Hán Đà tập trung phát triển cây chè

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/8/2022 | 7:23:03 AM

YênBái - Xác định chè là cây kinh tế chủ lực, những năm qua, xã Hán Đà, huyện Yên Bình triển khai nhiều biện pháp nhằm phát triển cây chè theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo thương hiệu nâng cao thu nhập cho người trồng chè.

Người dân thôn Trác Đà, xã Hán Đà thu hái chè.
Người dân thôn Trác Đà, xã Hán Đà thu hái chè.

Được biết, phần lớn diện tích chè của xã Hán Đà trồng từ năm 2001 - 2014 thông qua dự án hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Hộ ông Phạm Văn Thơm có 1,5 ha chè. Trước đây ông trồng giống chè trung du năng suất thấp, hơn chục năm trở lại đây, nhờ tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu khoa học, kỹ thuật trên các phương tiện truyền thông, ông Thơm bỏ chè trung du và trồng chè lai LDP1, LDP2, đồng thời áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP nên chè cho năng suất, chất lượng tốt. Trung bình mỗi năm, ông Thơm thu hái khoảng 15 - 20 tấn chè búp tươi, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. 

Ông Thơm chia sẻ: "Là thành viên Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh (CCB) Hán Đà và tham gia xây dựng sản phẩm "Chè xanh Hán Đà” nên mọi quy trình trồng, chế biến sản phẩm tôi đều thực hiện theo đúng quy chuẩn. Việc sử dụng phân bón hữu cơ được kiểm soát nghiêm ngặt, bảo đảm quy trình sản xuất chè sạch an toàn cung cấp cho thị trường”. 

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại, năm 2019, xã Hán Đà đã hỗ trợ HTX CCB Hán Đà đăng ký xây dựng thương hiệu "Chè xanh Hán Đà” đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, với quy mô 21 ha và 34 hộ tham gia, tập trung chủ yếu tại thôn Trác Đà, sản lượng dự kiến 300 tấn/năm. 

Để xây dựng được sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, xã Hán Đà ra nghị quyết chuyên đề về phát triển nâng cao năng suất, sản lượng chè búp tươi của địa phương, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. 

Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân trồng thay thế chè trung du sang các giống chè lai LDP1, LDP2 cho năng suất, chất lượng cao hơn; áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP từ việc tưới nước, phân bón, hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường và an toàn cho người lao động đến việc ghi chép hồ sơ sản xuất… 

Ông Trần Tường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX CCB Hán Đà cho hay: "HTX hướng dẫn bà con cải tạo, đầu tư thâm canh, chế biến chè đảm bảo tiêu chuẩn. Hướng dẫn người dân thay đổi phương thức chế biến từ chảo gang thủ công sang chảo quay để nâng cao chất lượng chè thành phẩm”. 

Cùng đó, xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất nguyên liệu với cơ sở chế biến. 

Với quyết tâm cao của chính quyền, nông dân, sản phẩm "Chè xanh Hán Đà” được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, đóng hộp. Hiện, toàn xã đã có trên 190 ha chè; trong đó, trên 71 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất 10,5 tấn/ha, sản lượng 2.000 tấn/năm, đem lại thu nhập bình quân khoảng 250 triệu đồng/ha/năm, đưa mức thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 đạt 44,6 triệu đồng. Sản phẩm "Chè xanh Hán Đà” hiện được bán tại Nhà hàng Rubi huyện Yên Bình, Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP Km 5, thành phố Yên Bái và thương lái trong, ngoài tỉnh đặt hàng trực tiếp với HTX…

Ông Phạm Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho biết: xác định chè là cây kinh tế chủ lực, nên xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Đồng thời, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm "Chè xanh Hán Đà” thông qua các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng chè.

Minh Huyền