Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn
- Cập nhật: Thứ ba, 10/1/2012 | 9:00:41 AM
YBĐT - 5 năm qua, trên 11.230 lượt lao động ở Yên Bá được tư vấn và giới thiệu việc làm, 3.250 lượt người được đào tạo nghề, trong đó, 70 % lao động sau đào tạo có việc làm hoặc tự tạo được việc làm, góp phần để mỗi năm 17.000 lao động trong tỉnh có việc làm.
Nhiều hội viên phụ nữ, sau học nghề đã có được việc làm ổn định.
|
Trong những năm qua, công tác dạy nghề cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là lao động nữ ở nông thôn luôn được các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh quan tâm. Thông qua các chương trình, dự án, đào tạo nghề cho nữ lao động nông thôn (LĐNT), các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế… đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho gia đình hội viên phụ nữ.
Từ khi có Quyết định 295/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2010 - 2015”, hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm được tăng cường và nâng cao về chất lượng, 100% hội phụ nữ các huyện, thị, thành phố đã có chương trình phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ về đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho LĐNT. 5 năm qua, trên 11.230 lượt lao động được tư vấn và giới thiệu việc làm, 3.250 lượt người được đào tạo nghề, trong đó, 70 % lao động sau đào tạo có việc làm hoặc tự tạo được việc làm, góp phần để mỗi năm 17.000 lao động Yên Bái có việc làm.
Đặc biệt, sau hai năm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho LĐNT”, Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ đã tổ chức 119 lớp dạy nghề cho trên 3.440 lao động với các nghề như: mây tre đan, nữ công gia chánh, may dân dụng, chăn nuôi - thú y… Đã giới thiệu việc làm cho gần 2.000 lao động.
Bên cạnh đó, các cấp Hội phụ nữ còn phối hợp với khuyến nông các cấp mối năm tổ chức trên 1.200 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên phụ nữ. Các cấp Hội đã tích cực vận động chị em ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất gắn với thử nghiệm, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp tại địa phương như: mô hình trồng lúa năng suất chất lượng cao, mô hình trồng sắn cao sản, nuôi lợn hướng nạc, gà thả vườn, nuôi bò bán công nghiệp, nuôi ba ba, trồng nấm… Đặc biệt, mô hình phân viên nén dúi sâu từ 3 xã làm nay đã nhân rộng ra 163 xã với gần 50.000 hộ tham gia.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho phụ nữ, nhất là nữ LĐNT còn gặp nhiều khó khăn do mạng lưới cơ sở dạy nghề của Hội phụ nữ còn ít, chưa có trung tâm dạy nghề ở khu vực nông thôn, miền núi, cơ cấu đào tạo ngành, nghề cho lao động nữ chưa phù hợp, chưa bổ sung các ngành nghề mới theo yêu cầu thị trường nên một bộ phận học viên sau khi học nghề không tìm được việc làm hoặc tìm được việc làm nhưng không đúng với ngành nghề được đào tạo.
Để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã đề ra, trong năm 2012 và những năm tiếp theo, Hội phụ nữ các cấp tiếp tục tăng quy mô dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho sản xuất của lao động nữ tại các địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.
Phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ bị thu hồi đất, lao động nữ nghèo tại các địa bàn nông thôn; các hoạt động dạy nghề cho phụ nữ cần tập trung vào nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề để nông dân thích nghi và hòa nhập với cơ chế thị trường, tăng hiệu quả lao động, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động.
Các cấp Hội nên tổ chức các hình thức hợp tác sản xuất cho lao động nữ sau khi học nghề thông qua các chi tổ, hội tại cơ sở như tổ hội sản xuất các ngành nghề truyền thống, các ngành thủ công mỹ nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao. Thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề tại chỗ theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho nữ LĐNT…
Hà Anh
Các tin khác
YBĐT - Trong 2 năm qua, Thành phố Yên Bái đã mở được trên 30 lớp đào tạo nghề cho gần 1000 LĐNT, trong đó có 191 lao động thuộc diện thu hồi đất. Tuy nhiên, giái quyết việc làm sau đào tạo nghề cho người lao động cũng gặp không ít khó khăn do tâm lý người lao động không muốn ly hương, trong khi cơ hội có việc làm tại chỗ cũng rất hiếm hoi.
YBĐT - Theo thống kê, năm 2011, thành phố Yên Bái trên 47.500 lao động có việc làm, số thất nghiệp là 1.805 người (chiếm 3,7%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,1%, qua đào tạo nghề đạt 27,9%.
YBĐT - Ngay sau khi có Quyết định 1956/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT), tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban chỉ đạo các cấp...
YBĐT - Với lợi thế sẵn có các phụ phẩm dư thừa từ lúa, ngô, khoai, sắn... ông Khai đã mở rộng quy mô chuồng trại của gia đình, nuôi tăng đàn lợn lên chục con/lứa và nuôi hai đến ba lứa/năm, tích cực học hỏi tích luỹ kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh và tìm kiếm thị trường.