Nhờ đó, đến hết năm 2023, Yên Bái đã có một số vùng đặc sản chuyên canh quy mô lớn, tiêu biểu như vùng cây dược liệu gần 4.100 ha, sản lượng gần 10.000 tấn; vùng sơn tra 9.300 ha; vùng chè Shan hữu cơ đạt 1.200 ha, sản lượng đạt 2.000 tấn; vùng bưởi Đại Minh đạt 1.000 ha, sản lượng đạt 15.000 tấn; vịt bầu Lâm Thượng đạt 131.000 con, gà đen vùng cao đạt 158.000 con…
Khi quy mô được mở rộng, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, thay đổi tư duy, nhận thức của người dân chuyển từ quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, lẻ sang liên kết chuỗi, tập trung ổn định về sản lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường và người tiêu dùng.
Sau khi hình thành và mở rộng được vùng sản xuất đặc sản hàng hoá, các địa phương trên địa bàn Yên Bái tiếp tục định hướng, vận động sự tham gia vào cuộc của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, nhà đầu tư để vừa tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, vừa tổ chức thu mua, vừa xây dựng các cơ sở chế biến.
Có thể kể đến xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên đã liên kết hình thành HTX Dịch vụ chăn nuôi Lâm Thượng nhằm phát triển chăn nuôi giống vịt bầu đặc sản theo hướng trang trại, ứng dụng khoa học, kỹ thuật cũng như cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cho người dân; vùng bưởi đặc sản Đại Minh ở huyện Yên Bình đã thành lập 12 HTX, doanh nghiệp kinh doanh bưởi theo mô hình liết kết theo chuỗi giá trị…
Anh Nguyễn Trường Giang - Giám đốc HTX đặc sản
bưởi Đại Minh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình cho biết: "Các hộ trồng bưởi tham gia liên kết với HTX không chỉ được hướng dẫn, chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học theo hướng VietGAP, hữu cơ, được cung ứng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học mà còn được bao tiêu sản phẩm ổn định. Chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra, phân loại từng trái theo mẫu mã, độ đường, cân nặng để phân loại thành từng loại, đánh dấu A, B, C và dán nhãn để xuất bán cho các siêu thị, thương lái. Năm 2023, HTX đã tiêu thụ và xuất bán ra khoảng 300 tấn bưởi cho các hộ liên kết đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước”.
Không chỉ nâng cao chất lượng, bao tiêu ổn định, sự vào cuộc của các HTX còn giúp sản phẩm bưởi Đại Minh được chào bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các hội chợ, triển lãm, từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số vùng đặc sản trên địa bàn tỉnh đã thu hút được sự tham gia của hoạt động chế biến, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc sản.
Sản phẩm từ quả sơn tra là một ví dụ điển hình. Bởi cái vị chua, chát vốn có mà sơn tra tươi không phải loại quả được lòng người tiêu dùng. Kể từ khi có các đơn vị chế biến là Công ty cổ phần Sản xuất thực phẩm và Đông dược Thế Gia, HTX Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương, Công ty TNHH TN… vào cuộc, đã tạo ra đa dạng sản phẩm, được giới thiệu, quảng bá ngày càng rộng rãi trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Chị
Đoàn Thị Lương - Giám đốc HTX Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương ở thành phố Yên Bái chia sẻ: "Hàng năm, HTX chúng tôi tiêu thụ khoảng trên 100 tấn quả sơn tra (táo mèo) tươi cho người dân để chế biến thành các sản phẩm: mứt, ô mai, rượu, giấm. Sản phẩm làm ra ngon hơn, bảo quản được lâu, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Riêng dịp Tết Giáp Thìn vừa qua, chúng tôi đã cung cấp ra thị trường 5.000 hộp mứt, ô mai, 1.000 chai rượu chế biến từ quả táo mèo. Đa số khách hàng đều rất hài lòng và hứng thú với sản phẩm chế biến từ thứ quả có vị chua chát này”.
Có thể thấy, khi hình thành được mối liên kết cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào chuỗi liên kết, tiêu thụ và chế biến sản phẩm đặc sản sẽ giúp nông dân có thu nhập ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, khẳng định uy tín, thương hiệu của đặc sản mang tên các địa danh của Yên Bái. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để các đặc sản của Yên Bái thực sự phát triển.
Hoài Anh