Kỹ thuật gieo thẳng lúa theo hàng bằng máy kéo tay
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/6/2012 | 9:14:18 AM
YBĐT - Thực hiện thâm canh lúa gieo thẳng đúng qui trình kỹ thuật sẽ đơn giản hoá việc gieo trồng lúa, giảm sức lao động và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sinh trưởng và năng suất tăng hơn so với lúa cấy.
1. Chuẩn bị ruộng gieo: chọn cánh đồng chủ động tưới tiêu. Cần qui hoạch, khoanh vùng gieo tập trung để tiện tưới, tiêu nước, chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh…
- Làm đất kỹ, phẳng (như làm đất gieo mạ).
- Bón đủ phân lót trước khi bừa cấy.
- Để lắng bùn, sau đó vét rãnh xung quanh, lên luống rộng bằng chiều dài của giàn kéo tính từ tâm bánh nọ đến tâm bánh kia (dùng 2 ống quần, đổ đầy cát bên trong, buộc chặt vào 2 đầu cây chuối dài 2,2m rồi kéo tạo rãnh và san phẳng mặt ruộng), giữ nước trên ruộng đến khi gieo.
Lưu ý: Nếu ruộng phẳng, dốc thì không cần lên luống, vết bánh của giàn kéo đồng thời là đường thoát nước.
2. Ngâm ủ hạt giống: Xử lý giống trước khi ngâm ủ bằng nước muối nhằm chọn ra 100% hạt chắc, mẩy, loại bỏ hoàn toàn hạt lép, lửng và hạt cỏ dại. Trước khi ủ, xử lý hạt giống bằng CRUISER (5 ml pha với 1-1,5lít nước trộn đều 20kg thóc giống) để diệt các mầm bệnh và bọ trĩ gây hại thời kỳ đầu. Điều khiển để mầm dài hơn rễ, khi gieo xuống rễ bám ngay vào đất. Xử lý bằng cách: khi hạt nứt nanh đem trộn với tro bếp (10 kg thóc giống trộn với 0,3 - 0,5 kg tro bếp) trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 phút, sau đó đãi sạch rồi tiếp tục mang đi ủ sẽ kích thích mầm phát triển dài hơn rễ. Khi mầm dài bằng 1/2 - 1/3 hạt thóc thì đem gieo.
Lưu ý: không để mầm quá dài, hạt giống sẽ không xuống được lỗ gieo, mầm quá ngắn, hạt giống xuống nhiều, mất công tỉa bỏ.
3. Thời vụ: Vụ mùa: Gieo từ 10/6 - 20/6, gieo vào buổi chiều hoặc gieo vào những ngày râm mát.
4. Gieo hạt:
Chuẩn bị trước khi gieo: Tháo cạn nước, dùng cây chuối hoặc tấm ván trang lại mặt luống để tạo lớp bùn loãng trên mặt, đảm bảo khi gieo hạt giống chìm nhưng không lọt.
Chuẩn bị giàn gieo: Giàn gieo có 6 trống để đựng giống, mỗi trống có 4 hàng lỗ (2 hàng lỗ mau gieo với mật độ 40kg/ha; 2 hàng lỗ thưa gieo với mật độ 30kg/ha); hàng cách hàng 20 cm. Tuỳ theo từng chân đất, giống, thời vụ mà gieo mật độ khác nhau: đối với đất vàn cao, vụ xuân, mầm hơi dài thì gieo với mật độ 40 kg/ha, dùng dây chun hoặc băng dính bịt bớt hàng lỗ 30kg/ha. Đất vàn, vàn thấp, vụ mùa, mầm ngắn thì gieo với mật độ 30kg/ha, dùng dây chun bịt bớt hàng lỗ 40kg/ha. Đối với lúa lai hoặc áp dụng biện pháp thâm canh lúa cải tiến thì gieo hàng lỗ thưa 30kg/ha (điều khiển ủ để mầm hơi dài, lượng giống sẽ xuống ít hơn).
Mở nắp trống, chia đều lượng giống vào trong các trống (chỉ đổ đầy 2/3 trống), đóng nắp lại, kiểm tra nắp cho chắc chắn để tránh bật nắp, hạt giống rơi ra ngoài.
Lưu ý: Không được đổ đầy, hạt giống sẽ không xuống được.
Gieo hạt: Sau khi chuẩn bị xong, đưa giàn gieo vào vị trí gieo, kéo thẳng theo chiều mũi tên trên nắp trống, khi tới đầu bờ nhấc giàn gieo lên quay ngược lại 1800 đặt một bánh ở lần kéo sau trùng với bánh ở lần kéo trước rồi tiếp tục kéo, cứ như vậy đến khi gieo hết ruộng.
Lưu ý: Trước khi kéo phải đẩy lùi giàn gieo về phía sau để hạt giống văng ra ngay từ đầu hàng, kéo đều tay để giống xuống đều theo hàng. Khi đang kéo mà dừng lại, nếu muốn kéo tiếp phải đẩy lùi, kéo đi kéo lại tại chỗ cho hạt giống rơi xuống rồi mới kéo tiếp, nếu không làm như vậy thì sẽ có một khoảng trống không có giống, sau này phải dặm lại. Phải đặt bánh ở lần kéo sau trùng với bánh ở lần kéo trước để vừa đảm bảo mật độ, vừa đồng thời là rãnh thoát nước và đi chăm sóc sau này. Khi gần hết ruộng phải mở nắp trống ra, kiểm tra lượng giống bên trong để điều chỉnh kịp thời.
5. Bón phân: Bón phân cho lúa gieo thẳng như đối với lúa cấy (Riêng lượng đạm giảm 10-15%; ka li tăng 10-15% so với lúa cấy để lúa cứng cây, chống đổ tốt).
- Cách bón:
+Bón lót: trước khi bừa lần cuối 100% lân + 20% đạm (hoặc 100% NPK bón lót).
+ Bón thúc lần 1: Khi mạ được 2 - 2,5 lá (bón nhử), bón 20% đạm + 20% kali (hoặc 30% lượng NPK bón thúc).
+ Bón thúc lần 2: Khi mạ đạt 5 - 6 lá, bón 50% đạm + 30% kali (hoặc 70% lượng phân NPK bón thúc.
+ Bón đón đòng: Khi lúa có đòng cứt dán bón nốt lượng phân còn lại. Nếu ruộng lúa còn xanh, ruộng trũng không cần bón thêm đạm.
6. Chăm sóc sau khi gieo:
- Phun thuốc trừ cỏ: Đối với lúa gieo thẳng phun thuốc trừ cỏ là yêu cầu bắt buộc, dùng Sofit 300 EC phun ngay sau khi gieo từ 1 - 3 ngày (hoặc có thể sử dụng một số loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm khác, phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì), - Sau khi phun phải giữ nước ở rãnh để đảm bảo ruộng luôn đủ ẩm, klhông để nứt nẻ ít nhất trong vòng 1 tuần.
Đặc biệt lưu ý: Đối với vụ mùa sau khi phun nếu gặp mưa phải giữ nước trong 24 giờ, sau đó tháo nước từ từ để không ảnh hưởng đến hiệu lực của thuốc. Khi lúa đạt 2 - 2,5 lá, đưa nước láng mặt ruộng, kết hợp bón phân thúc lần 1, tỉa dặm; sau khi bón phân 2 - 3 ngày tháo cạn, giữ ẩm.
Khi lúa đạt 5 - 6 lá, đưa nước trở lại, bón phân thúc lần 2, kết hợp làm cỏ sục bùn, tỉa dặm định mật độ, giữ mực nước nông để lúa đẻ nhánh được thuận lợi. Khi lúa đẻ đủ số dảnh cơ bản xung quanh 350 dảnh/m2, tháo cạn để ruộng nẻ chân chim, sau đó tưới tháo xen kẽ. Khi lúa có đòng cứt gián, đưa nước trở lại, kết hợp bón phân đón đòng, giữ nước cho đến khi lúa chín đỏ đuôi, tháo cạn nước để thu hoạch được thuận lợi. Các biện pháp chăm sóc khác như đối với lúa cấy.
7. Phòng trừ sâu bệnh: giống như lúa cấy nhưng cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng ở đầu vụ để phát hiện và xử lý kịp thời. Thực hiện thâm canh lúa gieo thẳng đúng qui trình kỹ thuật sẽ đơn giản hoá việc gieo trồng lúa, giảm sức lao động và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sinh trưởng và năng suất tăng hơn so với lúa cấy.
K.S: Nguyễn Thị Hằng -(Trung tâm Khuyến nông Yên Bái)
Các tin khác
Nguyên nhân do nền kinh tế của những thị trường truyền thống vẫn tăng trưởng, thị trường Trung Đông phục hồi trở lại, những thị trường tiềm năng cũng đang mở cửa.
YBĐT - Mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài và mưa thất thường, là thời điểm tốt nhất để các loại bệnh như: đốm đỏ lở loét, viêm thối mang, trùng bánh xe (gây hại ở cá) bệnh mủ đậu, lao, sưng cổ và viêm đường ruột (gây hại ở ba ba) phát triển và lây lan gây thiệt hại cho cho hộ chăn nuôi và ngành thuỷ sản trên dịa bàn toàn tỉnh .
YBĐT - Xen giữa màu nâu của đất bãi phù sa, màu xanh của ngô xuân là những ruộng bí đỏ hạt đậu đang cho thu hoạch lứa quả cuối cùng. Những ruộng bí quả hình nậm rượu, vàng ruộm, sai trĩu đã cho thấy hiệu quả của một loại giống cây trồng mới mà người nông dân ở xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái) quen gọi với tên “bí siêu quả”.
YBĐT - Khai giảng lớp trung cấp nghề cho lao động vùng 135/ Gần 100 lao động phổ thông học nghề