Theo UBND xã Hán Đà, những thành công trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật là một trong những nhân tố giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt mức bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2015 – 2020.
Chú trọng sản xuất sạch
Đến nay, cơ cấu kinh tế trên địa bàn xã Hán Đà có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người của xã đến năm 2020 đạt 32,5 triệu đồng/người/năm.
Để đạt được những thành công tích cực trong 5 năm qua, xã Hán Đà đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, góp phần hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh tại địa phương.
Điển hình có thể kể đến cây chè đang phát triển mạnh trên địa bàn xã, với tổng diện tích hơn 190 ha, trong đó có 20 ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng chè búp tươi của xã đạt 2.000 tấn/năm, đem lại doanh thu khoảng 16 tỷ đồng.
Để đưa chè trở thành sản phẩm thế mạnh, thời gian qua, xã Hán Đà cũng đã chủ động tuyên truyền vận động và hướng dẫn bà con cải tạo, đầu tư thâm canh và chế biến chè đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Theo đó, trong quá trình canh tác chè, người dân loại bỏ hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, ủ hoai mục, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, qua đó nâng cao chất lượng chè, giảm thiểu ô nhiễm.
Các khu chuồng trại chăn nuôi cũng được các hộ dân di chuyển ra xa khu vực trồng chè để giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo chất lượng chè. Các loại rác thải phát sinh trong quá trình canh tác cũng được các hộ thu gom đúng nơi quy định để tránh gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước.
Đặc biệt, xã đã chủ động xây dựng làng nghề, các tổ hợp tác trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao tại thôn Trác Đà với mục tiêu liên kết các hộ phát triển chè theo hướng VietGAP, hữu cơ, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm chè của địa phương.
Bên cạnh cây chè, cây nghệ cũng đang cho thấy tiềm năng lớn có thể phát triển thành sản phẩm OCOP của xã. Hiện, toàn xã đã trồng được khoảng 30 ha nghệ tươi do HTX cựu chiến binh Hán Đà cung cấp giống, chỉ đạo sản xuất.
Được sự hỗ trợ từ địa phương, HTX cựu chiến binh Hán Đà đã đăng ký thành công tên thương hiệu tinh bột nghệ Phương Nam và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế cấp giấy phép kinh doanh, mở cơ sở sản xuất tinh bột nghệ.
Trung bình mỗi vụ từ 2 đến 3 tháng, HTX cựu chiến binh Hán Đà sử dụng khoảng 300 - 500 tấn nghệ tươi và cho ra khoảng hơn 30 tấn bột nghệ, giá bán ra thị trường khoảng 200 - 220 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về mỗi năm 200 - 300 triệu đồng, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động, lương mỗi tháng từ 3 đến 4 triệu đồng/người.
Nâng chất nông nghiệp sạch
Theo đại diện UBND xã Hán Đà, để có được những thành công trên, những năm qua xã xác định tập trung xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm.
Xã Hán Đà sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho nông nghiệp sạch
Theo đó, để nâng cao chất lượng nông thôn mới theo chiều sâu, xã chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt từ 70 đến 80 triệu đồng.
Đến nay, xã duy trì 190 ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi năm 2020 dự kiến đạt 2.080,5 tấn, tăng 35% so với năm 2015; 187 ha cây ăn quả, trong đó, có hơn 120 ha bưởi và hàng năm cho thu nhập đạt trên 20 tỷ đồng.
Cùng với phát triển cây ăn quả, tận dụng diện tích mặt ao hồ, Hán Đà đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh bền vững; trong đó, vận động những hộ gần vùng hồ, hộ có nhu cầu nuôi trồng thủy sản triển khai thực hiện, nên số hộ nuôi cá lồng, nuôi cá eo ngách, quây lưới không ngừng tăng.
Phát huy kết quả đã đạt được, tạo đà phát triển nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới, Hán Đà tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề dịch vụ. Phát triển các tổ hợp tác, HTX và các mô hình hộ chăn nuôi thủy sản.
Đặc biệt, xã sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP như chè khô, bưởi quả, cá hồ Thác Bà…
(Theo Thời báo kinh doanh)