Hội thảo tham vấn về Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2022 | 5:55:00 PM

YênBái - Chiều 30/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương; các vụ, viện thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các chuyên gia về quy hoạch

Dự Hội nghị về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; đại diện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những công cụ quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp huy động mọi nguồn lực, lợi thế đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát triển hạ tầng trên toàn tỉnh; là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm, 10 năm và hàng năm của địa phương theo từng cấp độ quản lý. 


Toàn cảnh Hội thảo

Quy hoạch nhằm mục tiêu tổng quát là đến năm 2025 tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và đến năm 2030 nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng; đến năm 2050 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá của cả nước, đạt được mục tiêu phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc". 

Tại Hội thảo, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia về quy hoạch đã tham góp ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các chuyên gia cho rằng, Báo cáo Quy hoạch tỉnh Yên Bái được xây dựng công phu, tuy nhiên cần hoàn chỉnh thêm để đáp ứng yêu cầu tại Quyết định số 1421 ngày 17/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 




Các chuyên gia và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham gia góp ý vào Quy hoạch tỉnh tại Hội thảo

Cấu trúc báo cáo Quy hoạch tỉnh cơ bản đã thể hiện được đầy đủ nội dung theo yêu cầu, nhiệm vụ cần phải có của một bản quy hoạch. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề nghị chỉnh sửa tên, thứ tự, dung lượng nội dung một số đề mục cho phù hợp; cần đánh giá thật rõ ràng khung phân tích; tăng cường các số liệu đáp ứng yêu cầu đánh giá, nhất là đánh giá hiện trạng, số liệu theo chuỗi thời gian để thể hiện được tính động của diễn biến kinh tế. 

Cùng đó là làm sâu hơn phần đánh giá thực trạng, thêm thông tin để rút ra các điểm mạnh, điểm yếu một cách có khoa học và căn cứ thực tiễn, sát hợp với kinh tế Yên Bái hiện nay. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, dự thảo Quy hoạch cần bổ sung thêm phân tích chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng (thành thị, nông thôn, các vùng kinh tế trong tỉnh). 

Cần sát hơn trong đánh giá, so sánh vai trò, vị thế của tỉnh với vùng và quốc gia, trong đó có lý giải về vị trí, vai trò, sự đóng góp của tỉnh trong không gian phát triển trong vùng và cả nước, nhất là trong kết nối hạ tầng, liên kết hợp tác phát triển các ngành, lĩnh vực theo không gian…

Dự thảo Quy hoạch cũng cần phân tích ảnh hưởng hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đoạn đi qua Yên Bái; tỉnh có mở rộng không gian phát triển gắn với cao tốc Hà Nội - Lào Cai và phát huy được lợi thế khi có đường cao tốc; quan tâm phát huy lợi thế phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống …



Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trân trọng cảm ơn các ý kiến sâu sắc, chất lượng của các chuyên gia, các bộ, ngành Trung ương đóng góp vào Quy hoạch tỉnh làm cơ sở để tỉnh thẩm định trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Đối với các ý kiến tham gia vào Quy hoạch tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp thu để chỉnh sửa cho phù hợp, tập trung vào các nội dung mang tính trọng tâm, trọng điểm, bổ sung chuẩn hóa về số liệu; đánh giá đúng các điểm nghẽn để đề xuất các giải pháp cho phù hợp. Yên Bái kiên trì thực hiện triết lý phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đảm bảo không mẫu thuẫn với các chỉ tiêu về tăng trưởng. 

Để đạt mục tiêu này, đồng chí cho biết, tỉnh đã có kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc theo từng năm; khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. 

Yên Bái xác định trụ cột tăng trưởng là tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, kinh tế dịch vụ; nông lâm nghiệp thủy sản; xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn và hệ sinh thái đa dạng; tâp trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển du lịch theo hướng khám phá thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng. Yên Bái sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp gắn với không gian phát triển chung của tỉnh. 

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến tham gia của các chuyên gia để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh một cách tốt nhất.



Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu kết luận Hội thảo


Kết luận Hội thảo,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương  cảm ơn các ý kiến đóng góp vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái. Thứ trưởng đề nghị tỉnh Yên Bái tiếp thu đầy đủ các ý kiến làm cơ sở để chỉnh sửa, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chuẩn bị kỹ và đầy đủ thành phần hồ sơ, hoàn thiện Quy hoạch trên cơ sở tổng hợp góp ý của các chuyên gia; tập trung làm rõ phương pháp lập quy hoạch, nguồn lực, bối cảnh, xác định rõ vai trò, vị thế của tỉnh trong vùng và có các giải pháp phù hợp; bám sát chỉ tiêu sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu Quy hoạch theo quy định của pháp luật. 

Mạnh Cường

Ý kiến chuyên gia:

Tiến sĩ Cao Viết Sinh - Chuyên gia Cao cấp, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư:


 
Báo cáo dự thảo Quy hoạch mới liệt kê, thống kê các yếu tố tự nhiên, cần làm rõ hơn: đánh giá tác động, ảnh hưởng các yếu tố, điều kiện đó lên phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh như thế nào. Cần bổ sung phân tích, đánh giá so sánh về lợi thế, tiềm năng phát triển, khả năng liên kết giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh lân cận, đánh giá sự kết hợp, liên kết hợp tác kinh tế hiện tại và khả năng mở rộng trong tương lai. Cần phân tích sâu hơn mối quan hệ giữa cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp trong GRDP trong khi cơ cấu lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm, trong tương lai đây là trụ cột tăng trưởng chính của tỉnh. 

Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch:


Báo cáo quy hoạch của tỉnh Yên Bái được thực hiện công phu, chi tiết, số liệu được phân tích và cập nhật đầy đủ ở tất cả các lĩnh vực. Cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch được mô tả rất chi tiết và phù hợp để xây dựng các nội dung của Quy hoạch. Các nội dung cần thực hiện trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh về cơ bản là đầy đủ theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định của Chính phủ. Những nội dung đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực, phân tích SWOT đối với sự phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch nhìn chung là phù hợp. Các nội dung về quan điểm, tầm nhìn, phương án phát triển, lựa chọn các ngành lĩnh vực quan trọng, khâu đột phá, danh mục các dự án ưu tiên... đều có sự phân tích và luận giải. Các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực trong quy hoạch; các phương án bố trí các nguồn lực, các giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh về cơ bản đầy đủ và có tính khả thi. 

Chuyên gia Nguyễn Văn Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp: 



Nông nghiệp – nông thôn – nông dân Yên Bái hiện tại và tương lai có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Do vậy, trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh phải có một chương về định hướng phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Theo tôi, nông nghiệp Yên Bái cần phát triển đồng thời nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Để phát triển nông nghiệp sinh thái trong quy hoạch nông nghiệp, tỉnh Yên Bái cần xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái của tỉnh: vùng chuyên canh cây lương thực, vùng chuyên canh cây thực phẩm, vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng chuyên canh cây công nghiệp, vùng chuyên canh cây đặc sản, cây làm thuốc, vùng chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm, vùng nuôi trồng thủy sản với quy mô hợp lý gắn với công nghiệp bảo quản chế biến và thị trường tiêu thụ.

Ông Lê Minh Bá – Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:



Đề nghị nghiên cứu, bổ sung, áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bổ sung các giải pháp cụ thể cho từng loại vật nuôi về vùng nuôi, giống, thức ăn, hình thức chăn nuôi, an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, thị trường... Đồng thời, bổ sung các giải pháp phát triển lâm nghiệp theo hướng phát triển đa giá trị và làm rõ căn cứ và tính cấp thiết về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ sang mục đích khác nhằm đảm bảo độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng. Đề xuất các phương án, giải pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai phù hợp với từng loại hình thiên tai. 



Tags Hội thảo Quy hoạch Yên Bái Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời kỳ 2021 – 2030

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục