Có mặt tại Bộ phận phục vụ hành chính công huyện Yên Bình để làm thủ tục thành lập mới doanh nghiệp, ông Đặng Hoàng Giang ở tổ 9, thị trấn Yên Bình cho biết: "Hôm nay tôi đến đây để làm thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, tôi được cán bộ hướng dẫn chi tiết, nhiệt tình nên thấy rất thuận tiện và nhanh chóng”.
Theo ông Nguyễn Lê Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, với phương châm đổi mới tư duy từ nền "hành chính quản lý” sang "hành chính phục vụ”, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, huyện luôn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tinh thần làm việc và văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
"Đồng thời, chúng tôi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, phần mềm quản lý văn bản vào quy trình giải quyết TTHC. Từ đó, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn” - ông Dũng cho biết.
Để CCHC thật sự là động lực, đòn bẩy trong thu hút đầu tư, nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, thuế, xây dựng, giao đất, cho thuê đất. Các TTHC đã được công bố công khai trên các website của UBND tỉnh và các sở, ngành để người dân và doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và thực hiện.
Cùng với đó, tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 trên địa bàn tỉnh, theo đó cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư 35-50% so với quy định của pháp luật; ban hành quy trình giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Việc thực hiện giải quyết các TTHC được triển khai theo hướng công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận lợi; duy trì triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến mức độ 4 liên thông từ tỉnh đến xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thực hiện.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tích cực tổ chức triển khai thực hiện xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận phục vụ hành chính công huyện Yên Bình.
Dự án nhà máy sản xuất thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe ở Khu công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái của Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái là 1 trong 5 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2023. Ông Đỗ Bảo Long - Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái đánh giá: "Dự án của chúng tôi sẽ được triển khai thành 2 giai đoạn. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ có công suất trên 98.000.000 sản phẩm/năm và giai đoạn 2 là trên 20.870.000 sản phẩm/năm. Khi bắt tay vào làm dự án này, Công ty đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hết sức nhiệt tình từ lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. Sự đồng hành và chỉ đạo kịp thời đó đã thúc đẩy dự án sớm triển khai một cách thuận lợi”.
Đối với các nhà đầu tư đã và đang nghiên cứu, khảo sát, chuẩn bị đầu tư, tỉnh luôn có sự hỗ trợ hoàn thiện các TTHC về đầu tư và các thủ tục pháp lý sau khi được cấp chủ trương đầu tư để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng...
Nhờ những giải pháp cụ thể, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, công tác cải cách TTHC của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, chỉ số hài lòng của người dân xếp thứ 11/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc so với năm 2021; chỉ số CCHC cấp tỉnh xếp thứ 14/63 tỉnh.
Cải cách TTHC thực chất, hiệu quả chính là cách để chính quyền có thể đồng hành, sát cánh với doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ thế, thời gian qua, tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn lớn, có uy tín như: Tập đoàn BB Group, Tổng công ty Viglacera, Flamingo Holding Group, Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản)... tổ chức nghiên cứu, khảo sát đầu tư vào một số lĩnh vực có lợi thế của tỉnh, như: khai khoáng; đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, dịch vụ du lịch...
Đến nay, tỉnh Yên Bái có 615 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 87.903,5 tỷ đồng và 482,9 triệu USD. Riêng trong nửa đầu nhiệm kỳ đã có 104 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư: 19.502,3 tỷ đồng.
Năm 2022 thu hút 37 dự án, tổng vốn đăng ký là 10.785,5 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 30 dự án; cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 173 doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ quyết liệt CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng. Đồng thời, tập trung triển khai các nền tảng chuyển đổi số, ưu tiên các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến... hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và thực sự hiệu quả, tạo đòn bẩy thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn.
Thanh Chi