Yên Bình: Trồng rừng cần gắn với nâng cao chất lượng chế biến
- Cập nhật: Thứ năm, 24/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đất lâm nghiệp của huyện Yên Bình (Yên Bái) chiếm trên 51% diện tích đất tự nhiên và là thế mạnh phát triển kinh tế địa phương. Những năm gần đây, nhằm khai thác thế mạnh về lâm nghiệp, huyện đã hoàn thành việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng giao quyền làm chủ cho nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng, chú trọng trồng rừng gắn với tiêu thụ, chế biến lâm sản.
Chế biến gỗ rừng trồng tại doanh nghiệp Tuấn Hưng ở thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình). (Ảnh: S.N)
|
No ấm từ rừng
Với diện tích đất lâm nghiệp trên 39.439 ha, trong đó có trên 9.930 ha rừng tự nhiên và trên 29.913 ha rừng kinh tế, đây được coi là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để đưa trồng rừng thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã tạo ra nhiều cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân trồng rừng phát triển kinh tế: giao đất giao rừng cho người dân quản lý và sử dụng hiệu quả; khuyến khích, giúp đỡ người dân trồng rừng bằng việc khai thác nguồn vốn các chương trình, dự án trồng rừng, hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, phân bón; phối hợp với Trạm Khuyến nông tập huấn trồng rừng và chăm sóc vốn rừng cho nhân dân... Đến nay, phong trào trồng rừng của nhân dân đang được nhân rộng. Hàng năm, toàn huyện trồng mới khoảng trên 2.000- 3000 ha rừng. Riêng năm 2009, trồng mới 3.090 ha, trong đó nhân dân trồng 2.759 ha, còn lại là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Thu nhập từ rừng đã làm thay đổi cuộc sống của người dân, nhiều hộ khó khăn đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Những xã như: Xuân Long, Tân Nguyên, Ngọc Chấn… trước đây người dân chỉ biết phá rừng làm nương rẫy, thì đến nay rừng đang dần được phủ kín. Nghề rừng đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều xã. Xã Đại Đồng là một ví dụ, toàn xã có gần 800 hộ dân thì có khoảng hơn 500 hộ có đất trồng rừng kinh tế. Hộ ít cũng có gần ha, hộ nhiều có chục đến vài chục ha. Nhờ hiệu quả từ trồng rừng, nhiều hộ đã vươn lên giàu có. Mỗi năm xã khai thác khoảng 4.000 - 5.000m3 gỗ. Với sản lượng như hiện nay, một ha keo cũng cho 60 - 80m3 với giá thành từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng/m3 thì 1 ha rừng trồng cũng cho từ 30 đến 40 triệu đồng, hàng năm từ khai thác gỗ rừng trồng, Đại Đồng đã thu về vài tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết: “Từ năm 2000 trở lại đây, nhận thấy hiệu quả từ kinh tế rừng, nhân dân đã tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng. Hàng năm, huyện chỉ giao kế hoạch cho từng xã mà không còn phải vận động như trước nữa. Rừng không chỉ mang lại màu xanh bình yên mà rừng còn làm cho cuộc sống của người dân thêm no ấm”.
Trồng rừng cần gắn với nâng cao năng lực, chất lượng chế biến
Hàng năm, Yên Bình khai thác trên 80.000 m3 gỗ các loại, 3.500 tấn tre, nứa, vầu, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ và tre, nứa. Trong những năm gần đây, để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân, huyện đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư công nghệ chế biến trên địa bàn, đặc biệt là chế biến sâu. Đến nay, toàn huyện có gần 40 doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia chế biến từ nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng. Sản phẩm chủ yếu là giấy vàng mã, ván ép, ván bóc, bao bì, đũa xuất khẩu…
Các cơ sở chế biến không những góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm gỗ rừng trồng mà còn góp phần tạo việc làm cho địa phương. Tuy nhiên, thực tế chỉ có một số các cơ sở chế biến có quy mô thuộc hàng trung bình, còn lại đại đa số là quy mô hộ gia đình chế biến thô, quy mô còn nhỏ lẻ, giá trị đầu tư thấp, tính cạnh tranh không cao.
Việc đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, đa dạng sản phẩm, chất lượng cao còn ít. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến của các cơ sở còn lạc hậu, gây lãng phí nguyên liệu và hiệu quả chưa cao. Nhiều cơ sở chế biến mang tính tự phát, chưa xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh cụ thể; năng lực tài chính thấp… Hiện nay, các cơ sở chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu chỉ đạt gần 20%, còn chủ yếu nguyên liệu được bán cho các địa phương khác. Cũng cần phải nói thêm rằng, các cơ sở chế biến lớn hiện nay chủ yếu tập trung ở thị trấn Yên Bình, xã Phú Thịnh nên dẫn đến các xã xa trung tâm còn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Để kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững, trong thời gian tới, Yên Bình sẽ rà soát, đánh giá các hoạt động của các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh để, góp phần tăng thu nhập cho người trồng rừng; khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, hạn chế tiêu thụ nguyên liệu thô, phát triển chế biến sâu như: ván ép, ván dăm, ván ghép thanh chất lượng cao phục vụ trong nước và xuất khẩu; phát triển ổn định các doanh nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất kinh doanh lâm sản hiện có trên địa bàn; gắn vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích và tạo vùng sản xuất tập trung vào vùng nguyên liệu cây gỗ lớn phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu; khuyến khích liên doanh liên kết trong trồng rừng và tiêu thụ sản phẩm; làm tốt công tác dự báo thị trường, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ lâm sản, đa dạng hoá sản phẩm, đổi mới công nghệ chế biến gỗ.
Văn Thông
Các tin khác
Mục tiêu này được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ngày 23/12. Như vậy, con số trên thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng năm 2009.
YBĐT - Với vai trò là nơi trao đổi hàng hóa và đáp ứng nhu cầu về phục vụ hàng thiết yếu cho người tiêu dùng, các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang trở thành hệ thống quan trọng, không thể thiếu trong quá trình lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, để thực sự phát huy được hiệu quả thì chợ nông thôn cần phải được quy hoạch và quản lý một cách hợp lý.
YBĐT - Đầu năm 2003, Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái (YPHARCO) được cổ phần hoá với số vốn điều lệ 4 tỷ đồng. Sau sắp xếp, Công ty có 170 lao động trở thành cổ đông. Mặc dù thời gian thực hiện nhiệm vụ kinh doanh và sản xuất thuốc chữa bệnh chưa được bao lâu song thương hiệu của Công ty ngày càng được khẳng định. Hiện Công ty đang có số vốn điều lệ trên 16 tỷ đồng.
Các bộ trưởng EU hôm qua đã quyết định tiếp tục gia hạn thuế chống bán phá giá đối với giày nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc thêm 15 tháng nữa. Quyết định có hiệu lực từ ngày 3-1-2010 với mức thuế 10% cho giày da từ VN và 16,5% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.