Phát huy giá trị Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 24/6/2023 | 9:08:22 PM

Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (1967 - 1973) là một trong những thành tích tiêu biểu của quân và dân ta, trong đó Bộ đội Hải quân đóng vai trò là lực lượng nòng cốt. Tiếp tục phát huy giá trị của Chiến công này trong giai đoạn hiện nay là cơ sở quan trọng để xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân. Ảnh: THHQ.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân. Ảnh: THHQ.

Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (1967 - 1973) là một trong những thành tích tiêu biểu của quân và dân ta, trong đó Bộ đội Hải quân đóng vai trò là lực lượng nòng cốt. Đó là chiến thắng của tư tưởng dám đánh, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng; là chiến thắng của trí tuệ, lòng quả cảm và sự sáng tạo của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến công chống Đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (27/6/1973 - 27/6/2023), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân về ý nghĩa lịch sử, vai trò, thành tích của Bộ đội Hải quân trong chiến công đặc biệt này và việc phát huy Chiến công trong giai đoạn hiện nay.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí Chính ủy cho biết ý nghĩa to lớn của Chiến công chống đế quốc Mỹ phong toả sông, biển miền Bắc bằng thuỷ lôi và bom từ trường?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Chiến công trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chiến công này đã khẳng định tài thao lược trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân và sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo kịp thời đúng đắn trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân. Đó là thắng lợi của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và nghệ thuật tác chiến Hải quân nói riêng; của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào.

Đồng thời, khẳng định tư tưởng dám đánh, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng. Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường còn là chiến thắng của trí thông minh, lòng quả cảm. Với việc phát huy nội lực, sự sáng tạo trong kết hợp giữa kỹ thuật thô sơ với hiện đại trong thực hiện nhiệm vụ và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng, quân và dân ta đã sáng tạo ra nhiều cách rà phá, tháo gỡ để làm vô hiệu hóa thủy lôi và bom từ trường của địch.

Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị, đặc biệt là về khoa học công nghệ quân sự trên chiến trường sông, biển. Đó là cơ sở lý luận và thực tiễn quý báu để Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp tục nghiên cứu vận dụng, bổ sung hoàn thiện những cách đánh mới phù hợp, nhằm đối phó có hiệu quả với âm mưu phong tỏa đường biển của địch nếu có chiến tranh xảy ra trong tương lai và góp phần không ngừng phát triển lý luận quân sự Hải quân.

PV: Đồng chí có thể khái quát một số kết quả cụ thể của quân và dân ta trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thuỷ lôi và bom từ trường?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Tính từ tháng 2/1967 đến tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đã ném xuống miền Bắc nước ta hơn 90 nghìn quả thuỷ lôi, bom mìn các loại; trong đó có gần 15.000 quả thuỷ lôi và bom từ trường (Trong 2 đợt, từ tháng 02/1967 - 10/1968: 74.718 quả thủy lôi, bom mìn các loại, trong đó có gần 7.000 quả thủy lôi và bom từ trường và 3 đợt, từ tháng 5/1972 đến tháng 01 năm 1973; đặc biệt, từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972: 17.080 quả bom, mìn các loại; trong đó có 7.963 quả thủy lôi và bom từ trường).


Cán bộ, chiến sĩ Hải quân nghiên cứu cấu tạo, tính năng, kỹ chiến thuật của thủy lôi. Ảnh: THHQ.

Với tinh thần đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, Quân chủng Hải quân đã cùng với quân, dân miền Bắc phá hủy được 13.346 quả thủy lôi và bom từ trường, đập tan âm mưu và hành động phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường vô cùng thâm độc và xảo quyệt của đế quốc Mỹ trên sông, biển miền Bắc nước ta những năm 1967-1968 và 1972-1973.

PV: Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thuỷ lôi và bom từ trường là thành quả của sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong và ngoài Quân đội, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng chủ lực, tiên phong. Đồng chí có thể chia sẻ về những thành tích chính của Bộ đội Hải quân trong chiến công đặc biệt này?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Kết quả nổi bật của Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường rất nhiều. Song tựu chung có một số kết quả nổi bật như sau:

Ngay từ những ngày đầu, trước âm mưu, ý đồ của đế quốc Mỹ, Hải quân nhân dân Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất tích cực bảo đảm sự chủ động ngay từ đầu trong cuộc chiến chống phong tỏa. Các đơn vị Hải quân đã chủ động phối hợp hiệp đồng với nhiều lực lượng (như Quân khu 3, Quân khu 4, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Binh chủng Công binh, Quân chủng Phòng không-Không quân, các ngành kinh tế, kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, Cục Vận tải đường biển, Bộ Tư lệnh 350, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang Hải Phòng, Ty Bảo đảm hàng hải, Công ty Tàu cuốc Hải Phòng, Trường Đại học Bách khoa, các tỉnh đội địa phương ven biển và dân quân tự vệ các địa phương…). Từ đó tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trong cuộc chiến chống phong tỏa (như tổ chức huấn luyện; lực lượng quan sát, phát hiện đánh dấu các vị trí bãi thủy lôi, bom từ trường, công binh trục vớt, tháo gỡ, nghiên cứu chế tạo thiết bị rà phá; tàu, phương tiện phong tỏa, rà phá; mở luồng, dẫn dắt tàu vào tránh…).

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân thực hành huấn luyện. Ảnh: THHQ.

Quá trình chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, đi đầu trong tháo gỡ tìm ra cấu tạo, tính năng kỹ thuật của thủy lôi, bom từ trường, để từ đó chế tạo các thiết bị rà phá có hiệu quả. Phát huy vai trò nòng cốt, Bộ đội Hải quân đã chủ động phối hợp với các lực lượng, như Trường Đại học Bách Khoa, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Giao thông vận tải, Cục Vận tải biển, Cục Công nghiệp thành phố Hải Phòng… nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường hiệu quả như HDL-9, HT-5, máy phóng từ 311, 480, PĐ-67… tạo cơ sở rà phá thành công thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ.

Trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thuỷ lôi và bom từ trường, Hải quân nhân dân Việt Nam đã trực tiếp và là lực lượng tiên phong tổ chức rà phá thủy lôi, bom từ trường phong tỏa sông biển miền Bắc. Tổng hợp cả hai cuộc chống địch phong tỏa, Quân chủng Hải quân đã huy động hàng nghìn lượt chiếc tàu thuyền, đi hàng chục nghìn hải lý, cùng với các lực lượng của quân và dân ta quan sát, phá hủy được 13.346 quả thủy lôi, bom từ trường của địch, đập tan âm mưu và hành động phong tỏa vô cùng thâm độc, xảo quyệt của đế quốc Mỹ.

PV: Phát huy truyền thống, kinh nghiệm chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường trong tình hình mới, Quân chủng Hải quân đã có những chủ trương và biện pháp gì để xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, thưa đồng chí Chính ủy?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Đó là cơ sở để thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân hôm nay nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh mới, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và phương thức tác chiến của chúng từ hướng biển, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Cụ thể:

Một là, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, đề cao cảnh giác, nắm chắc tình hình; chăm lo xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị; chuẩn bị toàn diện về tư tưởng, lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất, xử lý kịp thời, không để bị bất ngờ; bình tĩnh, khôn khéo, kiên trì, kiên quyết; bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân kiểm tra Tàu 261, Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Vùng 5. Ảnh: THHQ.

Hai là, coi trọng phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ các thành phần lực lượng cơ bản. Tăng cường rèn luyện kỷ luật, xây dựng nề nếp chính quy; triển khai có hiệu quả các trọng tâm, khâu đột phá của Quân chủng và của các cấp, các ngành. Thực hiện đúng phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc", tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật mới hiện đại, huấn luyện tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng xây dựng nền QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân với thế trận an ninh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc.

Ba là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu toàn diện của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo sự thống nhất cao về tư tưởng chính trị, về ý thức tổ chức kỷ luật; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, XIII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bốn là, không ngừng phát huy truyền thống Quân chủng anh hùng trong thời kỳ mới, nhất là những kinh nghiệm xương máu trong rà phá thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc; các bài học lịch sử, nghệ thuật quân sự Việt Nam và truyền thống đánh giặc của dân tộc trong điều kiện mới. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; tiếp nhận và làm chủ vũ khí, trang bị mới hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng và nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn mới./.

(Theo ĐCSVN)

Các tin khác
Cán bộ, chiến sĩ Tàu 253, Lữ đoàn 127 bắn mục tiêu trên không.

Tại trường bắn Hòn Anh Đông, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Vùng 5 Hải quân đã tổ chức kiểm tra bắn đạn thật trên biển.

Lễ chào cờ cùng duyệt đội hình, đội ngũ trên đảo Trường Sa Lớn.

Trong nắng chiều rực rỡ, với biển xanh, gió lộng của Trường Sa, Quốc ca vang lên đầy hào hùng, xúc động. Những sinh viên tuổi đời mười tám, đôi mươi cùng cất vang quốc ca trong niềm niềm tự hào. Nhiều gương mặt trẻ rưng rưng xúc động vì lần đầu tiên trong đời được hát Quốc ca ở một địa điểm đặc biệt cùng quân, dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà).

Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tặng hoa và quà cho các lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền về hoạt động của Vùng.

Chiều 19-6, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023). Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân - Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Vùng, chủ trì buổi gặp mặt; cùng dự có Thủ trưởng Bộ tư lệnh lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Một góc đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa).

Các đảo Song Tử Tây, An Bang, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh và Tiên Nữ dự kiến được đặt tên cho các tuyến đường thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục