Chế biến phân hữu cơ từ rơm rạ
- Cập nhật: Thứ ba, 3/7/2012 | 3:00:15 PM
YBĐT - Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên (Yên Bái) vừa đưa vào ứng dụng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm, rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác.
Phân bón hữu cơ vi sinh được tạo ra từ rơm, rạ kết hợp với chế phẩm sinh học.
|
Trên những cánh đồng của huyện Trấn Yên, lúa chiêm đã thu hoạch xong, nông dân đang tấp nập chuẩn bị cho vụ mới. Mọi năm, thời điểm này cũng là lúc người dân tiến hành đốt rơm, rạ nhưng năm nay thay vì đốt bỏ nhiều người dân đã biết tận dụng chính các phế phẩm nông nghiệp để tạo ra nguồn phân bón cho vụ sau. Được cán bộ khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật, gia đình ông Phạm Văn Ngọc ở thôn 2, thị trấn Cổ Phúc bắt tay vào làm phân hữu cơ từ rơm, rạ.
Ông cho biết: “Trước kia, rơm, rạ sau khi thu hoạch về tôi cũng chỉ đốt bỏ nhưng nay đã biết cách chế phẩm tạo ra phân hữu cơ. Cách làm cũng dễ, mọi người đều có thể áp dụng. Vật liệu đơn giản, sẵn có tại địa phương, nếu cứ đốt bỏ sẽ rất lãng phí. Năm nay tôi làm 5 tạ phân để bón cho rau màu”. Phân bón hữu cơ được tạo ra từ phế phẩm nông nghiệp kết hợp với chế phẩm sinh học tạo môi trường lên men cho vi sinh vật phát triển.
Loại chế phẩm sinh học được dùng trong sản xuất phân hữu cơ là chế phẩm vi sinh vật Compost maker do Viện Nông hóa thổ nhưỡng sản xuất có tác dụng xử lý nhanh phế thải hữu cơ sinh hoạt, phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến, phế thải chăn nuôi… làm phân bón hữu cơ. Theo tính toán, để tạo ra 1 tấn phân bón hữu cơ cần sử dụng 2kg chế phẩm có giá thành khoảng 80.000 đồng.
Chế biến phân hữu cơ vi sinh từ ủ rơm, rạ và các phế phụ phẩm nông nghiệp đơn giản, dễ làm, không tốn kém, với thời gian chỉ từ 25 - 35 ngày sau chế biến ở nhiệt độ bình thường là có thể bón cho cây trồng. Với 1 tấn rơm rạ sau khi thu hoạch được xử lý bằng cách trộn 5 kg vôi hòa với 50 lít nước tưới đều lên rơm, rạ.
Sau 3 - 5 ngày, trộn thêm chế phẩm sinh học Compost maker và 2kg đạm urê, 5kg supe lân, 5kg vôi bột, 100kg phân chuồng, đánh thành đống cao 80 - 100 cm. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần che đậy nguyên liệu cẩn thận bằng các vật dụng sẵn có như lá cọ, nilon… tránh bị đọng nước hoặc rửa trôi, cứ 5 - 7 ngày mở nguyên liệu kiểm tra độ ẩm và đảo đều lại nhằm tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển và phân hủy rơm rạ.
Bà Trần Thị Hoàn Liên - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Trấn Yên cho biết: “Trạm đã tiến hành thử nghiệm phương pháp dùng chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ từ năm 2011 và đã thu được kết quả cao. Sử dụng loại phân bón này lúa đẻ nhánh tốt hơn, tập trung hơn, rau màu tốt hơn, cây ăn quả cho trái sai và màu sắc đẹp hơn. Đặc biệt, sử dụng phân bón hữu cơ đất đai sẽ trở nên tơi xốp không bị thoái hóa như khi sử dụng phân hóa học trong một thời gian dài. Phân hữu cơ vi sinh được chế biến từ rơm rạ và các phụ phẩm phân bón cho cây trồng làm tăng khả năng sinh trưởng, phát triển, giúp cây trồng tăng khả năng huy động các nguồn dinh dưỡng từ môi trường, tiết kiệm phân hóa học, hạn chế sâu bệnh và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Từ những kết quả đạt được, năm nay Trạm sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn các xã trong huyện với khối lượng khoảng 50 tấn”.
Chế biến phân hữu cơ vi sinh từ nguồn rơm rạ và phế phụ phẩm nông nghiệp là một cách làm mới, góp phần thay đổi thói quen sử dụng phân hóa học của người dân, hướng đến một nền nông nghiệp sạch và an toàn.
Hồng Khanh
Các tin khác
Vụ trưởng Vụ Dân số lao động thuộc Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,29%; trong đó khu vực thành thị là 3,62% và khu vực nông thôn là 1,65%.
Phần đông số lao động này đến từ các nước châu Á, nhiều nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
YBĐT - Thực hiện thâm canh lúa gieo thẳng đúng qui trình kỹ thuật sẽ đơn giản hoá việc gieo trồng lúa, giảm sức lao động và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sinh trưởng và năng suất tăng hơn so với lúa cấy.
Nguyên nhân do nền kinh tế của những thị trường truyền thống vẫn tăng trưởng, thị trường Trung Đông phục hồi trở lại, những thị trường tiềm năng cũng đang mở cửa.