Thêm cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/11/2023 | 1:49:51 PM

YênBái - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có những phụ nữ người dân tộc thiểu số đã gặt hái được thành công trong sản xuất, kinh doanh nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức lớp tập huấn ứng dụng KHCN để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức lớp tập huấn ứng dụng KHCN để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Hợp tác xã (HTX) Nông sản hữu cơ Phúc Sơn (thị xã Nghĩa Lộ) sản xuất chủ yếu là gạo Séng cù hữu cơ. HTX ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất lúa trên diện tích sản xuất tập trung 1,5 ha. Hiện sản phẩm gạo Séng cù của HTX đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. 

Chị Lường Thị Thiết - Chủ nhiệm HTX cho biết: "Thành công đó một phần nhờ chúng tôi tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, sàn điện tử, hội chợ. Đến nay, có thể nói, HTX đã tạo dựng được thương hiệu, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng”. 

Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) do chị Lý Thị Ninh làm Tổ trưởng cũng đã thành công trong việc đưa sản phẩm thêu dệt thổ cẩm truyền thống vươn xa. Cùng với sự hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của Trung tâm Nghiên cứu, Liên kết và Phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link), chị Ninh cùng chị em mày mò giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, đưa sản phẩm đi tiêu thụ ở thị trường Thái Lan và Lào, mang lại việc làm và thu nhập cho chị em.

Không thể phủ nhận những tác động tích cực của KHCN tới sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, nhu cầu về ứng dụng KHCN trong sản xuất kinh, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa của các tổ, nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ luôn được đặt ra. 

HTX nghề chế tác Võng Lúa - Móng Ngựa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề (Mù Cang Chải) hoạt động chính là dịch vụ du lịch điểm và chế tác khèn Mông. 

Chị Triệu Mùi Pú - Chủ nhiệm HTX cho biết: "Võng Lúa - Móng Ngựa là 1 điểm check in ruộng bậc thang. Lượng khách đến đây hầu như là do giới thiệu của các hướng dẫn viên. Do vừa mới đi vào hoạt động và cũng do còn hạn chế về trình độ công nghệ nên HTX chưa có hoạt động giới thiệu, quảng bá nào về điểm check in này trên nền tảng số. Đó là việc chúng tôi cần sớm thực hiện”. 

Chị Giàng Thị Xá - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khao Mang (Mù Cang Chải) chia sẻ: "Trong xã hiện có 6 tổ hợp tác của chị em hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, trong xã hội hiện nay thì nhất thiết cần có sự hỗ trợ của KHCN trong sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm”.

Hội LHPN tỉnh mới đây đã tổ chức tập huấn ứng dụng KHCN để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc Dự án 8 cho cán bộ Hội cấp huyện, xã và đại diện mô hình tổ, nhóm sinh kế trên địa bàn thực hiện Dự án 8. 

Theo đó, cán bộ Hội và đại diện mô hình, tổ, nhóm sinh kế được hướng dẫn quy trình triển khai hoạt động hỗ trợ ứng dụng KHCN nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; hướng dẫn về hỗ trợ ứng dụng nền tảng, công nghệ số quảng bá, giới thiệu sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử và thanh toán điện tử; tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, kiến thức về quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa dịch vụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hướng dẫn kết nối phần mềm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa dịch vụ... 

Chị Lò Thị Hòa - thành viên HTX Nông sản hữu cơ Phúc Sơn (thị xã Nghĩa Lộ) nhận thấy: "Tham gia tập huấn, tôi càng hiểu rằng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa là vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ rằng đó là điều mà tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, HTX nên càng sớm thực hiện được càng tốt để nâng cao giá trị của sản phẩm mình sản xuất, kinh doanh”. 

Chị Triệu Mùi Pú - Chủ nhiệm Tổ hợp tác Nghề chế tác Võng Lúa - Móng Ngựa, bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, Mù Cang Chải cho biết: "Qua tập huấn, mình có thêm nhiều hiểu biết về công cụ quảng cáo với sự hỗ trợ của công nghệ số, nền tảng số để có thể áp dụng vào quảng bá cho HTX”. 

Chị Triệu Thị Thương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Lành (Văn Chấn) cho biết: "Nậm Lành có sản phẩm măng sặt rất ngon. Hiện đã xây dựng được Tổ hợp tác măng sặt thôn Giàng Cài. Sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP, tuy nhiên chưa xây dựng được thương hiệu riêng, giá bán còn bấp bênh. 

Với kiến thức được các chuyên gia hướng dẫn, nhất là về xây dựng thương hiệu, sử dụng công nghệ trong bảo quản sản phẩm, về các trang web hay sàn thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, Hội Phụ nữ xã đã có hình dung rõ nét những việc cần làm để hỗ trợ Tổ hợp tác phát triển sản phẩm măng sặt”. 

Chị Lò Thị Phấn - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thuận (Văn Chấn) cũng chia sẻ: "Tiếp thu kiến thức tập huấn, mình hiểu được những phần việc cơ bản mà Hội Phụ nữ xã cần thực hiện để hỗ trợ chị em trong phát triển kinh tế, như là  kết nối, tổ chức tập huấn và thuê chuyên gia hỗ trợ. Hội sẽ tuyên truyền để chị em đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các nhóm sản xuất, tổ hợp tác, HTX để phát triển các sản phẩm đang có như: măng khô, cam, bí xanh, hồng xiêm theo hướng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm với sự hỗ trợ của công nghệ số, nền tảng số”.

"Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” là một trong 4 nội dung của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030). Một trong 4 hoạt động chính của nội dung đó là hỗ trợ ứng dụng KHCN để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.      

Thu Hạnh

Tags Yên Bái kinh tế phụ nữ dân tộc thiểu số bình đẳng giới Dự án 8

Các tin khác
Từ 1/1/2024, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên.

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 21/2023/TT-BCT, quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia.

Người dân Văn Yên phơi quế.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 74.744 tấn quế, với 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và nhưng giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo Agribank Chi nhánh Yên Bái trao biểu trưng tủ sách thiết bị học tập cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên.

Là tỉnh miền núi lại nằm sâu trong nội địa, nhưng những năm gần đây, Yên Bái đã vận dụng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của mình đưa tỉnh phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Cán bộ chiến sỹ Công an huyện giúp nhân dân cuốc hố chuẩn bị trồng cây dẻ Trùng Khánh. (Nguồn: yenbai.gov.vn)

Xã Khao Mang có tổng diện tích tự nhiên 6.636 ha, 1.081 hộ với 5.715 khẩu chủ yếu là người Mông. Xác định đời sống người dân vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, do vậy, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo coi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục