Với phương châm "Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả hoạt động”, thời gian qua, đội ngũ cán bộ phục vụ hành chính công các cấp thường xuyên được nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, phục vụ tốt việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
"4 xin, 4 luôn” gồm: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ được quy định tại Quyết định 1847/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ được đội ngũ cán bộ nghiêm túc thực hiện, tạo được sự thay đổi lớn khi chính quyền coi sự hài lòng của người dân là thước đo.
Anh Hà Trung Kiên - người dân xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Khác hẳn cách giải quyết TTHC trước đây khi người dân phải đi "tìm” cán bộ xã thì nay chúng tôi được đón tiếp ngay tại trụ sở UBND xã. Đội ngũ cán bộ được bố trí thường xuyên, đủ 4 người phụ trách các lĩnh vực: lao động - thương binh và xã hội, tư pháp - hộ tịch, địa chính, văn phòng - thống kê. Bởi vậy, lần nào đến giải quyết TTHC cũng được đón tiếp, hướng dẫn với thái độ tận tình, chu đáo, thủ tục giải quyết nhanh gọn”. Chính quyền các cấp cũng đã có sự thay đổi tích cực trong việc xây dựng chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình cho biết: "Xã quán triệt, chỉ đạo cán bộ Bộ phận phục vụ hành chính công xã thực hiện nghiêm túc về thời gian, thái độ tiếp đón, giải quyết các TTHC cho nhân dân. Nếu có lý do đột xuất vắng mặt cần bố trí người trực thay, không để tình trạng công dân đến phải ra về. Tinh thần này cũng được áp dụng nghiêm túc với cả các đồng chí lãnh đạo xã. Lãnh đạo xã cũng thường xuyên tổ chức tiếp công dân, đối thoại với người dân để tiếp thu những thông tin phản ánh; đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy chế, quy định về sử dụng thời gian làm việc, việc phân công, tiến độ thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức xã, việc cập nhật niêm yết công khai các TTHC của từng lĩnh vực chuyên môn”.
Cùng với đó, tỉnh thường xuyên rà soát, chỉnh sửa một số chức năng của phần mềm Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức và người dân thao tác, xử lý hồ sơ như: gửi tin nhắn khi tiếp nhận, giải quyết các TTHC; mặc định ý kiến khi chuyển bước hồ sơ; xây dựng các báo cáo đặc thù của từng sở, ban, ngành; chức năng xin ý kiến đối với các TTHC liên thông; tra cứu tình trạng hồ sơ TTHC; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị...
Nhờ đó, từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/12/2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận vào hệ thống 528.006 hồ sơ (trong đó: tiếp nhận mới 522.584 hồ sơ, chuyển kỳ trước sang 5.422 hồ sơ). Hồ sơ đã giải quyết là 519.832, trong đó giải quyết đúng và trước hạn là 519.762 hồ sơ (đạt 99,98%), hồ sơ quá hạn là 71 (chiếm 0,02%); tỷ lệ người dân đánh giá hài lòng và rất hài lòng đạt 100%.
Việc thực hiện giải quyết các TTHC theo hướng công khai, minh bạch, nhanh, thuận lợi; duy trì triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến mức độ 4 liên thông từ tỉnh đến xã, ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp kỹ thuật để đưa các hoạt động cung cấp dịch vụ công chưa đủ điều kiện trực tuyến mức độ 4 lên môi trường mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thực hiện. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, theo dõi đánh giá quá trình thực hiện các TTHC của công dân theo định kỳ và thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục đúng thời gian.
Năm 2021, toàn tỉnh cũng đã triển khai việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo 9 chỉ số quy định tại Thông tư 01/2018/TT-VPCP, kết quả 100% các sở, ban, ngành; 9 huyện, thị xã, thành phố và 173 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đạt kết quả đánh giá xếp hạng từ loại tốt trở lên.
Hoài Anh