Đoàn tàu Không số qua góc nhìn của đối phương

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/10/2021 | 7:35:57 AM

Theo thống kê của giới sử học quốc tế, nhân loại đã xảy ra hơn 14.500 cuộc chiến tranh nhưng hiếm có cuộc chiến tranh nào lại kéo dài suốt 30 năm như cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Cũng chưa có tuyến chi viện nào từ hậu phương ra tiền tuyến mà lại có quy mô lớn, thời gian hoạt động dài, vô cùng gian khổ, ác liệt nhưng lại có hiệu quả cao như hai tuyến chi viện chiến lược của Việt Nam. Đó là tuyến Đường Hồ Chí Minh trên bộ và tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tàu vận tải cao tốc 235, Đoàn 125 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đang trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, tháng 2/1968. Ảnh: Tư liệu của Mỹ
Tàu vận tải cao tốc 235, Đoàn 125 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đang trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, tháng 2/1968. Ảnh: Tư liệu của Mỹ

Ngay từ cuối năm 1962, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nghi ngờ miền Bắc sử dụng đường biển để tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam ngoài con đường tiếp tế trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn. Trong các báo cáo của cơ quan tình báo và chuyên gia quân sự Mỹ về tình hình Việt Nam đã nhiều lần đề cập đến con đường chi viện trên biển của ta. Nhưng họ chỉ nghi ngờ, dự đoán chứ chưa có bằng chứng cụ thể nên chưa khẳng định được.

Mặc dù vậy Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn tích cực tổ chức lực lượng đối phó. Hải quân và Không quân Mỹ đã sớm thiết lập một phòng tuyến ngăn chặn từ Vịnh Bắc Bộ tới Vịnh Thái Lan. Vòng ngoài là máy bay tuần tiễu của Hạm đội 7, bên trong là Hải quân Việt Nam Cộng hòa và thủy quân lục chiến tuần tra, canh gác, kiểm soát bảo vệ bờ biển, các bến cảng, cửa biển, cửa sông. Tuyến giữa do Hải quân Mỹ trực tiếp đảm nhiệm.

Theo số liệu đã được Hiệp hội đóng tàu Hoa Kỳ công bố, từ năm 1962-1964, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tổ chức chụp ảnh khoảng 10 vạn tàu thuyền các loại đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Vịnh Thái Lan để phục vụ cho việc theo dõi nhận dạng, giám sát, phát hiện tàu thuyền khả nghi. Theo tính toán của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, với việc bố phòng như thế, sẽ không có một con tàu nào từ miền Bắc có thể xâm nhập trót lọt vào miền Nam mà không bị phát hiện.

Tuy nhiên, giới quân sự Mỹ và quân đội Sài Gòn vẫn không hiểu vì sao, bằng cách nào mà từ năm 1962 đến tháng 2/1965, những con tàu vỏ gỗ, vỏ sắt thô sơ, nhỏ bé của Bắc Việt có thể vượt qua biển cả mênh mông, bão tố, sóng gió, vượt qua sự kiểm soát, ngăn chặn gắt gao của Mỹ, ngụy để mở tuyến đường vận tải chiến lược chi viện một khối lượng lớn vũ khí cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. "Mỹ và chính quyền Sài Gòn cảm thấy số lượng vũ khí rất lớn mà Việt Cộng đang sử dụng được vận chuyển bằng đường biển, nhưng sự triệt hạ con đường đó là vô cùng khó khăn… Chúng ta (Mỹ và chính quyền Sài Gòn) chỉ có thể ngăn chặn và đánh trả ở một số nơi nhất định. Bên cạnh đó, ở những nơi khác, việc vận chuyển vũ khí và các trang bị khác bằng đường biển hoạt động khá mạnh…”(1).

Trong giai đoạn 1962-1964, khi mà tuyến chi viện chiến lược trên bộ dọc theo Trường Sơn chỉ vươn tới Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, Bắc Khu V thì với hàng ngàn tấn vũ khí được chuyển từ miền Bắc vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ bằng đường biển đã góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch.

Nhờ có số vũ khí trên, quân và dân ta đã lập nên nhiều chiến công vang dội như Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Bình Giã. Sau trận Ấp Bắc (2/1/1963), Báo The Washington Post (Bưu điện Oa-sinh-tơn) số ra ngày 7/1/1963 viết: "… Những người cộng sản coi đây là chiến thắng lớn đầu tiên… Quan trọng hơn, họ đã phát triển thành công những kỹ thuật đương đầu được với những công nghệ của Mỹ cung cấp cho Nam Việt Nam”(2).

Từ khi quân dân ta ở miền Nam nhận được tiểu liên AK47, súng chống tăng B40, B41, DKZ75, súng cối 81… do miền Bắc chuyển vào thì việc bắn rơi máy bay, bắn chìm tàu chiến, phá đồn bốt diễn ra liên tục khiến sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn từ chủ quan, coi thường, hung hăng, ngạo mạn đến khiếp sợ, hoang mang, chùn bước. Báo cáo ngày 15/9/1963 của Nguyễn Thành Hoàng, Tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mau) đã ghi rõ: "Vũ khí của Việt Cộng vượt ra ngoài tất cả ước tính của chúng ta. Việt Cộng đã dùng cối 81, súng 12,7mm, DKZ75… là những thứ mà quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của chúng rất dồi dào, điều mà trước đây chúng chưa bao giờ làm được”(3).

Sau sự kiện Vũng Rô (Phú Yên, tháng 2/1965) tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển của ta đã không còn giữ được bí mật nữa. Địch đã nắm được chính xác ý đồ, phương thức, phương tiện vận chuyển của ta. "Vụ Vũng Rô khẳng định điều đối phương  đã nghi ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí cỡ 7,62mm của địch ở những vùng biển khác nói nên một điều chắc chắn là địch còn sử dụng những vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”(4).

Khi phát hiện ra và thu được một số lượng khá lớn vũ khí của ta ở Vũng Rô địch hết sức bất ngờ. Chúng lập tức đẩy mạnh đánh phá miền Bắc đồng thời triển khai nhiều lực lượng, phương tiện quyết ngăn chặn con đường chi viện trên biển của ta.

Tháng 9/1965, P.Paul, Phó Đô đốc Hạm đội 7 của Mỹ cùng Đại tướng Oét-mô-len họp khẩn cấp, quyết định tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp ngăn chặn các con tàu chở đầy vũ khí của ta từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Nhiều tướng lĩnh, chuyên gia quân sự Mỹ và Sài Gòn vẫn hoài nghi, thiếu tin tưởng "Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện, vượt xa Hải quân Việt Nam Cộng hòa hai mươi năm. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết, địa hình nào”(5), "Chiến hạm của Mỹ nhập cuộc rất đông, xem như vây kín duyên hải Việt Nam Cộng hòa. Thế nhưng, liệu Cộng sản Bắc Việt có chịu chùn bước xâm nhập hay không?”(6).

Mặc dù bị địch ngăn chặn, phong tỏa rất quyết liệt, khó khăn nguy hiểm thêm gấp nhiều lần nhưng với quyết tâm và nỗ lực rất cao, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã nghiên cứu chuyển sang phương thức vận chuyển mới là đi xa bờ bằng phương pháp hàng hải thiên văn. Với phương pháp này, nhiều tàu của Đoàn tàu Không số phải đi qua đảo Hải Nam, vòng ra hải phận quốc tế, qua vùng biển Philippines, Indonesia, Malaysia rồi bất ngờ đột nhập vào các bến tiếp nhận ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ.

Thành công của phương thức vận chuyển mới này đã khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn hết sức ngạc nhiên. Chúng phải thốt lên: "Việt Cộng chở vũ khí vào Nam bằng đường biển là mạo hiểm, cuồng tín không sao hiểu nổi”(7).

Từ năm 1967, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, cán bộ, chiến sĩ Đường Hồ Chí Minh trên biển tập trung toàn lực vận chuyển phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. 

Nhiều chuyến tàu đã vào các bến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nhưng cũng có nhiều chuyến, cán bộ, chiến sĩ ta phải hủy tàu, nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng. Tiêu biểu là Tàu 235 do đồng chí Nguyễn Phan Vinh là Thuyền trưởng lúc gặp địch đã chiến đấu anh dũng rồi hủy tàu tại Hòn Hèo (Khánh Hòa) tháng 3/1968. 

Sau trận đánh này, Tạp chí "Lướt sóng” của Hải quân Sài Gòn đã tường thuật: "Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa có phi cơ yểm trợ đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng (thực tế Tàu 235 của ta chỉ có 20 cán bộ, chiến sĩ) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập tiếp tế cho Mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hi sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại dấu vết”(8).

Từ cuối năm 1968 đến năm 1972, dù bị địch ngăn chặn, phong tỏa nhưng các con tàu Không số của ta vẫn ra vào các bến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Phía Mỹ ghi nhận "… Đêm 24/8/1969, không lực Hoa Kỳ phát hiện một tàu thâm nhập tại vùng biển cách Đà Nẵng 300 hải lý. Có thể coi đây là thời kỳ đối phương gia tăng trở lại việc tiếp tế bằng đường biển. Từ ngày 24/8/1969 đến ngày 23/12/1969 đã phát hiện 4 vụ, năm 1970 phát hiện 12 vụ nhưng chỉ đánh chìm được 1 vụ vào rạng sáng ngày 22/11/1970 ở Thạnh Phú (Bến Tre), còn các vụ khác, họ đã thoát. Có vụ ta (Mỹ) kèm được 9, 10 ngày; có vụ chỉ kèm được 1 ngày thì mất mục tiêu…”(9).

Có thể khẳng định mặc dù Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã triển khai nhiều phương án, thực hiện nhiều biện pháp hòng ngăn chặn, xóa sổ tuyến chi viện bằng đường biển của ta nhưng chúng vẫn thất bại. Chúng phải cay đắng thừa nhận hoạt động của Đường Hồ Chí Minh trên biển do quân dân ta thực hiện "là một hiện tượng kỳ lạ, vượt qua cả sự tưởng tượng thông thường”(10). Kỳ tích của Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn là bí ẩn chưa có lời giải của các nhà nghiên cứu quân sự phương Tây.

1, Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. Phòng số 34, Hồ sơ 106, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

2, Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. Phòng số 34, Hồ sơ 106, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

3, Báo cáo số 1803/NA 3/M ngày 15 tháng 9 năm 1963 của Thiếu tá, Tỉnh trưởng An Xuyên gửi Phủ Tổng thống. Hồ sơ 38, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

4, R.Sohresdley. Cuộc chiến tranh của Hải quân Mỹ ở Việt Nam. Tạp chí Học viện Hải quân Hoa Kỳ (Naval Institute Press) số tháng 5.1971.

 5,6, Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb QĐND, 2011 trang 764.

7, Tập san Quốc phòng Quân lực Việt Nam Cộng hòa số 18, năm 1965, trang 22.

8, Tài liệu ta thu được của địch sau giải phóng miền Nam. Lưu Phòng Quân báo, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân.

9, Dẫn theo Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam… Sách đã dẫn trang 768.

(Theo HQVN)

Các tin khác

Sự tồn tại của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển với những chuyến vượt biển thành công của đoàn tàu không số đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Trung tá Vũ Trung Tính (thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội Đoàn tàu Không số năm 1965.

Đầu tháng 9/1970, Tàu 154 đã thực hiện một chuyến cập bến đầy táo bạo và bất ngờ vào cửa ngõ đồn Gành Hào (Bạc Liêu) giữa ban ngày. Trường hợp này đối với Đoàn tàu Không số có lẽ là có một không hai.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

"Biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân - Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển" là tên gọi triển lãm trưng bày do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phối hợp với Cục Chính trị Hải Quân - Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức tại Bảo tàng Hải Phòng, ngày 13/10.

Bia tưởng niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Di tích quốc gia Bến tiếp nhận vũ khí Trà Vinh (Bến Cồn Tàu)

Di tích quốc gia Bến tiếp nhận vũ khí Trà Vinh-Bến B22 là niềm tự hào của quân dân Trà Vinh vì đã trở thành mắt xích quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Bia tưởng niệm vươn cao trong nắng mới, là lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh kiên cường của cha ông ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục