Phòng trị dịch bệnh cho động vật thuỷ sản
- Cập nhật: Thứ ba, 19/6/2012 | 10:17:49 AM
YBĐT - Mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài và mưa thất thường, là thời điểm tốt nhất để các loại bệnh như: đốm đỏ lở loét, viêm thối mang, trùng bánh xe (gây hại ở cá) bệnh mủ đậu, lao, sưng cổ và viêm đường ruột (gây hại ở ba ba) phát triển và lây lan gây thiệt hại cho cho hộ chăn nuôi và ngành thuỷ sản trên dịa bàn toàn tỉnh .
Mô hình nuôi cá chiên của bà Nguyễn Thị Lan ở thị trấn Mậu A (Văn Yên) cho thu nhập kinh tế cao. (Ảnh: Hồng Duyên)
|
Để giúp cho bà con chăn nuôi thủy đặc sản trong tỉnh áp dụng tốt công tác phòng trị bệnh cho động vật chăn nuôi thủy đặc sản tại các hộ gia đình, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế, Chi cục Thủy sản tỉnh có một số biện pháp phòng và trị bệnh cho động vật thủy đặc sản như sau:
Biện pháp phòng trị tổng hợp:
Chuẩn bị công trình chăn nuôi phải đảm bảo đúng với quy trình kỹ thuật mà tài liệu ngành hướng dẫn. Mật độ thả: đối với ao từ 2-3con/m2, đối với nuôi lồng từ 10-15 con/m3. Con giống phải tuyển chọn mua tại các đơn vị sản xuất tin cậy, kích cỡ con giống phải đảm bảo khoẻ mạnh, đồng đều cỡ, không mang mầm bệnh, còi cọc dị hình.
+ Đối với cá giống nuôi trong ao phải từ giống cấp II trở lên (6cm- 12cm/con).
+ Đối với cá giống nuôi lồng phải từ 200g/con trở lên.
+ Đối với ba ba giống nuôi phải từ 80g -100g/con trở lên.
Trước khi thả giống vào bể, ao, lồng nuôi cần phải tắm qua dung dịch nước muối ăn với nồng độ 2% trong thời gian 5-10 phút để khử mầm bệnh. Áp dụng quy định cho ăn theo 4 định (chất lượng thức ăn, điểm cho ăn, thời gian cho ăn, liều lượng cho ăn) trong ao cần phải có sàn và khung cho cá ăn.
Đối với thức ăn xanh nên cho ăn 35- 40 % trọng lượng thân cá nuôi/ngày, đối với thức ăn tinh cho ăn từ 3-5% trọng lượng thân cá nuôi/ngày. Thường xuyên vệ sinh bể, ao, lồng nuôi định kỳ, hàng tháng dùng vôi bột hoà loãng té đều xung quanh ao, lồng nuôi với liều lượng 2kg/100m3. Vào những mùa xuất hiện bệnh như tháng 3, tháng 6, tháng 9, tháng 12, người chăn nuôi cần áp dụng nghiêm ngặt chế độ cho ăn, dùng thuốc phòng trị bệnh bằng thuốc Tiên Đắc I với 10 gam thuốc /50 kg cá nuôi cho ăn 3 ngày liên tục bằng cách: trộn thuốc với thức ăn tinh nấu chín để nguội, cho vào sàn để cá ăn (Trước khi cho cá ăn thuốc phải dừng toàn bộ thức ăn xanh).
Đối với những hộ chăn nuôi ba ba cần lưu ý đến công tác vệ sinh công trình nuôi, định kỳ cho ba ba ăn thuốc phòng bệnh 1 tháng 1 lần gồm các loại thuốc kháng sinh Chlorocid, Tetaxiline, sulfa mis.. với liều lượng 5g/1tạ ba ba thương phẩm trộn hoặc ngâm với thức ăn cho ba ba ăn vào chiều tối.
Các loại bệnh thường gặp trong chăn nuôi thủy sản và cách trị bệnh:
Bệnh đốm đỏ: tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Dấu hiệu bệnh là cá bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, trên thân, các gốc vây xuất hiện các vết đỏ và loét dần. Giải phẫu thấy khoang bụng, ruột, gan... xuất huyết.
Trị bệnh bằng cách: dùng thuốc Tiên Đắc I của Trung Quốc với liều dùng 50g thuốc cho 50 kg cá/ ngày, cho cá ăn liên tục trong 3 ngày bằng cách trộn thuốc với thức ăn tinh nấu chín để nguội, cho vào sàn để cá ăn (Trước khi cho cá ăn thuốc phải dừng toàn bộ thức ăn xanh). Ngoài ra, cần kết hợp bón vôi bột xuống ao với lượng 2kg vôi bột/ 100 m3 nước ao.
Bệnh nấm thủy my: dấu hiệu bệnh lý, trên da xuất hiện các vùng trắng xám, có các sợi nấm nhỏ mềm, nấm phát triển như đám bông đan chéo. Nhìn mắt thường có dạng chùm bông màu trắng, sau đó cá bỏ ăn vài ngày và chết. Điều trị bằng cách tắm cho cá trong dung dịch muối ăn với nồng độ 2 -3% trong thời gian từ 5 - 10 phút.
Bệnh trùng mỏ neo: dấu hiệu bệnh lý, trùng mỏ neo nhìn mắt thường có chiều dài từ 8 - 15 mm, mầu trắng, đầu có 8 xúc tu cắm sâu vào da cá hút máu cá. Trị bệnh bằng cách dùng lá xoan non giã nhỏ té đều khắp ao với lượng 0,4 - 0,5 kg/1m3 nước. Sau đó ngâm ao 2 ngày và tháo nước đó đi để ký sinh trùng đã rời khỏi vật chủ đi theo nguồn nước ra ngoài và cấp nước mới vào ao.
Bệnh sưng cổ ở ba ba: dấu hiệu bệnh lý, cổ ba ba bị sưng, nhiều con bị nặng không rụt cổ vào trong mai được, dẫn tới ba ba bỏ ăn gầy yếu và chết. Trị bệnh bằng cách dùng thuốc Choloro cidhoặc sulfamid trộn vào thức ăn cho ăn 3 ngày liên tục, liều lượng 2-3g/1kg thức ăn/ ngày đến ngày thứ 3 giảm đi 1 nửa liều lượng thuốc
Bệnh viêm loét do vi khuẩn (bệnh bã đậu): dấu hiệu bệnh lý, ba ba bị bệnh có những vết loét với hình dạng và kích cỡ nhất định rất dễ nhìn thấy ở cổ, chân, xung quanh phần mềm, trên mai và phần bụng của ba ba. Miếng vết loét thường xuất huyết, hoặc đóng kén, nếu khều vết loét thấy những cục trắng như bã đậu, nhiều con bị nặng móng chân bị cụt, bỏ ăn và bị chết sau 1 tuần. Trị bệnh bằng cách dùng cồn Iốt hoặc thuốc mỡ Tetaciline dạng mỡ bôi trực tiếp vào vết thương sau đó tách riêng ở bể cát ẩm theo dõi 3-5 ngày để điều trị khi nào quan sát thấy vết thương đã lành liền sẹo mới thả ba ba xuống ao nuôi tiếp tục chăm sóc quản lý đến khi thu hoạch.
Trước khi dùng thuốc và áp dụng biện pháp điều trị bệnh cho động vật thủy sản bà con cần tìm hiểu rõ từng loại bệnh mà sử dụng đúng thuốc bằng cách liên hệ và thông báo ngay với cơ quan chuyên môn là Chi cục Thuỷ sản tỉnh để tư vấn theo số điện thoại: 0293.885.155 hoặc 0912 683 804.
Các tin khác
YBĐT - Xen giữa màu nâu của đất bãi phù sa, màu xanh của ngô xuân là những ruộng bí đỏ hạt đậu đang cho thu hoạch lứa quả cuối cùng. Những ruộng bí quả hình nậm rượu, vàng ruộm, sai trĩu đã cho thấy hiệu quả của một loại giống cây trồng mới mà người nông dân ở xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái) quen gọi với tên “bí siêu quả”.
YBĐT - Khai giảng lớp trung cấp nghề cho lao động vùng 135/ Gần 100 lao động phổ thông học nghề
YBĐT - Năm 2011, thành phố Yên Bái đã tổ chức 10 lớp đào tạo nghề cho 276 học viên, trong đó Trung tâm Dạy nghề thành phố 8 lớp, Trung tâm Dạy nghề tỉnh 1 lớp, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề thành phố 1 lớp.
YBĐT - Vụ đông xuân vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Dự án sản xuất giống lúa chất lượng cao HT1 tại xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái). Từ Dự án này, các hộ nông dân đã nắm bắt được tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh lúa cho năng suất và chất lượng cao.