Hiệu quả thâm canh Lúa HT1
- Cập nhật: Thứ tư, 6/6/2012 | 9:52:42 AM
YBĐT - Vụ đông xuân vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Dự án sản xuất giống lúa chất lượng cao HT1 tại xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái). Từ Dự án này, các hộ nông dân đã nắm bắt được tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh lúa cho năng suất và chất lượng cao.
Cán bộ kỹ thuật cùng bà con kiểm tra tình hình phát triển của giống lúa HT1 tại xã Hợp Minh.
|
Dự án được triển khai trên quy mô 15ha, 120 hộ tham gia với giống lúa thơm (HT1) do Trung tâm Giống cây trồng Yên Bái sản xuất. Để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, Trung tâm Khuyến nông đã tập huấn cho các hộ tham gia từ kỹ thuật ngâm ủ mạ, chăm sóc sau cấy đến cách phòng trừ sâu bệnh hại lúa, kiểm tra, đôn đốc các hộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật.
Tại hội thảo đầu bờ, các cơ quan chuyên môn cũng như các hộ nông dân tham gia Dự án đều nhận định, giống lúa HT1 có khả năng phục hồi nhanh sau khi cấy, đẻ nhánh khỏe, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau, chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh như rầy nâu, bệnh bạc lá tốt hơn giống lúa lai.
Đặc biệt, các hộ tham gia đã chú trọng đầu tư các loại phân chuồng, phân lân, phân kali đúng tỷ lệ, đúng thời điểm, bón lót và bón thúc sớm ngay từ giai đoạn đầu. Điều này đã làm thay đổi tập quán chỉ bón đơn độc bằng phân đạm hoặc chỉ bón phân kali khi lúa làm đòng.
Sau thời gian sinh trưởng từ 120 - 125 ngày, cây lúa đạt chiều cao trung bình từ 90 - 100cm, cho năng suất 57,9 tạ/ha. Về hình thức, giống HT1 cho bông to, dài, bình quân 112 hạt chắc/bông, vỏ trấu mỏng có mầu nâu sẫm, tỉ lệ gạo đạt 70 - 72%. Không chỉ năng suất cao mà giống HT1 còn cho chất lượng gạo ngon, hạt đẹp, nhỏ, dài, bóng, ít gẫy, cơm dẻo. Vì vậy, theo tính toán, lúa HT1 cho thu nhập cao hơn khoảng 2 triệu đồng/ha so với các giống lúa khác.
Ông Đỗ Kim Quý – Trưởng thôn 1 xã Hợp Minh cho biết: “Vụ vừa rồi, thôn tôi có 80 hộ tham gia, trồng 4ha lúa theo hình thức thâm canh. Lúa tốt lại chống chịu được với nhiều loại sâu bệnh, cho năng suất cao, giá trị kinh tế hơn hẳn so với các loại lúa khác. Một cân thóc giống HT1 bán được 10.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 đồng/kg so với các giống Nhị ưu 838, Khang Dân... Mấy chục hộ trong thôn lại được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa, làm mạ, mật độ cấy, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất cao hơn hẳn so với tự làm. Đơn giản như việc bón phân thôi cũng cần kỹ thuật. Trước kia, nông dân ít bón phân kali hoặc không bón nên lúa dễ bị gẫy đổ nhưng nay được hướng dẫn bón phân kali sớm nên cây cứng cáp, mấy trận mưa to thế mà cũng không hề đổ. Vụ mùa này, 80% diện tích lúa trong thôn sẽ cấy giống HT1”.
Từ những ưu điểm trên có thể thấy, giống lúa HT1 phù hợp với điều kiện và trình độ thâm canh của bà con nông dân tại nhiều địa phương. Hiện nay, giảm tối đa sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống lúa từ bên ngoài đang là mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp, do đó, Dự án đã hướng dẫn bà con cách bảo quản giống, giữ giống, đảm bảo nguồn giống chất lượng để mở rộng sản xuất, tạo ra sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
HT1 cũng như những giống lúa mới chất lượng cao cùng với nhiều biện pháp thâm canh là điều kiện quan trọng cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Hội Nông dân xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) đã vận động hội viên tích cực đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Những kết quả bước đầu đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đào tạo nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam từ nay đến năm 2020.
YBĐT - Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT (Đề án 1956) theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội cho nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Qua gần 2 năm triển khai ở Yên Bái, Đề án đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Hội Liên hiệp phụ nữ VN đã đưa vào hoạt động thí điểm Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước (MRC).