rét hại kéo dài làm thay đổi điều kiện sống của các loài động vật thủy sản như: tôm, cá, ba ba...
YBĐT - Được thành lập từ năm 2007, Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải đã trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn, đặc biệt là lao động người dân tộc Mông.