Kỷ niệm sâu sắc của cựu chiến binh đoàn tàu không số: Kỳ 3-ĐÈN HÀNH TRÌNH TRÊN CON TÀU TRINH SÁT MỞ ĐƯỜNG

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/10/2021 | 7:46:21 AM

Tại Bảo tàng Hải quân, trong khu vực tài liệu, hiện vật về Đoàn tàu Không số trưng bày 1 chiếc đèn hành trình. Đây là chiếc đèn hành trình của con tàu gỗ gắn máy do đồng chí Bông Văn Dĩa làm thuyền trưởng đi trinh sát chuyến đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đèn hành trình của con tàu đi trinh sát mở đường Hồ Chí Minh trên biển trưng bày tại Bảo tàng Hải quân.
Đèn hành trình của con tàu đi trinh sát mở đường Hồ Chí Minh trên biển trưng bày tại Bảo tàng Hải quân.


Năm 1962, chính quyền Mỹ-ngụy thực hiện bình định miền Nam Việt Nam và đẩy mạnh chiến tranh đặc biệt nhằm đè bẹp, tiêu diệt cách mạng miền Nam. 

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết phải tập trung mọi nguồn lực cho chiến trường miền Nam, nhất là vũ khí, khí tài. Song song với tổ chức xây dựng lực lượng, Đoàn 759 cùng với các cơ quan chức năng của Bộ Tổng Tham mưu triển khai nghiên cứu tình hình trên biển từ vịnh Bắc Bộ đến khu vực Cà Mau. 

Các cơ quan tập trung nghiên cứu hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển của Hải quân Mỹ-ngụy; nghiên cứu, lựa chọn địa điểm giao hàng ở các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho chuyến tàu đi trinh sát mở đường vận tải trên biển.

Để đảm bảo bí mật, vượt qua được sự kiểm soát của lực lượng hải quân địch, một chiếc thuyền máy của đội thuyền Bạc Liêu (Cà Mau) hoạt động trên vùng biển Nam Bộ vào Quảng Bình được sửa chữa làm tàu đi trinh sát. 

Chuyến công tác đầu tiên này có 6 người: Đồng chí Bông Văn Dĩa, Đội trưởng Đội thuyền Bạc Liêu làm thuyền trưởng; đồng chí Lê Thanh Lồng (Hai Tranh) làm thuyền phó. Các đồng chí: Ngô Văn Tần (Năm Kỷ), Trần Bá Phước (Tư Phước), Nguyễn Văn Dụng (Sáu Dũng), Cao Văn Cửa (Bảy Cửa) là đội viên của Đội thuyền Bạc Liêu làm thủy thủ.

Chuẩn bị cho chuyến đi, các đồng chí trở về miền Nam đã xóa hết dấu vết ở miền Bắc, đồng chí Bông Văn Dĩa học thuộc lòng các chỉ thị và một số mật danh để khi nghiên cứu xong thì liên lạc bằng điện đài báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ…

Công tác chuẩn bị đã hoàn tất, đêm ngày 10/4/1962, chiếc thuyền máy cùng đoàn công tác lặng lẽ rời cửa sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình. Để giữ bí mật, thuyền đi ngược lên hướng Bắc khoảng 50 hải lý, sau đó chuyển hướng Nam.

8 giờ ngày 14/4/1962, thuyền đến vùng biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cách bờ khoảng 150 hải lý thì gặp hai tàu Mỹ từ hướng Philippines chạy tới. 

Hai tàu Mỹ bám theo, sau đó chạy vòng quanh thuyền của ta soi xét, đe dọa. Có lúc chúng lượn sát vào thuyền của ta chỉ còn cách vài chục mét. Anh em trên thuyền rất bình tĩnh đóng vai dân chài ra khơi đánh cá bị gió đẩy ra xa bờ. 

Để đối phó với tình huống bất trắc, các đồng chí đã bí mật thủ tiêu hết hải đồ, la bàn… Quần thảo, soi xét, thấy không có gì nghi ngờ, đến 14 giờ cùng ngày, tàu địch mới rời đi để thuyền ta tiếp tục hải trình.

Không còn hải đồ và la bàn, anh em phải lái thuyền theo kinh nghiệm đi biển của mình. 7 giờ ngày 15/4/1962, anh em trên thuyền phát hiện thấy Cù Lao Thu và từ đây dựa vào đảo để xác định hướng đi tới vùng biển Cà Mau. 

Chiều ngày 18/4, thuyền vào tới cửa Bồ Đề thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau và tiếp tục hành trình vào cửa Rạch Ráng. Dò hỏi nhân dân ở đây về tình hình địch, thấy không có gì "găng” lắm, lúc ấy cả đội mới tin chắc chuyến đi đã thắng lợi. Thuyền trưởng Bông Văn Dĩa tổ chức đi do thám tình hình tại xóm Rạch Gốc. 

Tại đây, đội thuyền đã bắt liên lạc được với đồng chí Phan Văn Nhờ (Tư Mau) cùng đội vũ trang được Khu ủy cử đi đón thuyền. 10 giờ đêm ngày 18/4, thuyền cập bến Vàm Lũng an toàn. Chuyến đi trinh sát đầu tiên mở Đường Hồ Chí Minh trên biển đã thành công tốt đẹp.

Sau những chuyến vượt biển, chiếc thuyền gắn máy đã không còn nữa nhưng chiếc đèn hành trình trên con tàu đi trinh sát mở đường năm xưa vẫn được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hải quân. Hiện vật quý này đã minh chứng cho ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm, sáng tạo của quân và dân ta trong quá trình vận tải trên đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

(Theo HQVN)

Các tin khác
Những con tàu không số trên đường vào chiến trường. Ảnh tư liệu

Khi quyết định mở tuyến đường vận tải chiến lược trên biển-Đường Hồ Chí Minh trên biển, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy (Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ công tác khảo sát đánh giá tình hình, tổ chức các chuyến đi thể nghiệm, trinh sát đến việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, đặc biệt là xác định phương thức vận chuyển phù hợp với từng giai đoạn...

Phòng Chính trị (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) tham gia cuộc thi

Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam” được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị và các địa phương đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Chiều 24/9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Cục Chính trị Hải quân tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo năm 2021. Các đồng chí: Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang - Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân đồng chủ trì Hội nghị.

Cán bộ Vùng 2 Hải quân phát tờ rơi tuyên truyền Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ cho ngư dân.

Sau gần 3 năm triển khai khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EU) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định (IUU), Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiến bộ như lắp đặt thiết bị hành trình tàu cá đạt trên 80%, công tác xử phạt vi phạm IUU cũng được tăng cường...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục