Vì một Yên Bái phát triển nhanh và bền vững
- Cập nhật: Thứ ba, 20/9/2022 | 1:57:01 PM
YênBái - Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những công cụ quan trọng để huy động mọi nguồn lực, lợi thế đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát triển hạ tầng trên toàn tỉnh; là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm, 10 năm và hàng năm của địa phương.
Các chuyên gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
■ Tiến sĩ Cao Viết Sinh - Chuyên gia Cao cấp, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Dự thảo báo cáo cần làm rõ hơn: đánh giá tác động, ảnh hưởng các yếu tố, điều kiện đó lên phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh như thế nào? Cần bổ sung phân tích, đánh giá so sánh về lợi thế, tiềm năng phát triển, khả năng liên kết giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh lân cận, đánh giá sự kết hợp, liên kết hợp tác kinh tế hiện tại và khả năng mở rộng trong tương lai. Cần phân tích sâu hơn mối quan hệ giữa cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng cơ cấu nông nghiệp lâm nghiệp trong GRDP trong khi cơ cấu lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm, trong tương lai đây là trụ cột tăng trưởng chính của tỉnh.
■ Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch:
Báo cáo quy hoạch của tỉnh Yên Bái được thực hiện công phu, chi tiết, số liệu được phân tích và cập nhật đầy đủ ở tất cả các lĩnh vực. Cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch được mô tả rất chi tiết và phù hợp để xây dựng các nội dung của quy hoạch. Các nội dung về quan điểm, tầm nhìn, phương án phát triển, lựa chọn các ngành lĩnh vực quan trọng, khâu đột phá, danh mục các dự án ưu tiên... đều có sự phân tích và luận giải.
■ Chuyên gia Nguyễn Văn Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp:
Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Yên Bái hiện tại và tương lai có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Do vậy, theo tôi trong báo cáo quy hoạch tỉnh phải có một chương về định hướng phát triển về "tam nông” gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Theo tôi, nông nghiệp Yên Bái cần phát triển đồng thời nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Để phát triển nông nghiệp sinh thái, tỉnh Yên Bái cần xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái của tỉnh: vùng chuyên canh cây lương thực, vùng chuyên canh cây thực phẩm, vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng chuyên canh cây công nghiệp, vùng chuyên canh cây đặc sản, cây làm thuốc, vùng chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm, vùng nuôi trồng thủy sản với quy mô hợp lý gắn với công nghiệp bảo quản chế biến và thị trường tiêu thụ.
■ Ông Lê Minh Bá - Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Đề nghị nghiên cứu, bổ sung, áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bổ sung các giải pháp cụ thể cho từng loại vật nuôi về vùng nuôi, giống, thức ăn, hình thức chăn nuôi, an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, thị trường... Đồng thời, bổ sung các giải pháp phát triển lâm nghiệp theo hướng phát triển đa giá trị và làm rõ căn cứ và tính cấp thiết về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ sang mục đích khác nhằm đảm bảo độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng. Đề xuất các phương án, giải pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai phù hợp với từng loại hình thiên tai. |
Các tin khác
Thực hiện Chương trình hành động 56 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Yên Bình đã xây dựng kế hoạch cụ thể, có lộ trình thực hiện rõ ràng, giao nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị với từng nhiệm vụ. Do vậy, từ đầu năm đến nay, Yên Bình đã có 35/50 chỉ tiêu đạt trên 50% trở lên, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 8 chỉ tiêu đạt từ 80% kế hoạch trở lên.
Ông Trương Hải Long được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026, sau một tuần được Ban Bí thư điều động làm Phó Bí thư tỉnh ủy. Chiều 19/9, HĐND tỉnh Gia Lai tổ chức kỳ họp thứ 7 khóa XII bầu ông Trương Hải Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Lê Văn Hiệu sẽ điều hành hoạt động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đến khi Bộ Chính trị có quyết định phân công Bí thư Tỉnh ủy.