Sáng 12/9, trời đã hửng nắng, anh Vương Thành Lập, thôn Tiên Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái đã tất bật chạy ra cánh đồng trước nhà để kiểm tra. Trước mắt người nông dân này là cảnh tượng hoang tàn, xót xa. Hơn 8 sào lúa đang trổ bông, 3 sào ngô đang ngậm sữa của gia đình và toàn bộ cánh đồng của thôn đã vùi lấp trong bùn, nước.
Dựng những thân lúa ngập trong bùn, nước, anh Lập chua xót: "Năm nay lúa tốt bời bời, thế mà mưa lũ ngập thành ra thế nay. Toàn bộ diện tích lúa, ngô coi như mất trắng không thể khôi phục được, phù sa bồi đắp đến đầu gối, giờ phải chờ nước rút khô đất mới tính tiếp các bước khắc phục”.
Thiệt hại lớn hơn cả ở thôn này là gia đình lão nông Nguyễn Sỹ Bình khi toàn bộ các cây trồng gồm xoan, mít, tranh, mía và hoa màu trên diện tích hơn 2 ha đất bồi dọc bờ sông của gia đình bị cuốn theo dòng nước.
Mặc dù thiệt hại rất nặng nề nhưng ông Bình vẫn rất lạc quan: "Còn người, còn đất thì còn của, phù sa vùi lấp thì trồng ngô đông. Đợi nước rút, chúng tôi sẽ nhanh chóng dọn dẹp tàn dư của bão lũ, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị trồng ngô đông và các loại cây ngắn ngày như: bắp cải, xu hào để bù đắp lại một phần thiệt hại. Rất mong các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ giống, phân bón chất lượng để nông dân chúng tôi nhanh chóng khôi phục sản xuất, đặc biệt là sản xuất vụ đông cho kịp thời vụ”.
Theo thống kê, cơn bão số 3 xảy ra đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp của tỉnh. Nhiều địa phương rơi vào cảnh ngập úng, gẫy đổ, xói mòn trên các thửa ruộng, bờ ao sau mưa bão. Tính đến 6h sáng 13/9, toàn tỉnh đã thiệt hại, ảnh hưởng 5.393 ha cây trồng, trong đó: lúa 3.358 ha; ngô, rau màu 1.020 ha, cây công nghiệp (cây dâu) 871 ha; cây lâm nghiệp 138,9 ha. Chết trên 122.602 con gia cầm, 426 gia súc. Diện tích nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua và vỡ bờ là 335,78 ha và nhiều thiệt hại khác.
Cùng đó, toàn tỉnh có 179 công trình thủy lợi và 16 công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng, thiệt hại. Mưa lũ làm tràn các tuyến đê trên địa bàn huyện Trấn Yên như Cát Vân, Đê ông Lộc, đê ông Thành thị trấn Cổ Phúc; đê Liên Hiệp xã Minh Quân; đê Hồng Thái xã Nga Quán (70m); đê Phú Thọ xã Việt Thành (60m); tràn các đê: Cầu Đất thị trấn Cổ Phúc; Lan Đình xã Việt Thành.
Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời bổ sung các phương án chỉ đạo khắc phục hậu quả sau mưa lũ và khôi phục sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Điển cho biết: "Sở đã thành lập 8 đoàn công tác, phối hợp các địa phương rà soát, thống kê thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp, các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn; hướng dẫn các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp; phục hồi các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn bị hư hỏng đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật; tham mưu, đề xuất phương án khắc phục và hỗ trợ kịp thời đối với các diện tích sản xuất, chăn nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại”.
Bên cạnh đó, chủ động khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, các chi cục trực thuộc Sở cũng ra các văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố và yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão.
Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, tập trung chỉ đạo nông dân huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu… để bơm cưỡng bức kết hợp với khơi thông dòng chảy; kiểm tra các bờ kênh, mương đảm bảo tiêu nước nhanh, gọn, tránh ngập úng lâu ngày. Với những diện tích lúa đã chín, cần huy động mọi lực lượng khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn với phương châm "xanh nhà hơn già đồng”.
Với những diện tích lúa đang giai đoạn trỗ bông bị đổ ngã do mưa bão, cần huy động bà con xuống đồng, bó dựng lúa lên, cột thành khóm tạo điều kiện cho cây lúa tiếp tục sinh trưởng và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại; nhanh chóng thu hoạch các diện tích cây màu đã đến thời kỳ thu hoạch…
Cùng với đó, trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan sau đợt mưa lũ này, ông Ninh Kiều Phương - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đề nghị các địa phương cần tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường.
Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường; chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi.
Rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định, đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị lũ lụt; tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh…; đồng thời tham mưu phương án hỗ trợ con giống, hóa chất xử lý môi trường, tiêu hủy động vật chết, thuốc và vắc xin phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi”.
Những thiệt hại do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là hết sức nặng nề, song với chỉ đạo sâu sát của ngành cùng với quyết tâm của địa phương và bà con nông dân, tin rằng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được phục hồi, nguy cơ thiếu giống, thiếu lương thực sẽ được đẩy lùi.
Văn Thông