Hầm Biogas: Giải pháp hữu hiệu cho người chăn nuôi ở Yên Bình
- Cập nhật: Thứ năm, 4/8/2011 | 10:15:29 AM
YBĐT - Chăn nuôi của Yên Bái nói chung và huyện Yên Bình nói riêng đang trên đường hướng tới một nền sản xuất hàng hóa tập trung, bên cạnh việc tập trung nâng cao giá trị sản phẩm thì việc xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường cũng là một vấn đề đáng quan tâm.
Cán bộ khuyến nông tư vấn về cách sử dụng hầm Biogas cho người dân.
|
Để minh chứng cho những tiện ích của hầm Biogas, ông Hoàng Thanh Nam, thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) dẫn chúng tôi xuống bếp. Sau tiếng bật “tách”, ngọn lửa xanh từ chiếc bếp ga bùng lên mạnh như tiếng gió rít. Anh Nguyễn Hoàng Anh, kỹ thuật viên Dự án Khí sinh học của Trạm Khuyến nông Yên Bình hồ hởi: “Đây chỉ là một trong rất nhiều tiện ích mà hầm Biogas mang lại”.
Với chủ trương thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái đã và đang phát triển theo hướng kinh tế trang trại, chăn nuôi quy mô tập trung nhưng kéo theo đó lượng chất thải chăn nuôi ngày càng nhiều, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. Do vậy, việc xử lý chất thải chăn nuôi là một trong những vấn đề cấp bách của ngành nông nghiệp hiện nay. Một trong những giải pháp đem lại lợi ích cho người chăn nuôi, đó là xây dựng hầm Biogas (công nghệ khí sinh học).
Được triển khai từ năm 2007, dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, đến nay, huyện Yên Bình đã có trên 400 hầm Biogas được xây dựng và đưa vào sử dụng. Theo đánh giá của nhiều hộ dân, tiện ích đầu tiên mà hầm Biogas mang lại là tạo ra chất đốt. Ở nông thôn, trước khi có hầm Biogas, người dân thường dùng củi, rơm rạ, than hoặc khí hóa lỏng để đun nấu.
Điều này vừa khiến người sử dụng mất thời gian lại vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường. Tuy nhiên, từ khi có hầm Biogas, người dân không những được sử dụng loại khí đốt trong lành, sạch sẽ mà còn tiết kiệm được chi phí.
Đưa vào sử dụng từ năm 2010, hệ thống hầm Biogass của gia đình ông Nam được thiết kế khá đơn giản, chất thải dưới hệ thống đường ống dẫn được chuyển trực tiếp đến bể phân giải, tại đây chất thải trong quá trình phân hủy tạo ra khí ga, khi bể phân giải đầy thì chất thải lại được chuyển sang bể điều áp và xả ra ngoài.
Ông Nam cho biết “Nếu biết hầm Biogas tiện ích như thế này thì tôi đã làm từ lâu rồi”. Được biết, từ khi làm hầm Biogas thì gia đình ông Nam đã tiết kiệm được khoản chi phí về chất đốt.
Theo tính toán, nếu căn cứ vào các loại số lượng nhiên liệu được thay thế thì mức độ tiết kiệm nhiên liệu bình quân đối với mỗi hộ gia đình nông thôn ước tính từ 100 nghìn đến 250 nghìn đồng/tháng. Đặc biệt, đối với những hộ gia đình sử dụng khí sinh học thay thế hoàn toàn nhiên liệu khác trong việc đun nấu, thắp sáng thì tiết kiệm được gần 400 nghìn đồng/tháng. Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ phẩm (chất thải vật nuôi đã qua xử lý) từ hầm Biogas còn giúp giảm chi phí mua phân bón cho cây trồng.
Ông Lương Văn Thế, xã Bạch Hà cho biết: “Từ khi làm hầm Biogas thì chi phí mua phân bón hóa học cho cây trồng của gia đình giảm đi đáng kể (khoảng từ 18 đến 30%) so với trước”.
Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, việc sử dụng phụ phẩm khí sinh học không những tăng năng suất cây trồng, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn giảm việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, môi trường và không khí sẽ trong lành hơn.
Theo anh Nguyễn Hoàng Anh, năm nay ngoài dùng hầm xây, người dân còn có thêm sự lựa chọn đối với các loại hầm nhựa. Ưu điểm của loại hầm này là tiện lợi, cơ động, dễ di chuyển và lắp đặt nhanh chóng. Mỗi hộ tham gia sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật sử dụng, vận hành và kinh phí hỗ trợ 1,2 triệu đồng/hầm.
Chăn nuôi của Yên Bái nói chung và huyện Yên Bình nói riêng đang trên đường hướng tới một nền sản xuất hàng hóa tập trung, bên cạnh việc tập trung nâng cao giá trị sản phẩm thì việc xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Do vậy việc sử dụng công nghệ khí sinh học trong chăn nuôi thực sự là một giải pháp hữu hiệu cho người chăn nuôi.
Hùng Cường - Hoàng Anh
Các tin khác
Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH Nguyễn Thanh Hòa vừa ký quyết định hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa lao động làm việc tại Libya về nước trước hạn.
YBĐT - Dự án "Phát triển nuôi ong nội cho người dân tộc thiểu số và người dân nghèo ở các vùng nông thôn Việt Nam" giai đoạn 2009 – 2012 do Hội Nuôi ong Đan Mạch - DBF tài trợ không chỉ giúp người nông dân tiếp cận với kỹ thuật nuôi ong theo phương pháp hiện đại mà còn mở ra hướng thoát nghèo cho người nông dân.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, huyện Lục Yên đã tạo việc làm mới cho 1.570 người, đạt gần 53% kế hoạch năm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đã thống nhất và đưa ra được một số giải pháp hỗ trợ lao động từ Libya về nước trước thời hạn do bất ổn chính trị xảy ra tại nước này hồi cuối tháng 2 vừa qua, đang chờ Chính phủ phê duyệt.