Hán Đà phục hồi sản xuất sau lũ

Với tinh thần nước rút tới đâu, khắc phục hậu quả tới đó, sau khi hoàn lưu cơn bão số 3 qua đi, xã Hán Đà (Yên Bình) đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các thôn bị ngập úng vận động nông dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất, khơi thông hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước phục vụ sản xuất.
Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua khiến gia đình ông Nguyễn Văn Tân, thôn Hán Đà 2 bị thiệt hại nặng nề. Toàn bộ diện tích lúa gần 5 sào và 4 sào bưởi đều bị ngập úng hoàn toàn và mất trắng. Sau khi nước rút, ngày ngày hai vợ chồng ông Tân miệt mài ngoài ruộng để đào rãnh thoát nước, thu dọn cây khô, cỏ rác để gieo trồng cây vụ đông. 
Ngừng tay chăm sóc luống rau mới trồng, ông Tân chia sẻ: "Sau khi xã cấp ngô giống và rau màu, tôi đã ngâm ủ và gieo trồng ngay. Đến nay, cây ngô đã trồng dược gần 2 tháng đang trổ cờ và chỉ 1 tháng nữa là có thể thu hoạch. Phần diện tích thiếu nước, tôi trồng rau màu để có thêm thu nhập bù lại thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua. Còn đối với diện tích bưởi, tôi vun gốc và chăm bón vì đợt ngập úng vừa rồi quả rụng hết. Cũng may, chỉ lác đác vài cây bị chết vì thối rễ. Tôi tin rằng, thành quả lao động sẽ xứng đáng với công sức của chúng tôi”. 
Ngừng tay chăm sóc ruộng ngô, bà Nguyễn Thị Bích thôn Hán Đà 2 cho biết: "Nước lên quá nhanh, thời gian ngập úng cũng mất gần 4 ngày nên 2 sào ngô của gia đình tôi đều mất trắng. Cũng may, chỉ ngập úng, không bị phù sa bồi lấp nên khi nước rút, xã cấp giống là tôi vệ sinh đồng ruộng và tra ngô giống luôn. Chỉ 1 tháng nữa là ngô được thu hoạch, có thể bù lại diện tích ngô bị mất do ngập úng vừa qua”. 
Thôn Hán Đà 2 bị thiệt hại nhiều nhất do mưa lũ. Theo báo cáo, cả thôn có trên 16 ha lúa thì diện tích bị ngập úng không có khả năng phục hồi là 12 ha, với 81 hộ bị thiệt hại; gần 2 ha ngô với 30 hộ bị thiệt hại và ngập úng trên 9 ha cây ăn quả. Sau khi nước rút, thôn tiến hành thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại báo cáo UBND xã để đề xuất với tỉnh, huyện phương án hỗ trợ phục hồi sản xuất. 
Ông Nguyễn Văn Dậu - Trưởng thôn Hán Đà 2 cho biết: "Sau khi nước rút, thôn vận động nông dân nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng. Khi xã tiến hành phát giống ngô, rau màu, phân bón, chúng tôi đã vận động bà con khẩn trương bắt tay ngay vào sản xuất để bảo đảm ổn định đời sống, lương thực. Đến nay, hầu hết những diện tích lúa bị ngập úng đã được bà con trồng lại bằng cây ngô đông. Những diện tích thiếu nước được bà con sản xuất rau màu các loại. Cơ bản cuộc sống của bà con trong thôn đã ổn định trở lại”. 
Theo báo cáo của UBND xã Hán Đà, ảnh hưởng của mưa lũ do hoàn lưu cơn bão số 3 đã làm trên 31 ha lúa của 260 hộ, trên 4 ha ngô của 72 hộ, trên 19 ha cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm tại 5 thôn: Hán Đà 1, Hán Đà 2, Tân Lập, Tiên Phong, Phúc Hòa bị thiệt hại trên 70% và không có khả năng khôi phục. 
Căn cứ trên Hướng dẫn số 07/HD-UBND ngày 21/10/2024 của UBND tỉnh hướng dẫn một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 77/2024/NQ-HĐND ngày 30/9/2024 của HĐND tỉnh quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản suất nông nghiệp do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh, UBND xã đã có tờ trình đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân để nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp. 
Trên cơ sở phân bổ kinh phí, giống, phân bón, xã được cấp phát 11 tấn phân bón tổng hợp, 200 kg giống ngô tẻ, 60 kg giống ngô nếp, 30 kg rau màu các loại. Đồng thời, theo quy định, mỗi héc - ta lúa bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 10 triệu đồng; 1 ha ngô và rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 7 triệu đồng; 1 ha cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 4 triệu đồng. 
Ông Nguyễn Minh Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho biết: "Nhằm giúp nông dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, khôi phục sản xuất, chính quyền xã đã thành lập các tổ công tác đến từng thôn, cánh đồng để tuyên truyền, hướng dẫn, cùng nhân dân tập trung cải tạo đất, gieo trồng cây vụ đông. Giống ngô, rau màu, phân bón được cấp phát, UBND xã đã phân bổ trực tiếp đến tận tay nông dân bảo đảm đúng người, đúng đối tượng để bà con bắt tay ngay vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, những diện tích lúa, ngô bị ngập úng không có khả năng khôi phục đã được bà con trồng xong bằng ngô đông và rau màu các loại, bảo đảm thời gian, kế hoạch để sản xuất vụ đông xuân tới”.
Với tinh thần chủ động, quyết tâm và những giải pháp kịp thời, quyết liệt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Hán Đà đang hồi phục. Màu xanh đã trở lại trên những cánh đồng, mang theo niềm tin, hy vọng về một vụ đông thắng lợi cho nông dân vùng bị ảnh hưởng  mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra.
Thanh Tân

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội điều chỉnh giao thông ban đêm trên cầu Nhật Tân

Hà Nội điều chỉnh giao thông ban đêm trên cầu Nhật Tân

Từ ngày 25/7 đến 18/8, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch thi công các hạng mục giao thông trên cầu Nhật Tân và tuyến đường dẫn, bao gồm lắp đặt giá long môn và hàng rào phân làn phương tiện. Việc này sẽ kéo theo nhiều điều chỉnh trong tổ chức giao thông, đặc biệt vào ban đêm.

Triển vọng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Trấn Yên

Triển vọng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Trấn Yên

Xã Trấn Yên có diện tích trồng dâu tằm lớn nhất tỉnh Lào Cai với gần 700 ha, sản lượng kén tằm mỗi năm đạt 1.180 tấn. Để phát triển nghề trồng dâu và chế biến tơ tằm bền vững, địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó áp dụng khoa học - kỹ thuật và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là những yếu tố then chốt gia tăng giá trị kinh tế.

Cá lúa cộng sinh, nhân đôi giá trị

Lào Cai: Cá lúa cộng sinh, nhân đôi giá trị

Sau khi cấy vụ lúa mùa cũng là lúc người dân các xã vùng cao: Mù Cang Chải, Lao Chải, Khao Mang, Nậm Có… thả thêm lứa cá chép bản địa để cá lúa cộng sinh, cùng nhau sinh trưởng và phát triển. Đây là tri thức canh tác truyền thống được đồng bào Mông nơi đây duy trì từ nhiều đời nay.

Mã định danh thay mã số thuế: Bước ngoặt số hóa trong quản lý thuế cá nhân

Mã định danh thay mã số thuế: Bước ngoặt số hóa trong quản lý thuế cá nhân

Từ ngày 1/7/2025, ngành Thuế đã sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế trong toàn hệ thống. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) để làm rõ những tác động tích cực của chính sách này đối với công tác quản lý thuế và hoạt động của người dân, doanh nghiệp...

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các tỉnh miền trung và Tây Bắc bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các tỉnh miền trung và Tây Bắc bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ, Sở Xây dựng các tỉnh miền trung và Tây Bắc khẩn trương khắc phục sạt lở, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, đặc biệt tại tỉnh Nghệ An – khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão số 3.

BẢO NHAI - VÙNG ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG

BẢO NHAI - VÙNG ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG

XÃ BẢO NHAI MỚI ĐƯỢC SÁP NHẬP BỞI 3 XÃ CỐC LY, NẬM ĐÉT, BẢO NHAI, MỞ RA KHÔNG GIAN VÀ HỘI TỤ CƠ BẢN CÁC YẾU TỐ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI. NGAY SAU KHI SÁP NHẬP, CẤP ỦY VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ ĐỀ RA CÁC GIẢI PHÁP NHẰM KHAI THÁC TỐT TIỀM NĂNG, LỢI THẾ SẴN CÓ CỦA ĐỊA PHƯƠNG.

fb yt zl tw