Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, huyện Văn Chấn đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp để người lao động trong độ tuổi tích cực tham gia XKLĐ. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lò Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện về vấn đề này.
P.V: Văn Chấn là một trong những địa phương - điểm sáng trong công tác XKLĐ. Đồng chí có đánh giá gì về kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của huyện trong giai đoạn 2019 - 2023?
Đồng chí Lò Thị Thúy Nga: Dân số toàn huyện có trên 128.000 người, trong đó lao động trong độ tuổi hơn 83.000 người, số lao động tham gia hoạt động kinh tế trên 75.000 người - đây là lợi thế về nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển của huyện Văn Chấn. Trên cơ sở đó, huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức triển khai thực hiện đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2024…
Theo đó, hằng năm, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Với những giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, từ năm 2019 - 2023, huyện đã đưa được 491 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu vào thị trường: Nhật Bản, Quata, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông…
Hết tháng 10/2024, Văn Chấn đã phối hợp với một số đơn vị như: Công ty cổ phần XKLĐ Thương mại và Du lịch, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Thương mại Thịnh Long, Công ty cổ phần Cung ứng và Quản lý nguồn lực Thăng Long, Công ty cổ phần Đầu tư và Quan hệ quốc tế GLC GROUP Việt Nam, Công ty cổ phần TRAENCO Quốc tế, Công ty cổ phần Liên minh Tiến bộ Quốc tế EK, Công ty cổ phần Đào tạo và Hợp tác Quốc tế - JVT GROUP tổ chức tuyên truyền, tư vấn bằng nhiều hình thức và đã có 78 lao động đi XKLĐ các nước, trong đó: Hàn Quốc 25 lao động, Nhật Bản 38 lao động... Một số địa phương làm tốt công tác XKLĐ điển hình như: Sùng Đô 7 lao động, Cát Thịnh 8 lao động, Nghĩa Tâm 11 lao động, thị trấn Sơn Thịnh 11 lao động…
Dự kiến từ nay đến hết năm 2024, có thêm 10 lao động đi Quata và 15 lao động đi làm thời vụ tại Hàn Quốc. Thông qua đây đã giúp lao động tiếp cận với các nước có kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển đồng thời nâng cao tay nghề, tác phong, lề lối làm việc công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật.
P.V: Kết quả đạt được là động lực để huyện tiếp tục phấn đấu, tuy nhiên công tác XKLĐ còn nhiều khó khăn và hạn chế là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lò Thị Thúy Nga: Thực tế cho thấy, một số xã chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ XKLĐ của Nhà nước; nhận thức của một bộ phận người lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chưa chủ động rà soát, phân loại đối tượng để có giải pháp tuyên truyền, vận động cụ thể.
Cùng đó, một bộ phận lao động trình độ văn hóa hạn chế nên gặp khó khăn trong học ngoại ngữ; đa số lao động chưa được đào tạo tay nghề thích hợp với môi trường công nghiệp; ý thức tổ chức, kỷ luật kém và chấp hành luật pháp kém, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật nước sở tại buộc về nước trước thời hạn, làm ảnh hưởng đến phong trào XKLĐ.
Đồng chí Lò Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn.
Bên cạnh đó, trước đây, một số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo đường "tiểu ngạch”, bị đánh đập hay làm việc không theo hợp đồng nên nhiều gia đình e ngại khi cho con đi lao động ở nước ngoài. Một số doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động tại địa phương chưa làm tốt công tác phối hợp thông tin và trao đổi với cơ quan chuyên môn, do vậy việc nắm bắt thông tin về kết quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khó khăn. Thêm nữa, công tác quản lý Nhà nước ở cấp xã còn nhiều hạn chế; còn nhiều lao động đi nước ngoài làm việc theo diện tự phát hoặc đi theo các đơn vị tư vấn chưa được xác minh tư cách tuyển dụng lao động, không được quản lý, thậm chí có một số trường hợp đi bất hợp pháp...
P.V: Để thực hiện hiệu quả Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2030, huyện Văn Chấn đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lò Thị Thúy Nga: Thực hiện Đề án giai đoạn 2024 - 2030, huyện Văn Chấn phấn đấu đưa 1.300 lao động đi nước ngoài làm việc. Huyện đã chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 45/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài và học sinh, sinh viên tham gia chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với các trường cao đẳng, đại học nước ngoài, giai đoạn 2024 - 2026 trên địa bàn tỉnh Yên Bái và Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2030.
Theo đó, huyện tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng nghị quyết, đề án và Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Song song, huyện huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giao chỉ tiêu XKLĐ hàng năm trong Chương trình hành động của Huyện ủy.
Ngoài ra, huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống về các đơn hàng, công khai, minh bạch các khoản chi phí... Cùng với đó, Văn Chấn sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội nghị, hội thảo để thông tin đến người lao động những quy định của pháp luật, chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết nối với các công ty, doanh nghiệp có uy tín để tìm kiếm, lựa chọn các chương trình tốt, phù hợp với người lao động.
Việc thẩm định hồ sơ phải đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng. Chỉ đạo công an các xã, thị trấn nắm bắt tình hình của các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở địa phương nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kiên quyết xử lý các trường hợp có biểu hiện lợi dụng chính sách hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để trục lợi, không đúng đối tượng hưởng chính sách.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Trần Minh (thực hiện)