Trấn Yên sôi nổi phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/3/2022 | 7:40:40 AM

YênBái - Trấn Yên là huyện đầu tiên của vùng núi phía Bắc đạt chuẩn huyện nông thôn mới với 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã và 100% tuyến đường từ trung tâm các xã đến các thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa. Chưa bao giờ, Trấn Yên lại có phong trào xây dựng, phát triển giao thông nông thôn mang tính lan tỏa mạnh mẽ và sôi nổi đến vậy.

Gia đình bà Trần Thị Thu ở thôn 3, xã Minh Quán tự nguyện hiến gần 5.000 m2 đất để xây dựng sân thể thao của xã.
Gia đình bà Trần Thị Thu ở thôn 3, xã Minh Quán tự nguyện hiến gần 5.000 m2 đất để xây dựng sân thể thao của xã.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Trấn Yên ngày một khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt. Trấn Yên cũng là huyện đầu tiên của vùng núi phía Bắc đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM).

Huyện đã và đang nỗ lực xây dựng và trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025. Đó là thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây, trong đó có sự đóng góp rất lớn của hàng ngàn hộ gia đình trong hiến đất làm giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội khác.

Có thể khẳng định, nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Trấn Yên có sự đổi thay rõ nét: người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công; môi trường ngày càng được cải thiện; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường… 

Đặc biệt là mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) từ Nga Quán, Minh Quán, Quy Mông đến xã vùng cao Kiên Thành, Hồng Ca, Tân Đồng… đều được bê tông hóa, nhựa hóa, giao thông thuận tiện bốn mùa, đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Chưa bao giờ Trấn Yên lại có phong trào xây dựng, phát triển GTNT mang tính lan tỏa mạnh mẽ và sôi nổi đến vậy. 

Từ vùng thấp đến vùng cao, nhà nhà hiến đất, hiến cây cối, vườn tược, phá dỡ hàng rào phục vụ cho việc mở đường, bê tông hóa các tuyến đường giao thông, đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Không có quá nhiều thuận lợi nhưng từ đòi hỏi của thực tiễn, muốn kinh tế - xã hội phát triển thì hạ tầng phải đi trước một bước. 

Từ những chủ trương đúng, cách làm linh hoạt, hiệu quả, việc triển khai thực hiện phát triển GTNT theo Đề án GTNT trên địa bàn huyện được người dân đồng tình ủng hộ. 

Qua đó, nhiều tuyến đường đã được mở mới, mở rộng và kiên cố hóa, duy tu, sửa chữa đã tạo nên diện mạo mới ở huyện NTM này. Đến nay, 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã và 100% tuyến đường từ trung tâm các xã đến các thôn, bản đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Hết năm 2021, toàn huyện đã kiên cố hóa gần 700 km/ 817 km đường giao thông. Trong đó, đường xã 63,2 km, đạt 100%; đường trục thôn, xóm và đường liên thôn xóm 352/368 km… 

Thôn Khe Năm, xã Hưng Khánh trước đây 100% các tuyến đường là đường đất, đường mòn, ngày nắng thì bụi, ngày mưa lầy lội. Hơn 200 hộ dân ở đây sản xuất ra hàng hóa nhưng giao thông khó khăn, các sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, 100% số tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa. 

Nhờ có đường, kinh tế trong thôn phát triển mạnh, đời sống nhân dân được nâng lên đạt 40 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm dưới 1%. Chỉ tính riêng 5 năm (2016 - 2020), huyện Trấn Yên đã kiên cố hóa được trên 316 km đường GTNT với tổng mức đầu tư trên 438 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 56 tỷ đồng - một con số mơ ước của nhiều địa phương khác trong tỉnh. 

Có thể nói, trong xây dựng hạ tầng nông thôn vấn đề khó khăn nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Hạn chế về kinh phí nhưng ở Trấn Yên lại có rất nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng NTM. Đã có 1.165 hộ dân tự phá dỡ nhà cửa, hàng rào, cây cối, hoa màu để xây dựng các công trình phúc lợi nói chung và GTNT nói riêng mà không đòi hỏi đền bù với tổng diện tích trên 273.951 m2 đất, tương đương 27 ha. 

Dẫu chưa phải là một xã giàu, nhưng trong những năm qua, Xã Minh Quán đã có 104 hộ gia đình tự nguyện hiến đất trong xây dựng NTM, phát triển GTNT với diện tích trên 50.000 m2. Gia đình bà Trần Thị Thu ở thôn 3 chưa phải là một hộ gia đình khá giả nhưng hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, gia đình bà Thu đã hiến trên 4.787 m2 đất để xây dựng sân thể thao xã Minh Quán. 

Bà Thu bộc bạch: "Dù ở nông thôn hay thành thị thì thước đất, mảnh vườn, hàng cây, đồi cây đều là thứ tài sản quý giá. Nhưng để xây dựng quê hương ngày một phát triển hơn, vì cái chung, vì lợi ích của thôn, của xã, của đất nước, gia đình đã tự nguyện hiến gần 5.000 m2 đồi quế đã 5 năm tuổi để xã xây dựng sân thể thao và làm đường...

Có lẽ, với bất cứ người dân Trấn Yên nào cũng đều chung một suy nghĩ giản đơn, mộc mạc: hiến đất làm giao thông, xây dựng công trình phúc lợi xã hội đều là để cho người dân, người dân được hưởng lợi. Những suy nghĩ đó cũng là nguồn lực quan trọng để cùng Đảng bộ, chính quyền huyện Trấn Yên cán đích huyện NTM kiểu mẫu trước thời hạn.

Ngọc Trúc