Động lực giúp Văn Chấn phát triển nhanh
- Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2011 | 9:16:35 AM
YBĐT - Tạo nguồn lực lao động có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của huyện là giải pháp quan trọng để đưa Văn Chấn trở thành trung tâm động lực phát triển khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái.
Lắp đặt dây chuyền sản xuất tại Nhà máy tuyển quặng sắt Chấn Thịnh.
|
Thực hiện mục tiêu đưa huyện Văn Chấn trở thành trung tâm động lực phát triển khu vực phía Tây của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã tập trung nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng, mang tính đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của huyện.
Những năm qua, hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn đã được huyện Văn Chấn nỗ lực thực hiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nâng từ 9,26% năm 2006 lên 16,73% năm 2010. Mỗi năm, huyện giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động.
Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, tuy nhiên, lao động tham gia lĩnh vực nông, lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao với 87,03%, trong khi lao động lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 6,39%, thương mại dịch vụ chiếm 6,58%.
Hiện Văn Chấn có 172 doanh nghiệp thu hút trên 3.000 lao động là người địa phương. Hầu hết lao động trực tiếp sản xuất của huyện chưa có tay nghề, chủ yếu là lao động phổ thông, năng suất lao động thấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn lực, đặc biệt là ở những lĩnh vực đòi hỏi trình độ tay nghề, nghề mang tính chất khoa học, kỹ thuật cao.
Khắc phục những tồn tại trên cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong các lĩnh vực từ giáo dục phổ thông đến đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề. Huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2015, phấn đấu trong cả giai đoạn đào tạo nghề cho khoảng 7.000 lao động, tập trung vào các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp và những nghề là tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế của huyện như: sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản và công nghiệp chế biến, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, phấn đấu giải quyết việc làm cho 16.900 lao động, tập trung vào lao động ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các xã vùng Mường Lò và các xã vùng thượng huyện. Có hướng ưu tiên tạo điều kiện giải quyết việc làm thông qua các hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương, nhân rộng các mô hình dự án tạo việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Bà Phạm Thị Minh Hạnh - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, huyện Văn Chấn xác định tập trung nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của công tác đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề. Bên cạnh đó, tăng quy mô đào tạo, mở rộng cơ cấu ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng dạy nghề.
Trong đó, tập trung đào tạo nghề ngắn hạn thuộc các lĩnh vực như: chế biến nông sản, may mặc, sửa chữa máy nông cụ, điện công nghiệp, điện dân dụng. Liên kết với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài huyện tổ chức tuyển sinh mở các lớp đại học tại chức, cao đẳng nghề, trung cấp nghề chuyên ngành kế toán, công nghệ chế biến, địa chính… đáp ứng nhu cầu của nguời lao động trên địa bàn.
Bên cạnh đó, gắn đào tạo nghề với tư vấn, giới thiệu việc làm theo yêu cầu của thị truờng lao động trong và ngoài nước, giải quyết tốt công tác tạo việc làm cho người lao động sau dạy nghề. Vận động các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Tạo nguồn lực lao động có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của huyện là giải pháp quan trọng để đưa Văn Chấn trở thành trung tâm động lực phát triển khu vực phía Tây của tỉnh.
Hà Anh
Các tin khác
Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), sau một năm triển khai "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn", đã có 100% các tỉnh, thành và hầu hết các huyện, xã thành lập được BCĐ.
Bộ LĐTB & XH vừa phê duyệt các nghề trọng điểm và trường được lựa chọn đào tạo nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.
YBĐT - Để hạn chế khả năng dịch bệnh xảy ra, ngoài việc tuân thủ quy trình phòng bệnh tổng hợp như cải tạo ao, chọn giống...từ đầu vụ, thì vào giai đoạn này người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật
YBĐT - Sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTG ngày 27/11/2009 về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020", đến nay, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả tích cực.