Yên Bái: “Phái yếu” mạnh mẽ làm giàu

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/5/2023 | 7:35:31 AM

YênBái - Mỗi người một con đường đi riêng nhưng cùng chung sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và sự hỗ trợ thiết thực từ các cấp Hội phụ nữ, nhiều phụ nữ Yên Bái đã từng bước gây dựng kinh tế gia đình vững chắc.

Chị Hờ Thị Chà - Chi hội Phụ nữ thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu mở cơ sở may mặc trang phục dân tộc Mông.
Chị Hờ Thị Chà - Chi hội Phụ nữ thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu mở cơ sở may mặc trang phục dân tộc Mông.

Con đường luôn có dưới chân với những người biết kiếm tìm

Từ năm 2019, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn do tổ chức Hội Phụ nữ phối hợp tổ chức, có thêm đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng, chị Hoàng Thị Hương - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Khe Nhừ, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn bàn với gia đình quyết định đầu tư vào chăn nuôi. 

"Gia đình có 1 ha đất ruộng trồng lúa nước, một năm thu được 45 tạ thóc, 2 ha ngô nương thu 5 tấn ngô một năm. Nguồn thu từ ngô, lúa sẽ tạo điều kiện thuận lợi phục vụ cho chăn nuôi. Bình quân gia đình chăn nuôi một lứa 40 - 50 con lợn thịt, nuôi từ 4 - 5 tháng xuất chuồng 1 lần, một năm bán từ 4 - 5 tấn thu được 300 - 400 triệu đồng; cùng với đó, một năm bán từ 2 - 3 tấn gà, ngan, vịt, cộng với bán trứng thu được 100 - 120 triệu đồng. Gia đình còn trồng 4 ha quế thu 50 triệu đồng/năm, trồng 2 ha cây gỗ rừng thu 60 triệu đồng/năm” - chị Hương tính ra từng khoản thu lớn nhỏ. 

Từ năm 2022, chị còn đầu tư trồng mới 1 ha dâu tằm. Chị bộc bạch: "Mỗi lứa tằm nuôi cũng cho thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng từ bán kén. Tính ra từ chăn nuôi, trồng trọt, một năm gia đình có thu nhập 1 tỷ đồng”. Từ một hộ nghèo trước kia, nay gia đình chị Hương còn có điều kiện giúp đỡ cho chị em phụ nữ khác. "Gia đình tôi đã hỗ trợ trên 70 con gà, ngan, vịt giống; 150 kg thóc; ngô giống; 6 con lợn sinh sản cho chị em phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, mong sao chị em cũng nỗ lực vươn lên có cuộc sống khá giả hơn” - chị Hương cho hay.

Ở vùng cao Trạm Tấu, tìm một hướng để khởi sự kinh doanh với nhiều phụ nữ Mông không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng con đường luôn có dưới chân với những người biết kiếm tìm. 

Chị Hờ Thị Chà - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ đã nhận thấy trên địa bàn xã nhu cầu về may mặc thổ cẩm rất nhiều nhưng không có tiệm may, nhiều người phải đặt may hoặc đi mua từ nơi khác về. Quyết tâm khởi nghiệp, năm 2017, chị Chà bàn với chồng bán đàn trâu, vay thêm vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng đầu tư mở cửa hàng may trang phục Mông. Tích cóp thêm chút vốn, năm sau, chị sắm thêm 1 máy thêu họa tiết thổ cẩm và chỉ 3 năm sau đó, chị đầu tư thêm 3 máy thêu. Gia đình không đủ nhân lực, chị Chà tuyển 3 chị em trong xã phụ giúp. Thời điểm gần tết, phải thêm 2 - 3 lao động nữa. 

"Mỗi hoa văn giá dao động từ 150.000 đồng đến 280.000 đồng, mỗi bộ váy áo dao động từ 600.000 đồng đến 3,5 triệu đồng. Một năm trừ các chi phí, gia đình thu nhập từ 300 triệu đến 380 triệu đồng từ may mặc” - chị Chà tính ra vậy. 

Vừa may mặc vừa duy trì làm nông nghiệp với 1,5 ha đất ruộng trồng lúa nước, một năm thu được 70 tạ thóc, 1 ha trồng sắn và 3 ha chè Shan thu 7 tấn búp chè tươi/năm, tận dụng thóc, sắn ngô, gia đình chị chăn nuôi hơn 100 con gà và đầu tư nuôi lợn thịt bình quân một năm xuất bán từ 2 - 3 tấn, thu được 100 - 120 triệu đồng/năm. 


Chị Hoàng Thị Hương - Chi hội Phụ nữ thôn Khe Nhừ, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn phát triển kinh tế từ chăn nuôi và trồng trọt. 

"Gia đình tôi trước đây thường xuyên phải lo lắng về chi phí học tập cho con cái cũng như chi phí trang trải cuộc sống, nay với tổng thu nhập 400 - 500 triệu đồng/năm cũng gọi là đã có của ăn, của để và nuôi được con học đại học tại Hà Nội. Mỗi năm, tết đến, gia đình tôi đều tặng một số bộ váy áo Mông cho các gia đình khó khăn không có điều kiện sắm trang phục Mông đón tết” - người phụ nữ dân tộc Mông Hờ Thị Chà phấn khởi sẻ chia thành quả sau bao ngày tháng nỗ lực trên con đường phát triển kinh tế gia đình.

Cũng từ một gia đình trung bình của thôn, nay không những khấm khá mà còn tạo việc làm cho trên dưới 100 lao động với mức thu nhập tốt, ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Thủy - thôn Bỗng, xã Yên Bình, huyện Yên Bình thật sự là minh chứng cho thành công từ ý chí cùng sự năng động, nhạy bén để sản xuất, kinh doanh. 

"Hai vợ chồng vốn xuất thân từ đồng ruộng. Cũng chính vì vậy mà tôi luôn trăn trở tìm cơ hội để kinh doanh, bởi có kinh doanh mới có điều kiện phát triển kinh tế không những cho gia đình mà còn có cơ hội để giúp đỡ được người khác” - chị Nguyễn Thị Bích Thủy bày tỏ suy nghĩ. 

Nhận thấy nhu cầu của người dân về gạch bê tông khá nhiều, từ năm 2005, vợ chồng chị quyết định mở xưởng ép gạch bê tông từ số vốn ít ỏi của gia đình cộng với vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Công việc thuận lợi, xưởng gạch của gia đình chị tạo việc làm cho 7 công nhân. 

Sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng, chế biến nông, lâm sản của Hội Phụ nữ tổ chức, chị Thủy lại vay thêm vốn, quyết tâm phát triển kinh tế từ trồng rừng trên đất rừng của gia đình có sẵn và mua thêm một số diện tích mới. 

Từ trồng rừng tiếp tục mở ra hướng làm xưởng ván bóc gỗ rừng trồng cho gia đình chị vào năm 2021, không những để chế biến nguồn gỗ rừng trồng của gia đình mà còn là tận dụng lợi thế dồi dào về sản phẩm gỗ rừng trồng của địa phương và địa bàn các xã lân cận. 

Xưởng ván bóc gỗ tạo việc làm cho 15 - 17 người lao động. Ngay năm sau, gia đình chị mở thêm một xưởng ván ép, tạo việc làm cho 65 - 70 lao động. Không vội hài lòng với con đường kinh doanh, có vốn, chị Thủy bàn với gia đình đầu tư làm trang trại nuôi lợn quy mô 100 lợn nái và gần 400 con lợn thịt, có kỹ sư phụ trách bảo đảm việc chăm sóc phòng bệnh đàn vật nuôi cùng 5 lao động được tập huấn kỹ thuật chăm sóc lợn đầy đủ. 

Vẫn không dừng lại ở đó, gia đình chị còn mở chung xưởng chế biến tinh bột sắn để khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, cung cấp bã sắn chăn nuôi cho người dân và các nhà máy, tạo việc làm cho 7 - 9 lao động. 

Giờ đây, ngôi nhà khang trang trị giá 2 tỷ đồng trên khu đất rộng rãi trục đường quốc lộ 37 cùng nhiều diện tích đồi rừng là thành quả gia đình chị Thủy có được sau những năm tháng không ngừng nỗ lực. Có điều kiện kinh tế, gia đình chị tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo, làm đường bê tông, đường điện thắp sáng đường quê tại địa phương.

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân

Mỗi một phụ nữ một con đường đi riêng nhưng cùng chung sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và sự hỗ trợ thiết thực từ các cấp Hội Phụ nữ, có thể là vốn, có thể là kiến thức, có thể là khơi dậy ý thức vươn lên sau những hoạt động tuyên truyền, vận động của tổ chức Hội… 

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm cho hay: "Trong những năm qua, Hội xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là khâu đột phá trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội. Các cấp Hội đã luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, sáng tạo trong vận động nguồn lực, coi trọng việc đáp ứng nhu cầu và phát huy nội lực của phụ nữ để thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”. 

Trong 5 năm qua (2017 - 2023), các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 198 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 5.700 lao động nữ, trên 3.100 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt…, xây dựng 513 mô hình sinh kế giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế có hiệu quả; ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đến tháng 3/2023 là 1.335 tỷ đồng cho phụ nữ vay vốn; hỗ trợ trên 1.300 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; chủ trì phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập và ra mắt 27 doanh nghiệp, 37 hợp tác xã, 870 tổ hợp tác do nữ làm chủ…

Với sự đồng hành của các cấp Hội, rất nhiều phụ nữ đã mạnh mẽ vươn lên, tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế, trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi. Đến nay, toàn tỉnh có 7.674 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, trong đó có 2.026 mô hình kinh tế có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, có hàng trăm mô hình có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên. 

Các chị đã từng bước nâng cao quyền năng kinh tế cho chính bản thân mình, gây dựng kinh tế gia đình vững chắc và sẻ chia với nhiều phụ nữ còn khó khăn; khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội; cũng là thể hiện ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, xây dựng cuộc sống hạnh phúc trên quê hương.
Thu Hạnh

Tags phụ nữ Yên Bái mô hình vay vốn hoa văn doanh nghiệp hợp tác xã tổ hợp tác

Các tin khác
Một cây dổi hơn 100 tuổi tại khu rừng xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.

Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 689.267ha, diện tích quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp đến năm 2025 là 487.681ha. Nhờ duy trì hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, nằm trong tốp cao của cả nước.

Tỷ lệ người nghiện game tại Việt Nam là 8,5% và game online đã gây những rối loạn tâm thần, như trầm cảm, lo âu và căng thẳng.

Bộ Tài chính vẫn chốt đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online vì gây nghiện và ảnh hưởng sức khoẻ người chơi.

Ưu tiên phát triển không giới hạn điện mặt trời mái nhà tự dùng

Ngày 15/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII.

Phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái đang là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. Không nằm ngoài xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang phát triển mô hình nông nghiệp xanh an toàn và thân thiện với môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục