Thời gian qua, kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có tiến bộ về cả lượng và chất, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, sức mạnh mua chung, bán chung đã tối ưu hóa chi phí đầu vào, giảm thiểu thất thoát lãng phí cũng như chia sẻ rủi ro mùa vụ. Với sự xuất hiện của HTX, chất lượng nông sản được tăng lên khi nhiều HTX xây dựng được vùng nguyên liệu, phát triển thị trường.
Đơn cử, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn - đơn vị tiên phong trong thực hiện liên kết chuỗi. Được thành lập năm 2004 với 12 xã viên, vốn điều lệ 800 triệu đồng với ngành nghề chính là thu mua, chế biến chè xanh, chè đen các loại. Sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới với những cải tiến không ngừng, HTX đã đạt các tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn Rainforest Alliance; tiêu chuẩn ISO 22000:2018; tiêu chuẩn FDA; tiêu chuẩn HACCP - "giấy thông hành” để sản phẩm có thể xuất vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Unilever, Nga …
HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận đã tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm với từng thành viên HTX và các hộ dân liên kết. Các hộ thành viên vào liên kết được HTX hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường 300 đồng - 500 đồng/kg. Cuối năm, dựa trên hiệu quả xuất khẩu, HTX sẽ hỗ trợ bà con 150.000 đồng - 300.000 đồng/hộ/tháng và đến nay tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX khoảng 300 ha và đang liên tục gia tăng theo từng năm.
Nhờ mạnh dạn đổi mới công nghệ tìm kiếm đối tác, vùng nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng mà các sản phẩm chè đen của HTX xuất sang các nước Đông Âu, Mỹ, Nga..., được bạn hàng đánh giá cao. Đến nay, HTX đã có 65 thành viên và gần 100 người lao động, tạo công ăn việc làm ổn định cho 80 - 100 lao động có việc làm trong nhà máy và hàng nghìn lao động trồng chè tại địa phương.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Nhân Đạo cho biết: sau khi Quyết định số 1594/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền; vận động, khuyến khích thành viên, người lao động trong các HTX phát triển sản xuất theo hướng tăng cường liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với XDNTM bền vững.
Từ đó, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hình thành và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 692 HTX, thu hút 32.610 thành viên hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 400 HTX, chiếm 58% tổng số HTX trong toàn tỉnh. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX cũng có nhiều thay đổi khi có khoảng 55% các HTX trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp hoạt động hiệu quả.
Các HTX đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; thực hiện nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thành viên và nhân dân như: cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu một phần sản phẩm đầu ra cho nông dân (quế, chè, gỗ, măng tre,...), các dịch vụ sau thu hoạch, chế biến...
Thông qua các khâu dịch vụ, các HTX nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân tiến hành sản xuất, gieo cấy, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. HTX đã thu hút được một số doanh nghiệp trở thành đối tác của nông dân thông qua HTX khi xuất hiện ngày càng nhiều HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để được đầu tư, trang bị máy móc, đào tạo kỹ thuật chế biến và cam kết bao tiêu sản phẩm cho HTX.
Còn các HTX tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, tổ chức thu mua nguyên liệu, sản xuất, sơ chế theo tiêu chuẩn và đơn đặt hàng của doanh nghiệp; đồng thời, để chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, các HTX đã cam kết hỗ trợ các dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân nhằm ổn định sản xuất. Bước đầu đã hình thành các chuỗi sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến cung cấp sản phẩm cho thị trường và người tiêu dùng.
Hơn nữa, nhiều HTX chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, đề án về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình OCOP; tham gia, đóng góp tích cực trong XDNTM; phối hợp giải quyết các vấn đề xã hội.
Theo Liên minh HTX tỉnh, sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM (2021 - 2023), trên địa bàn tỉnh có 141/150 xã đã hoàn thành tiêu chí số 13 - Tiêu chí về Tổ chức sản xuất (xã có ít nhất 1 HTX hoạt động hiệu quả), đạt 94% tổng số xã.
Các HTX đã thể hiện được vai trò quan trọng trong XDNTM, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập; duy trì và gia tăng số xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân.
Văn Thông