Tỉnh đi lên - dân hạnh phúc - Bài 1: Từ triết lý phát triển mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/8/2022 | 7:23:06 AM

YênBái - Nhìn lại nửa nhiệm kỳ đã qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, một trong những điều mà rất nhiều người dân Yên Bái thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc là: “Chỉ số hạnh phúc” đã được định hình rõ nét bằng sự hài lòng của người dân và hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid - 19 tại Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid - 19 tại Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên.


"Nâng cao chỉ số hạnh phúc” đã trở thành động lực, nền tảng tinh thần và quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là ở các xã, phường, thị trấn, làng, thôn, bản, tổ dân phổ và với mỗi người dân Yên Bái trong xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là mong ước suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Lần đầu tiên trong các kỳ Đại hội Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đưa nội dung "Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” vào định hướng phát triển đất nước ta giai đoạn 2021 - 2030.

Ý tưởng để Yên Bái đưa Chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đây viết tắt là Nghị quyết Đại hội XIX) xuất phát từ nhận thức vai trò của việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân kết hợp với phân tích về điều kiện kinh tế - xã hội hiện có của tỉnh; thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm trong việc cụ thể hóa, vận dụng đúng đắn Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn.

Đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: "Nếu đặt nặng vấn đề tăng trưởng và thu ngân sách thì Yên Bái mãi là tỉnh khó khăn, mãi là tỉnh nghèo, có trình độ phát triển thấp, lãnh đạo tỉnh cùng suy nghĩ và bàn bạc phải có gì đưa Yên Bái đổi mới, chứ không đi theo cách làm truyền thống bấy lâu nay. Ở đây không phải cố tạo ra sự khác biệt, mà mục tiêu rõ ràng là cần có triết lý phát triển cho riêng mình... Ý tưởng đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh xuất phát từ việc địa phương chọn hướng đi "làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc”.

Cơ sở để Yên Bái lựa chọn "Chỉ số hạnh phúc" xuất phát từ chính những tiềm năng xây dựng và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. 

Đó là, truyền thống lịch sử, văn hóa với những giá trị tinh thần phong phú, nơi có Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Là khát vọng phát triển, khát vọng đổi mới, sáng tạo như mạch nguồn tư tưởng đang căng tràn trong tư duy và cảm xúc của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Yên Bái luôn coi trọng, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội... 

Đó là, mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Yên Bái có môi trường sinh thái tốt, nguồn nước, môi trường sống đảm bảo với trên 63% diện tích che phủ rừng ổn định, xếp thứ tư cả nước. 

Yên Bái đã và đang thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, các chính sách an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Yên Bái năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 -2020 là 4,76%, đứng thứ 11 so với các tỉnh trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc và đứng thứ 16 so với cả nước; cải thiện 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ (đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,21%, cao thứ 6 so với cả nước). Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP) năm 2021 đạt 42,7 triệu đồng, mục tiêu phấn đấu năm 2025 đạt trên 65 triệu đồng). 
Quyết tâm để Yên Bái đưa ra mục tiêu "Chỉ số hạnh phúc" của người dân tăng dần qua các năm mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Bởi, xét từ nội hàm các tiêu chí của "Chỉ số hạnh phúc" đồng nghĩa với việc tỉnh Yên Bái sẽ phải quyết tâm cao độ trong triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của người dân Yên Bái về cuộc sống, môi trường sống và tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, nhằm thực hiện hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái tăng 15% so với năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội XIX đã đề ra.

Hồng Thanh Tâm
(Kỳ sau: Con đường hiện thực hóa Chỉ số hạnh phúc từ Nghị quyết vào cuộc sống)