Nhờ làm tốt công tác thu hút đầu tư trong năm 2023, huyện Yên Bình đã có 12 nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, lập dự án và đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư như: Dự án đầu tư khai thác đá hoa trắng của Công ty TNHH Một thành viên khai thác và chế biến khoáng sản Vũ Gia Yên Bái; Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa, lịch sử và tâm linh Huyền thoại Việt của Công ty cổ phần Tập đoàn PSD Group; Dự án nhà máy đá xẻ Marble và nghiền bột đá của Công ty cổ phần khoáng sản Yên Bái VPG; Dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em xuất khẩu của Công ty TNHH sản xuất Gold Dragon; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Hải Yến của Công ty TNHH Hải Yến CB; Dự án Nhà máy sản xuất hạt Taical của Công ty cổ phần Nhựa công nghệ cao; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch của Công ty TNHH đầu tư nước sạch Minh Anh Dự án sản xuất Quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị của Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam; Dự án sinh kế và dinh dưỡng của tổ chức Samaritan's Purse, Hoa Kỳ...
Đến nay, trên địa bàn huyện Yên Bình có 72 dự án đầu tư đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận, chấp thuận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 16.142 tỷ đồng và 17,3 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực nông lâm nghiệp thuỷ sản có 17 dự án với số vốn đăng ký là 4.289 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại, du lịch và các ngành kinh tế khác có 15 dự án với số vốn đăng ký 6.493 tỷ đồng và lĩnh vực công nghiệp xây dựng có 39 dự án với số vốn đăng ký 5.359 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (bên phải) cùng lãnh đạo huyện khảo sát tại xã Phúc An.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện cho biết, Yên Bình xác định việc đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư là yếu tố quan trọng trong thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương. Theo đó, Yên Bình đã tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm như: phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị; du lịch; các ngành có giá trị gia tăng cao và có tỷ trọng xuất khẩu lớn, các dự án hướng đến tiết kiệm năng lượng, bảo đảm môi trường và an ninh - quốc phòng.
Các tổ công tác do UBND huyện thành lập luôn đồng hành, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, xây dựng, chính sách hỗ trợ đầu tư, thuế, nghĩa vụ tài chính, hướng dẫn các nhà đầu tư trình tự thủ tục đầu tư theo quy định... Đây là yếu tố giúp địa phương nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết của tỉnh về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ kinh tế tập thể trên địa bàn; các quyết định các ngành nghề ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, năm 2023 đã có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện được nhận hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, góp phần củng cố niềm tin và động lực cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để sản xuất, mở rộng thị trường kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Trường khẳng định: "Phát huy có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của huyện, trong giai đoạn tới, Yên Bình sẽ tập trung chỉ đạo lấy công nghiệp - xây dựng làm nền tảng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế khác, tạo thêm nhiều việc làm mới, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển thương mại, dịch vụ hướng tới từng bước nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ; tập trung phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Lấy nông nghiệp để tạo sự phát triển bền vững trong nông thôn và xây dựng nông thôn mới”.
Để hoàn thành mục tiêu này, Yên Bình sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị tham gia tích cực trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, vận động các thành phần kinh tế khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về nhân lực, vốn, công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tiếp tục lãnh đạo và chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, trong đó, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Khu vực thị trấn Yên Bình và các xã Tân Hương, Đại Đồng, Phủ Thịnh, Thịnh Hưng sẽ tập trung thu hút phát triển các dự án cụm công nghiệp.
Từ đầu năm 2024, huyện đã xây dựng kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo thu hút đầu tư và thu ngân sách nhà nước năm 2024 - 2025; trong đó giao nhiệm vụ cụ thể, lộ trình thực hiện, tiến độ đến từng cơ quan, đơn vị chuyên môn, các xã, thị trấn thực hiện đảm bảo phù hợp điều kiện thực tiễn, cụ thể, rõ chỉ tiêu, rõ trách nhiệm, rõ phương pháp, rõ nguồn lực và rõ lộ trình, bảo đảm chắc chắn, khả thi. Huyện phấn đấu thu hút từ 8 đến 12 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, trong đó có tối thiểu 80% các dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện.
Yên Bình sẽ tập trung thu hút đầu tư theo 4 vùng không gian phát triển, gồm:
Vùng trung tâm (gồm thị trấn Yên Bình và 4 xã: Tân Hương, Đại Đồng, Phủ Thịnh, Thịnh Hưng) sẽ là vùng động lực phát triển của huyện, tập trung thu hút phát triển các dự án cụm công nghiệp, trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, điện năng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường tại xã Phú Thịnh, xã Thịnh Hưng; thu hút đầu tư phát triển kinh tế đô thị với hạt nhân và phát triển dịch vụ tổng hợp, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
Vùng Đông Nam hồ Thác Bà, giáp ranh với tỉnh Phú Thọ và tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung thu hút các dự án phát triển nông nghiệp hàng hóa, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, giá trị vùng bưởi Đại Minh, chè Hán Đà, gạo Bạch Hà, gà Linh Môn, cá hồ Thác Bà...; phát triển thêm một số vùng sản xuất hữu cơ, trồng rau, trồng hoa và phát triển một số dự án công nghiệp chế biến nông, thủy sản; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, trải nghiệm.
Vùng Đông Bắc hồ Thác Bà sẽ tập trung thu hút, phát triển mạnh sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng, phát triển cây gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC, trồng quế hữu cơ, tre măng Bát Độ, cây Đàn Hương, Khôi Nhung và các loại cây dược liệu.
Vùng Tây Bắc hồ Thác Bà tập trung thu hút phát triển lâm nghiệp, rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC và phát triển nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp, bán công nghiệp gắn với thu hút phát triển các dự án công nghiệp chế biến...
Hoài Văn