Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/5/2020 | 7:48:00 AM

YênBái - Tròn 45 năm Ngày giải phóng Trường Sa, đi giữa màu xanh bát ngát của những cây bàng vuông, cây phong ba, giữa nhấp nhô mái ngói đỏ tươi, lòng chúng tôi không khỏi tự hào khi nghĩ về những tháng ngày lịch sử một thời máu lửa của cha ông và mừng vui khôn xiết khi được chứng kiến sự phát triển, đổi thay vượt bậc của quần đảo anh hùng ngày hôm nay…

Chiến sĩ trên đảo Nam Yết canh gác cột mốc chủ quyền.
Chiến sĩ trên đảo Nam Yết canh gác cột mốc chủ quyền.

Trường Sa những tháng ngày chúng tôi đến rộn ràng không khí thi đua, lao động sản xuất, đón xuân, vui tết; cán bộ, chiến sĩ, nhân dân từ người lớn đến trẻ em đều tươi rói nụ cười, chan hòa tình yêu thương, gắn bó...

Một thời "hoa lửa”

Quần đảo Trường Sa - nơi đây, 45 năm về trước chỉ có cát san hô quyện trong mùi thuốc súng. Trong buổi gặp mặt truyền thống được tổ chức tại Vùng 4 Hải quân, nhớ về thời hoa lửa, người cựu chiến binh già Lê Xuân Phát bồi hồi nhớ lại: "4 giờ ngày 11/4/1975, biên đội 3 tàu của Đoàn 125 chúng tôi cải trang thành tàu đánh cá, không số, không treo cờ tiến ra biển Đông. Ngoài lực lượng đặc công nước của Hải quân, còn có một phân đội hỏa lực của Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5) phối hợp. Tất cả đều xác định đi có thể không trở về. Ngày đó, chúng tôi tiến ra Trường Sa với khí thế ngùn ngụt”. 

Theo cựu chiến binh Lê Xuân Phát, để giữ bí mật, bộ đội phải xuống hết khoang hầm hàng và tiến thẳng về đảo Song Tử Tây. Vì bị bịt kín, mùi xăng dầu lùa vào nên ngột ngạt, lính đặc công nước mà say sóng gần hết. Gần 4 giờ 30 ngày 14/4, lực lượng của ta đã tiếp cận đảo. 

"Đảo chỉ có mấy cây cao. Trên đảo, chim hải âu, chim biển rất nhiều. Lúc bò lê tiếp cận còn đè bẹp cả trứng chim. Lính ở vọng gác thấy chim bay lên bắn vài viên đạn vu vơ cảnh báo chứ không phát hiện ra mình. Mình lên đến chiến hào, nổ súng địch mới phát hiện ra. Sau 30 phút oanh tạc, cờ của quân giải phóng đã tung bay ở Song Tử Tây” - ông Lê Xuân Phát xúc động kể lại. 

Sau chiến thắng của quân ta tại hai đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, hệ thống phòng thủ của địch trên các đảo bị đe dọa nghiêm trọng. Đảo Nam Yết tuy là trung tâm chỉ huy của địch trên quần đảo Trường Sa nhưng chúng cũng không thể kháng cự được. Với khí thế tiến công như vũ bão của quân giải phóng, chỉ huy quân địch buộc phải rút chạy. 

Chớp thời cơ, lực lượng của ta nhanh chóng giải phóng đảo. Vào 10 giờ 30 phút ngày 27/4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết. Đến 9 giờ ngày 29/4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa Lớn.

Là thế hệ sau, tuy không phải là người được trực tiếp cầm súng tham gia giải phóng Trường Sa nhưng Thượng tá Phạm Duy Hướng – Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân vẫn nhớ như in hình ảnh quần đảo Trường Sa ngày trước, cái ngày ông mới nhập ngũ và công tác trên đảo Song Tử Tây như mới đây mà đã cách mấy chục năm trời. Khi ấy, các đảo trên quần đảo Trường Sa chỉ có nắng và cát san hô. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây, chiến sĩ trẻ Phạm Duy Hướng được kết nạp Đảng ngay trên quần đảo Trường Sa. 

"Tôi nhớ hôm đó, dưới hàng dừa xanh rì trên đảo Song Tử Tây, với lá cờ Đảng được treo ở thân cây dừa, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chứng kiến của những đồng đội đã kề vai sát cánh với mình. Đối với người lính chỉ mới 20 tuổi lúc bấy giờ, đó là niềm vinh dự vô cùng lớn, cả đời này không giây phút nào tôi quên”... 

Trường Sa ngày ấy oai hùng trong bom đạn, kiên cường trong chiến đấu, vững vàng bước qua khói lửa chiến tranh, để hôm nay, chúng ta cùng chung tay xây dựng Trường Sa ngày thêm tươi đẹp như một khát vọng hòa bình.

Sức sống mới ở Trường Sa

Không gì có thể bàn cãi, Trường Sa của ngày hôm nay đã có rất nhiều đổi thay, tràn đầy sức sống. Lịch sử sang trang, bằng sự nỗ lực đầu tư của Đảng, Nhà nước, công sức xây dựng của quân đội và nhân dân Việt Nam, quần đảo cằn khô xưa kia đã khoác lên mình màu áo mới. Đến thăm đảo Song Tử Tây trong những ngày đầu năm, đi giữa cái nắng hanh vàng, ông Đậu Đình Dân - Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây đưa chúng tôi đi xem và giới thiệu một cách đầy tự hào về những đổi thay ở xã đảo. 

Ngay từ cầu cảng, các tuyến đường bê tông sạch đẹp xen lẫn giữa những tán cây xanh rợp bóng mát. Cùng với đó là những công trình, nhà dân được xây dựng kiên cố, khang trang mang lại cho chúng tôi cảm giác như đang bước đi trên một vùng nông thôn mới trong đất liền. Sở chỉ huy, trụ sở UBND xã, khu nhà chiến sĩ, trạm xá, nhà ăn, trường học và cuối cùng là khu nhà ở của các hộ dân được xây dựng kiên cố, khang trang. Đảo còn có tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo, chùa Song Tử Tây hướng ra biển khơi mênh mông sóng nước… 

Dừng chân ở tấm bia chủ quyền đã nhuốm màu thời gian, ông Dân bồi hồi tâm sự: "Sau giải phóng, Trường Sa chỉ còn lại mấy cột mốc chủ quyền. Dưới cái nắng cháy da, cháy thịt, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã gồng mình vác đá xây đảo. Không thể nói hết những khó khăn, gian khổ của bộ đội Trường Sa ngày ấy khi chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng cọng rau xanh, ngày lăn lê dưới thao trường đỏ lửa, tối vác đá xây dựng đảo dưới mưa rào. Cả đảo không có màu xanh, chân chiến sĩ phồng rộp vì cát mặn”… 

Thấu hiểu nỗi gian lao, vất vả của người lính đảo, những năm qua, triệu triệu tấm lòng trên khắp mọi miền Tổ quốc luôn hướng về Trường Sa, cùng cả nước chung tay xây dựng quần đảo. Thượng tá Trần Văn Quế - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông (người từng công tác trên nhiều đảo) tâm sự: "Giờ đây, quần đảo Trường Sa đã sầm uất với đầy đủ chức năng hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, văn hóa tâm linh. Không chỉ những đảo nổi như: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây thay da, đổi thịt mà cả những đảo chìm như: Cô Lin, Len Đao, Đá Lớn, Đá Lát… cũng bề thế, uy nguy giữa đại dương bao la. Sự đổi thay ấy không chỉ là kết quả của sự sáng tạo, cần cù từ bàn tay, khối óc của những chiến sĩ "áo vằn cánh sóng” mà còn là khát vọng hòa bình, sự chung sức, đồng lòng xây dựng quần đảo của toàn thể dân tộc Việt Nam”.

Nơi Tổ quốc gửi trọn niềm tin

Đất nước không còn tiếng súng, biển đảo hiền hòa nhưng những người lính Trường Sa vẫn đêm ngày đối mặt với thiên tai bão tố và sự rình rập của đối tượng ngoại xâm. Hơn ai hết, các anh thấu hiểu được cái giá của hòa bình, sự toàn vẹn lãnh thổ. 

Nắng gió, bão tố không làm lung lay ý chí chiến đấu của người lính Trường Sa. Trong những ngày cuối cùng của hải trình đến Trường Sa, không ít lần chúng tôi bắt gặp tàu nước ngoài cố tình chạy vào lãnh hải của Việt Nam. 

Thượng tá Phạm Duy Hướng chia sẻ thêm: "Đây là chuyện thường ngày ở Trường Sa nên mọi người cứ yên tâm. Mang trong tim mình sứ mệnh thiêng liêng Đảng giao phó, nhân dân tin tưởng, những người lính chúng tôi nguyện giữ trọn lời thề bảo vệ đảo. Người lính Trường Sa sẽ gìn giữ từng hạt cát, con sóng nơi biên hải để khát vọng hòa bình của dân tộc mãi vươn xa”.



Quân và dân đảo Song Tử Tây du xuân những ngày đầu năm.  

Đi thăm những khu nhà khang trang của người dân trên quần đảo, chúng tôi cảm nhận được sự gắn bó của họ với mảnh đất này. Tiếp chúng tôi trong căn hộ trên diện tích 200 m2, đầy đủ tiện nghi không kém gì một gia đình ở đất liền, vợ chồng ông bà Ngô Thành Được, Nguyễn Thị Lan (đảo Song Tử Tây) bộc bạch: "Cả gia đình chúng tôi mong được gắn bó cuộc đời với vùng đất Trường Sa. Cuộc sống ở trên đảo bây giờ đầy đủ không kém đất liền”. 

Mặc cho thời tiết khắc nghiệt và những khó khăn còn bộn bề phía trước, quân và dân Trường Sa luôn kiên cường và lạc quan, gìn giữ biển đảo quê hương. Chúng tôi nhớ mãi nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt rám nắng của ngư dân huyện đảo và hình ảnh rắn rỏi của người lính hải quân in trên màu xanh biển cả. Sau 45 năm giải phóng, các thế hệ đi sau sẽ tiếp tục truyền thống cha anh, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Thiên Cầm

Tags Trường Sa Tổ quốc

Các tin khác
Triển lãm nhiều tư liệu, hình ảnh quý về Hoàng Sa và Trường Sa tại Côn Đảo

Gần 200 tư liệu, hình ảnh quý về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo trưng bày tại triển lãm, thu hút đông đảo quân, dân huyện đảo tham dự.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân tổ chức hoạt động đọc sách đối với cán bộ, chiến sĩ và quân nhân chuyên nghiệp toàn đơn vị.

Đoàn công tác trao bồn chứa nước cho người dân

Chiều 20/4, tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức chương trình hỗ trợ nhân dân khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn và tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn.

Toàn cảnh cuộc họp.

Dự kiến Festival Biển đảo Việt Nam - TP. Vũng Tàu năm 2024 tổ chức trong 4 ngày (từ 23/5 đến 26/5/2024) tại Quảng trường đường Quang Trung, Bãi Trước, TP. Vũng Tàu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục