40 lao động kêu cứu tại Nga: 11 người đã về nước an toàn
- Cập nhật: Thứ hai, 14/5/2012 | 2:20:06 PM
Hôm 13/5, 11 trong số 40 lao động (LĐ) xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại LB Nga đã về đến Việt Nam. Số lao động còn lại quyết định tiếp tục ở lại làm việc và đã được ký hợp đồng lao động hợp pháp.
11 lao động tại Nga đã về nước hôm 13/5.
|
Được biết, hiện còn 16 lao động ở lại làm việc tại nhà máy và 12 người đang chờ làm thủ tục về nước đợt sau (dự kiến ngày 26/5 tới sẽ về tới Việt Nam).
Xác nhận với PV Dân trí về sự việc này, đại diện Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cho biết: qua kiểm tra hồ sơ sự việc, 40 lao động này đi XKLĐ không theo đường chính thống (tức không qua kiểm soát của Cục). Tuy nhiên, sang đến Nga, bằng quan hệ riêng, chủ sử dụng lao động là công ty L.E.O Pard vẫn có được giấy phép lao động cho toàn bộ nhóm. Sự việc về điều kiện lao động, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo… chỉ được cơ quan chức năng biết đến khi có thông tin kêu cứu của người lao động tại Nga và người nhà tại Việt Nam.
Sau khi nhận được thông tin, Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) Việt Nam tại Ekaterinburg đã cử đại diện đến gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các lao động Việt Nam xác minh và tìm hiểu thêm về vụ việc. TLSQ cũng đã làm việc chính thức với phía Công ty L.E.O Pard và toàn thể lao động Việt Nam đang làm việc tại đây để yêu cầu phía Công ty L.E.O Pard làm rõ các điều khoản về lương, chế độ lao động, y tế, ăn ở… cũng như thái độ phân biệt đối xử giữa người lao động Việt Nam với người lao động của các nước khác.
Phía Công ty L.E.O Pard cho biết sẵn sàng ký lại hợp đồng với người lao động. Về vấn đền này, phía Cục Quản lý Lao động Ngoài nước khẳng định, đã yêu cầu phía chủ sử dụng lao động tại Nga soạn thảo lại hợp đồng lao động bằng song ngữ Nga - Việt để người lao động có điều kiện đọc, hiểu rõ mọi điều khoản về trách nhiệm và quyền lợi liên quan đến quá trình lao động tiếp theo. Cùng đó, Cục cũng sẽ kiểm soát các điều khoản trong hợp đồng lao động đảm bảo phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Số liệu thống kê của Đại sứ quán Nga tại Việt Nam cho hay, chỉ tính riêng từ cuối năm 2007 đến nay có khoảng 7.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại LB Nga theo hình thức cá nhân như du lịch, thăm người thân hoặc các hình thức khác thông qua các đối tượng là cá nhân hoặc tổ chức không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài làm trung gian hoặc thông qua người thân là người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Nga đưa sang.
Các doanh nghệp XKLĐ Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Liên bang Nga theo cơ chế mới từ năm 2007. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 3.000 lao động Việt Nam đi theo đường chính thống này.
Theo thông báo chính thức từ Cục Quản lý lao động Ngoài nước, hiện có 16 doanh nghiệp dịch vụ đã được cấp phép để đưa lao động đi làm việc tại Nga. Theo đó, doanh nghiệp dịch vụ có giấy phép đưa lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài phải đăng ký thẩm định hợp đồng tại Cục và nhận được phiếu trả lời cho phép thực hiện hợp đồng của Cục khi đảm bảo các điều kiện về tiền lương. Phí môi giới trong hồ sơ đăng ký gồm:
Thời hạn hợp đồng 1 năm có thể gia hạn đến 3 năm; Tiền môi giới không quá 1 tháng lương cơ bản cho 1 năm làm việc; Chủ lao động phải cung cấp miễn phí chỗ ở; Thời gian làm việc 48h/tuần; Vé máy bay đi lại thường mỗi bên chịu 1 lượt.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Theo Cục Quản lý lao động ngoài ngước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2012 là 25.637 lao động.
4/10 người thất nghiệp là thanh niên, đó là con số thống kê mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa thống kê trên toàn thế giới, tương đương với 75 triệu thanh niên không có việc làm. Ở Việt Nam, thanh niên độ tuổi từ 15-24 thất nghiệp chiếm 50,4% trong tổng số người thất nghiệp hiện nay.
Loạn từ thu phí vượt rào, đến tranh giành đơn hàng giữa các doanh nghiệp, trong khi cơ quan quản lý gần như không kiểm soát được tình hình.
YBĐT - Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bằng cách liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT là hướng đi đúng đắn mà Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã và đang thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua.