Kinh nghiệm làm giàu của ông Sôn
- Cập nhật: Thứ hai, 13/6/2011 | 10:00:38 AM
YBĐT - Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi baba, ông Sôn cho biết: “Quan trọng là phải tìm được con giống tốt, xây dựng ao chuồng chắc chắn và luôn giữ cho nguồn nước thông thoáng, sạch sẽ”.
Ông Sôn giới thiệu về cách nhận biết giữa ba ba đực và ba ba cái.
|
Là người đầu tiên trên vùng đất ngọc tiếp cận với nghề nuôi ba ba và hiện cũng là nơi cung cấp ba ba giống cũng như ba ba thương phẩm cho nhiều nơi trong và ngoài huyện nhưng ít ai biết rằng ông Hoàng Văn Sôn, thôn 6, xã Minh Xuân (Lục Yên) đã có những thời điểm phải vật lộn, trăn trở với nhiều con vật nuôi trên con đường thoát nghèo. Vậy kinh nghiệm nào đã giúp ông có được thành công như ngày hôm nay ?
Nhìn từ xa, ngôi nhà sàn của ông Sôn chẳng có điểm gì khác biệt so với nhiều hộ dân thôn 6, nhưng càng đến gần thì những điều thú vị, mới mẻ mới dần hiện ra. Toàn bộ cơ ngơi của vợ chồng ông được bao gọn bằng một hàng rào gạch ba vanh, ngôi nhà sàn nằm chính giữa, cạnh đó là hệ thống ao nuôi baba, nuôi cá rộng hơn 1.500 m2 được xây dựng chắc chắn bằng những tảng đá hộc từ cách đây hơn 20 năm.
Trong câu chuyện về con đường thoát nghèo, làm giàu của mình, ông Sôn cũng như bao người khác cũng đã từng phải trải qua những thời điểm gian khó. Rời quân ngũ năm 1987, hai vợ chồng người lính trẻ chỉ có bàn tay trắng cùng ngôi nhà ở tạm. Suy nghĩ làm gì, trồng cây gì, nuôi con gì để bớt nghèo, bớt khổ cứ mãi thôi thúc trong con người ông, để rồi với cách nghĩ, cách làm và bước đi đúng hướng giờ đây người lính trẻ năm nào đã có trong tay một cơ ngơi vững chắc cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông tâm sự: “Mình là nông dân nếu chỉ trông vào vài sào lúa thì có muôn đời cũng không giàu lên được, vì thế tùy vào điều kiện, thế mạnh của từng người mà chăn nuôi, trồng trọt để tăng thêm thu nhập”. Cũng theo ông Sôn, mỗi người có thể phát triển nhiều cây trồng, vật nuôi khác nhau nhưng phải tập trung vào một thế mạnh nhất định để vừa có nguồn thu ổn định và tận dụng cách làm lấy ngắn nuôi dài.
Từ cách nghĩ đó nên ông Sôn đã chọn baba là thể mạnh chính trong phát triển kinh tế của gia đình. Ban đầu không có vốn ông chỉ nuôi một vài con, rồi từ đó vừa gây giống vừa bán để lấy tiền đầu tư, chăm sóc, mở rộng sản xuất. Bà Nhít, vợ ông Sôn bộc bạch thêm: “Mình là nông dân ít vốn nếu muốn làm kinh tế thì phải biết cách lấy ngắn nuôi dài". Do đó, ngoài baba, vợ chồng ông Sôn còn tận dụng điều kiện đất đai vốn có nuôi thêm con gà, con vịt, trồng thêm cây sắn, cây ngô vừa để có thức ăn cho vật nuôi, vừa có thêm người thu nhập.
Với cách làm như vậy nên số lượng baba trong ao của ông Sôn ngày một nhiều lên. Ông cho biết: “Lúc cao điểm trong ao nhà tôi có đến hàng nghìn con, gồm cả baba bố mẹ, baba giống và thương phẩm”. Giờ đây ngoài baba, gia đình ông Sôn còn có gần 1.000 m2 ao cá, gần 10 ha rừng trồng các loại, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi baba, ông Sôn cho biết: “Quan trọng là phải tìm được con giống tốt, xây dựng ao chuồng chắc chắn và luôn giữ cho nguồn nước thông thoáng, sạch sẽ”. Theo ông, ngoài việc học tập trên sách vở thì điều quan trọng là phải đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để từ đó đúc rút ra những bài học cho bản thân. Bên cạnh đó, người nông dân nếu làm kinh tế thì nên tập trung làm ít nhưng hiệu quả còn hơn làm nhiều nhưng không chắc chắn, thiếu bền vững.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Thành phố Yên Bái tạo việc làm cho 1.445 lao động / Gần 1.200 lao động của huyện Trấn Yên có việc làm.
YBĐT - Hiện nay, diện tích lúa xuân trà I trong tỉnh đang trong giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh - đỏ đuôi, trà II đang trong giai đoạn trỗ bông.
YBĐT - Thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Đề án 1956 của Chính phủ, năm 2010, tỉnh Yên Bái đã mở 108 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 3.260 người được đào tạo.
YBĐT - Những năm qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được các cấp Hội Nông dân huyện Trấn Yên phổ biến rộng rãi đến hội viên.