Nhân lực - Vấn đề của đào tạo nghề Yên Bái
- Cập nhật: Thứ tư, 7/3/2012 | 9:50:31 AM
YBĐT - Thời gian qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, để Yên Bái trở thành trung tâm đào tạo nghề khu vực Tây Bắc thì nhân lực đang là vấn đề bức thiết.
Giờ thực hành của học sinh Trường Cao đẳng nghề Yên Bái.
|
Thiếu về số lượng
Đến nay, Yên Bái có 25 cơ sở dạy nghề (công lập và ngoài công lập) với tổng số 405 cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề. Trong tổng số giáo viên công lập có 77% là giáo viên dạy nghề tại 2 trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề, 10 trung tâm dạy nghề, 2 trường trung cấp có dạy nghề và 10 trung tâm khác có dạy nghề.
Trong tổng số giáo viên dạy nghề, có 254 giáo viên hữu cơ (trong biên chế hoặc giáo viên hợp đồng có thời gian hợp đồng từ 1 năm trở lên), 78 giáo viên hợp đồng (dưới 1 năm) và 150 người giáo viên thỉnh giảng.
Với mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015, mỗi năm bình quân đào tạo nghề cho 11.760 người thì đội ngũ giáo viên dạy nghề của tỉnh đang rất thiếu về số lượng, các cơ sở dạy nghề gặp khó khăn trong đảm bảo định mức 1 giáo viên/20 học viên.
Cụ thể, tại Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ được thành lập tháng 11/2009 (nâng cấp từ Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Lộ) nhưng đến tháng 3/2011 mới có 10 chỉ tiêu biên chế. Trường phải hợp đồng thêm giáo viên nhưng vẫn chưa đạt về quy mô giáo viên đối với trường trung cấp nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH). Còn lại 8 trung tâm dạy nghề công lập mới đạt 6 - 9 biên chế/trung tâm. Thậm chí như Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái hiện nay mới có 85 giáo viên, trong đó nhu cầu thực tế phải là 140.
Bên cạnh đó, Trường vẫn chưa đảm bảo cơ cấu giáo viên có trình độ thạc sỹ (15% tổng số giáo viên), do đó, chưa đảm bảo chuẩn giảng viên, giáo viên dạy nghề theo quy định của Bộ LĐ,TB&XH.
Hạn chế về chất lượng
Cùng với số lương, đội ngũ giáo viên dạy nghề còn hạn chế về chất lượng. Theo điều tra tổng số giáo viên hữu cơ hiện có chỉ có 17 người có trình độ thạc sỹ (chiếm 7%), 152 người có trình độ đại học (chiếm 60%), 44 người có trình độ cao đẳng (chiếm 17%), 41 người có trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề (chiếm 16%). Bên cạnh đó, số cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề chưa đạt chuẩn về đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề hiện chiếm tỷ lệ cao.
Ông Nguyễn Khắc Chung - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ,TB&XH nhận xét: "Phần lớn giáo viên dạy nghề của tỉnh hiện nay tự học sau đó hoàn thiện là chính, số lượng được đào tạo bài bản chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Giáo viên vừa dạy được lý thuyết vừa dạy thực hành và ngược lại rất hiếm".
Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH: Để đáp ứng nhu cầu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 45%, trong đó có đào tạo nghề đạt 30%, bình quân mỗi năm Yên Bái sẽ đào tạo 11.760 người. Do vậy, số giáo viên tối thiểu tại các cơ sở dạy nghề phải là trên 390 người. Bên cạnh đó, Yên Bái đã được công nhận xây dựng 1 nghề trọng điểm quốc tế là lắp ráp, sửa chữa ô tô, 4 nghề khu vực ASEAN là điện công nghiệp, vận hành máy, mộc, cơ khí và một số nghề quốc gia như: dệt thổ cẩm, nông lâm nghiệp và thuỷ sản... Vì vậy, xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu đào tạo là rất cần thiết. |
Ở Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, mặc dù được đầu tư máy hàn và máy đột rập liên hợp của Đài Loan nhưng vẫn không phát huy hiệu quả vì ít giáo viên sử dụng tốt để giảng dạy hay thực hành. Hoặc tại trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ, mặc dù được trang bị máy cày phục vụ giảng dạy nhưng chưa có giáo viên thực giảng.
Thực hiện mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành trung tâm đào tạo nghề, đào tạo giáo viên dạy nghề cho khu vực Tây Bắc, Yên Bái đã xác định và xây dựng được trọng điểm 1 nghề quốc tế, 4 nghề khu vực ASEAN và một số nghề quốc gia tại 3 trường là: Cao đẳng Nghề, Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ và Trung cấp Nghề 20/10. Nhưng do kỹ năng của đội ngũ giáo viên nghề còn hạn chế, chưa đạt chuẩn quốc gia để dạy nghề hệ trung cấp trở lên, chưa chuẩn bị về kỹ năng nghề cho giáo viên để dạy nghề quốc tế, khu vực, quốc gia, khả năng sử dụng ngoại ngữ thông dụng để giảng dạy, đọc dịch tài liệu nước ngoài còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, số giáo viên nhiều tuổi có kinh nghiệm (chiếm gần 50%) thì tiếp cận công nghệ mới khó khăn, giáo viên trẻ kinh nghiệm ít, dẫn đến mục tiêu này sẽ khó thành hiện thực, nếu không có chiến lược đầu tư, đào tạo bài bản.
Thay lời kết
Không có đội ngũ giáo viên dạy nghề đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng dẫn đến không thể tăng nhanh về quy mô, không có giáo viên giỏi, không có học sinh giỏi. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề của tỉnh đang trở thành vấn đề cấp thiết. Được biết, ngành LĐ,TB&XH đã có đề án cụ thể để phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề tại các cơ sở.
Tuy nhiên, để đề án trở thành hiện thực, để yếu tố nhân lực không là những cản trở trong thực hiện mục tiêu đã đề ra, việc chủ động của các cơ sở đào tạo nghề, cũng như các nhà trường đối với việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ở đơn vị mình là hết sức cần thiết.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Từ ngày 5-3 đến 9-3, Bộ LĐTB-XH sẽ tổ chức một kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt cho những người từng đi xuất khẩu lao động (LĐ) tại Hàn Quốc về nước đúng hạn có nguyện vọng quay trở lại Hàn Quốc làm việc.
YBĐT - Thực hiện Quyết định 1956/QĐ - TTg ngày 27/11/ 2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020, Yên Bái đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Sau hai năm thực hiện, đã có hàng vạn LĐNT trên địa bàn được đào tạo nghề và có việc làm, thu nhập ổn định.
YBĐT - Những vụ rét trước đây, không năm nào huyện Trạm Tấu (Yên Bái) không bị chết rét hàng trăm đến hàng nghìn con trâu bò. Điển hình như vụ đông xuân 2010-2011, cả huyện chết tới 1.213 con gia súc, trong đó có 502 con trâu, 293 con nghé, 179 con bò, 95 con bê, 36 con ngựa, 18 con dê.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Nhật Bản đang cần số lượng lớn thực tập sinh kỹ thuật (TTS), đặc biệt trong ngành nông nghiệp.