Theo dự báo thời tiết, đây là thời điểm cơn bão số 8 với tên gọi Phanfone đang hoành hành dữ dội trên vùng biển Philippines. Mặc dù là con tàu có trọng tải lớn, được thiết kế hiện đại và được đánh giá là "tòa nhà di động trên biển” nhưng trước sự hung dữ của cơn bão với sức gió giật đến cấp 7, cấp 8, tàu kiểm ngư KN 490 cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Những cột sóng dâng cao đến 6 - 7 m liên tục dội vào mạn tàu, gió giật mạnh khiến thân tàu tròng trành với nhịp độ lớn. Điều này khiến những người vốn không quen với sóng gió như các nhà báo, phóng viên chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn để chống lại từng cơn say sóng…
Tuy vậy, với kinh nghiệm lâu năm đi biển và điều khiển tàu, đội ngũ sĩ quan chỉ huy tàu KN 490 đã nhanh chóng đưa ra phương án tối ưu: đi vòng, tránh xa tâm bão. Vậy là sau hơn 1 ngày, đoàn công tác đã đến được điểm cần đến.
Nhìn từ xa, những đảo chìm Đá Nam, Đá Thị… như ngọn hải đăng giữa sóng biển Trường Sa. Do diện tích rất hẹp nên các đảo chìm đều có kiến trúc giống nhau. Từ cầu cảng, nơi cập xuồng và ca nô, đường thẳng dẫn vào là cột mốc chủ quyền, tiếp đến là khu nhà bếp, phòng ở, hội trường...; phía trên nóc của tòa nhà kiên cố là lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trước sóng gió Biển Đông. Những diện tích nhỏ hơn, xung quanh các khu xây dựng bê tông được thiết kế thùng gỗ để trồng rau xanh, bể chứa nước ngọt...
Đại úy Nguyễn Quang Khắc - Chính trị viên đảo Đá Thị ra tận cầu tầu để đón đoàn. Anh có khuôn mặt cương nghị với ánh mắt sáng ngời, làn da rám nắng khỏe khoắn của một chiến binh trên biển… Sau những cái bắt tay thật chặt, chúng tôi cùng nhau hướng về phía cột mốc chủ quyền tiến bước. Phải nói thật, mỗi khi đến đảo, việc đầu tiên của anh em phóng viên chính là thăm và chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền; cái cảm giác tự hào pha lẫn bồi hồi xúc động ấy không thể lẫn với bất cứ cảm xúc nào khác, bởi đây chính là nhà, là quê hương của chúng ta.
Anh Khắc tâm sự: "Được sinh sống, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên đảo chìm sẽ là quãng thời gian đáng nhớ nhất của nghiệp lính hải quân. Những ngày đầu, lính đảo thiếu hơi ấm từ đất liền, những cánh thư phải chờ đợi đến 6 tháng mới đến được tay cán bộ, chiến sĩ cũng như người thân. Tuy vậy, anh em thường xuyên chia sẻ, dành cho nhau những tình cảm yêu thương, gắn bó nhất, để đảo thực sự là nhà”.
Trong quãng thời gian làm nhiệm vụ thay, thu quân, thăm, tặng quà chúc tết cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo Đá Nam, Đá Thị, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh "đảo chìm vượt bão” mà có lẽ nếu ai chưa từng đến đây thì sẽ không bao giờ có thể hình dung. Những con sóng lớn mang theo sức nặng của hàng chục tấn nước biển liên tục, dồn dập ào tới như muốn làm tan chảy các rặng trụ bê tông cốt thép kè móng; khu nhà xây dựng kiên cố là vậy mà tưởng như phải rung chuyển qua từng đợt sóng; rồi gió giật mạnh khiến các vành đai sắt, cửa sổ rung lên bần bật như muốn tách rời nhau ra…
Tuy vậy, cơn cuồng nộ của thiên nhiên vẫn không khiến các cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam sờn lòng. Họ vẫn bình tĩnh chỉ huy, phối hợp chặt chẽ cùng nhau trong "kế hoạch tác chiến” với giông bão đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Người che phủ diện tích rau xanh, người huy động chiến sĩ buộc dây giữ cửa, người thì không quên chuẩn bị dụng cụ hứng nước mưa - nguồn sống của đảo.
Nhìn các chiến sĩ hải quân thoăn thoắt thao tác làm nhiệm vụ, chúng tôi không khỏi trầm trồ thán phục và khen ngợi. Bởi họ chính là những người "thạo việc” nhất mà chúng tôi từng được chứng kiến, là những người giỏi nhất trong số những người giỏi nơi đảo xa.
Ở các đảo chìm, để tiết kiệm nguồn nước ngọt, các cán bộ, chiến sĩ phải tắm nước biển rồi ngồi vào chậu như trẻ con để tráng lại bằng nước ngọt, sau đó đổ riêng vào thùng dành để tưới rau; nước vo gạo cũng được bỏ riêng để rửa bát và tưới rau. Mỗi khi trời nổi giông, anh em lại gọi nhau dọn vệ sinh những vị trí trống ở mái hiên để mắc vòi, bắc thùng hứng nước, chờ lắng cặn xuống để lấy phần nước phía trên sinh hoạt.
Rau xanh trên đảo được tận dụng từ những diện tích mái hiên hoặc trồng trong hộp xốp, thùng gỗ. Hạt giống từ đất liền cũng được kén chọn kỹ lưỡng để thích nghi với điều kiện khí hậu ngoài đảo, thường là những giống rau ngắn ngày và chỉ trồng để lấy thân…
Nói thật, cuộc sống trên các đảo chìm thực sự khiến chúng tôi cảm phục tinh thần cống hiến kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ hải quân và thầm cảm ơn họ - những người ngày đêm quên mình làm tròn nhiệm vụ gìn giữ biển đảo quê hương.
Sơn Ca - lũy thép, thành đồng
Rời các đảo chìm, chúng tôi tiếp tục hành quân trong giai điệu trầm hùng của ca khúc Tổ quốc gọi tên mình (nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc từ bài thơ "Tổ Quốc gọi tên" của Nguyễn Phan Quế Mai) được phát qua loa truyền thanh của tàu kiểm ngư KN 490. Những lời ca vang vọng át tiếng sóng biển khơi như ẩn chứa biết bao hoài bão, hy vọng và niềm tin của những người lính biển.
"Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng. Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa. Tôi lắng nghe, tôi lắng nghe, tôi lắng nghe, Tổ quốc gọi tên mình”. Chỉ chừng ấy thôi, nguồn cảm hứng dâng trào trong tim thôi thúc những người lính, những người chiến sĩ ngày đêm bám biển, canh đảo và những nhà báo, phóng viên như chúng tôi cảm thấy quá đỗi tự hào. Công sức cha ông, hồn thiêng núi sông quy tụ về một mối, hòa chung nhịp đập của triệu triệu con tim đồng bào cả nước hướng tới đảo xa với niềm tin mãnh liệt: sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc gọi tên mình…
Trong tâm thế ấy, chúng tôi vượt sóng đến với đảo Sơn Ca - một đảo cát thuộc cụm Nam Yết của huyện đảo Trường Sa, nằm cách Quân cảng Cam Ranh 331 hải lý (khoảng 613 km) về phía Đông. Được thiên nhiên khá ưu ái với luồng khí hậu không quá khắc nghiệt nên trên đảo cây cối xanh tốt, nhiều cây sống lâu năm cành lá sum suê, rợp bóng mát rất thích nghi với điều kiện sinh sống của loài chim. Vì vậy, chim sơn ca thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống nên người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca…
Trong quân sự - quốc phòng, đảo Sơn Ca kết hợp với 2 đảo Nam Yết và Đá Thị lập nên thế chân kiềng vững chắc, tạo thành thế trận liên hoàn nơi biển khơi, là lũy thép, thành đồng trên biển của chúng ta. Do cấu tạo đất trên đảo là cát, san hô vụn, không có đất màu, không có nước ngọt nên việc trồng cây và rau xanh gặp rất nhiều khó khăn.
Không bó tay trước điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, trải qua nhiều năm nghiên cứu cộng với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ trên đảo qua các thời kỳ bằng việc tích cực lao động cải tạo, dần dần, đảo cát được thuần dưỡng thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều loại cây, củ, quả, rau xanh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bộ đội.
Chiến sĩ trẻ đảo Sơn Ca chỉnh trang khuôn viên đơn vị, chuẩn bị đón tết.
Hiện nay, trên đảo Sơn Ca, thảm thực vật đã khá đa dạng và xanh tốt với các loài cây đặc trưng, có khả năng chống chịu điều kiện khắc nghiệt như: bàng vuông, muống biển, phi lao, phong ba, bão táp… và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người mang ra từ đất liền.
Xung quanh đảo Sơn Ca, phía sát ngoài rìa của thềm san hô có nhiều loài cá và chim qúy, có giá trị kinh tế cao như: cá chim, cá mú, cá ngừ, cá thu cùng các loài ốc và hải sâm… Được biết, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển quê hương.
Đặc biệt nhất là ngọn hải đăng trên đảo Sơn Ca với vai trò là con mắt dẫn đường cho tàu thuyền qua lại. Đây là ngọn đèn biển có vị trí chiến lược trên con đường hàng hải quốc tế, cũng là sự khẳng định chủ quyền và vai trò của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Với những thành tích đã đạt được trong huấn luyện, chiến đấu và bảo vệ ngư dân, đảo Sơn Ca đã nhận được nhiều danh hiệu cùng các phần thưởng cao qúy khác của Đảng, Nhà nước và quân đội, xứng đáng là điểm chốt trọng yếu tại Trường Sa, là tiền đồn của Tổ quốc nơi đầu sóng.
Tô Hải