Yên Bái tăng tốc tái đàn sau tết

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/2/2025 | 8:43:26 AM

YênBái - Sau mỗi dịp tết Nguyên đán, số lượng đàn gia súc, gia cầm tại Yên Bái sụt giảm đáng kể do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Để bảo đảm nguồn cung và khôi phục sản xuất chăn nuôi, việc tái đàn cần được triển khai đồng bộ, bảo đảm an toàn dịch bệnh và hiệu quả kinh tế. Phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về những giải pháp cụ thể giúp ngành chăn nuôi phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững.

Nhờ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 69, nhiều hộ dân ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho thu nhập cao. Ảnh: Văn Tuấn
Nhờ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 69, nhiều hộ dân ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho thu nhập cao. Ảnh: Văn Tuấn


PV: Thưa ông, sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình chăn nuôi tại Yên Bái có những thay đổi gì đáng chú ý?

Ông Ninh Trần Phương: Trong tháng tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, số lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng và giết mổ rất lớn. Cụ thể, khoảng 70.000 con gia súc và gần 1 triệu con gia cầm đã được tiêu thụ, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể của tổng đàn. Điều này đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đẩy nhanh quá trình tái đàn để ổn định sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhìn chung, tình hình tái đàn hiện nay khá thuận lợi nhờ dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, giá lợn hơi đang tăng cao, bảo đảm người chăn nuôi có lãi. 

Tuy nhiên, việc tái đàn năm nay gặp một số thách thức, đặc biệt là dự báo thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đến hết tháng 3 sẽ gây bất lợi cho chăn nuôi đại gia súc. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, trong khi thị trường tiêu thụ có thể biến động, đòi hỏi các hộ chăn nuôi phải tính toán kỹ lưỡng. Vì vậy, công tác tái đàn không thể thực hiện một cách ồ ạt mà cần có sự tính toán phù hợp với điều kiện thực tế đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, lựa chọn con giống chất lượng và bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn.


Ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. 

PV: Trước những thách thức đó, ngành chăn nuôi có những định hướng như thế nào để hỗ trợ người dân tái đàn hiệu quả?

Ông Ninh Trần Phương: Trước hết, chúng tôi khuyến khích người chăn nuôi tái đàn có kiểm soát, không tái đàn ồ ạt để tránh nguy cơ dịch bệnh. Việc lựa chọn con giống phải chặt chẽ, chỉ nhập từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm phòng đầy đủ. Các biện pháp an toàn sinh học cũng được triển khai nghiêm ngặt, từ khâu vệ sinh chuồng trại, kiểm dịch đến quy trình chăm sóc. Đặc biệt, chúng tôi tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tuần hoàn và an toàn sinh học để tối ưu chi phí và giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, ngành chăn nuôi tỉnh đang phối hợp với các doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Đối với chăn nuôi trâu, bò, người dân cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống đói, rét bằng cách bổ sung thức ăn tinh, che chắn chuồng trại và tuyệt đối không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống thấp. Khi nhập con giống mới, phải chọn những con khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin quan trọng như tụ huyết trùng, lở mồm long móng. 

Với chăn nuôi lợn, các hộ đã xuất chuồng toàn bộ cần tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, để trống chuồng ít nhất 1 - 2 tuần trước khi nhập lợn giống mới. Hộ nuôi kế tiếp cần duy trì vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ và lựa chọn con giống khỏe mạnh từ các cơ sở uy tín. Đối với gia cầm, người chăn nuôi cần chọn giống gà phù hợp với điều kiện địa phương, bảo đảm tiêm phòng các loại vắc xin quan trọng như Newcastle, cúm gia cầm; định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và không nuôi lẫn gia cầm với các loại vật nuôi khác để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Nhìn chung, công tác tái đàn phải được thực hiện từng bước, có kiểm soát, vừa bảo đảm sản xuất ổn định vừa hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh.

PV: Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong năm nay, ngành sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Ninh Trần Phương: Năm 2025, ngành chăn nuôi Yên Bái đặt mục tiêu tổng đàn gia súc chính đạt 950.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 83.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, ngành sẽ tập trung vào một số giải pháp chính như kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm nguồn con giống chất lượng, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, việc tiêm phòng vắc xin định kỳ và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn là ưu tiên hàng đầu. 

Bên cạnh đó, ngành tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ vùng có dịch; đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại nhằm giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Ngoài ra, ngành khuyến khích người chăn nuôi sử dụng nguyên liệu đầu vào hợp lý, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để giảm chi phí sản xuất. 

Các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cũng đang được thúc đẩy để giúp giảm bớt áp lực chi phí. Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng đầu ra, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi, kết nối các hộ chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ, từ đó tạo sự ổn định và bền vững cho ngành chăn nuôi trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Thông (thực hiện)

Tags Yên Bái chăn nuôi thú y đàn gia súc động vật

Các tin khác
Đầu tư công góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 16/CĐ-TTg đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

NHNN cung cấp thông tin về người có liên quan của thành viên HĐQT, BKS, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, người có liên quan của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng.

Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu năm 2025

Năm 2025, huyện Lục Yên được giao thu ngân sách 350 tỷ đồng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đến ngày 16/2, toàn huyện đã thu ngân sách đạt trên 48 tỷ đồng, bằng 13,7% dự toán tỉnh giao. Trong đó, thu cân đối 37,4 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch; thu tiền sử dụng đất 10,7 tỷ đồng, bằng 10,7% kế hoạch.

Tuyết Sơn Trà là sản phẩm OCOP 4 sao nổi tiếng của huyện Văn Chấn.

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP và mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, thời gian qua huyện Văn Chấn tiếp tục quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung, động viên nhân dân, các doanh nghiệp phát huy tiềm năng thế mạnh để xây dựng các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục