Chăn nuôi không chỉ là kế sinh nhai mà là trụ cột kinh tế của hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các xã vùng cao, vùng khó khăn. Theo dự ước 5 tháng đầu năm 2025, tổng đàn gia súc chính của toàn tỉnh ước đạt 893.960 con (đàn trâu 100.540 con, bò 43.900 con, lợn 749.520 con) và tổng đàn gia cầm ước đạt 7.794.650 con.
Với quy mô đàn tương đối lớn, trong khi điều kiện chăn nuôi ở nhiều địa phương vẫn theo hình thức nhỏ lẻ, truyền thống, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu, đặc biệt thời tiết trời nắng nóng xen kẽ mưa rào, độ ẩm cao, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch như hiện nay. Dịch tả lợn châu Phi một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo khi vừa tái bùng phát tại xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu và trước đó là xã Tân Hợp, huyện Văn Yên.
Cụ thể, từ trung tuần tháng 2 đến giữa tháng 5, dịch đã xảy ra tại 14 hộ dân thuộc 3 thôn của hai xã nói trên, khiến tổng cộng 54 con lợn nhiễm bệnh. Trong đó, 34 con buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 1.320 kg. Mỗi con lợn bị tiêu hủy không chỉ là mất mát vật chất mà còn kéo theo bao hy vọng của người dân về một nguồn thu lớn từ chăn nuôi, nhất là nhiều hộ dân sống chủ yếu vào chăn nuôi lợn, gà.
Ngay khi phát hiện dịch, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng vào cuộc. Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã tới xã Pá Lau kiểm tra, khoanh vùng và hướng dẫn xử lý dịch theo đúng quy trình. Văn bản chỉ đạo được ban hành khẩn cấp, yêu cầu các địa phương kích hoạt các phương án phòng chống dịch, tăng cường giám sát cộng đồng, thực hiện nghiêm việc tiêu độc khử trùng tại các khu vực có nguy cơ cao; đồng thời, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân dịch bệnh.
Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu đã phối hợp với UBND xã Pá Lau rà soát, thống kê các hộ có lợn ốm hoặc chết không rõ nguyên nhân; tổ chức tiêu hủy lợn chết theo đúng quy định và hướng dẫn người dân điều trị lợn bị bệnh. UBND xã Pá Lau cũng hỗ trợ thuốc sát trùng để người dân phun tiêu độc tại khu vực chăn nuôi và ổ dịch; chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát người dân không bán chạy hoặc giết mổ lợn ốm, chết chưa rõ nguyên nhân.
Song song với các biện pháp xử lý dịch, công tác tiêm phòng vắc xin được xem là "tường thành” để bảo vệ đàn vật nuôi khỏi các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã triển khai tiêm trên 208.000 liều vắc - xin cho gia súc, gia cầm, tập trung vào các loại bệnh phổ biến như: dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn, lở mồm long móng và dại, góp phần chủ động ngăn ngừa dịch bệnh từ gốc. Công tác tiêu độc khử trùng cũng được triển khai đồng loạt. Hơn 6.800 lít thuốc sát trùng đã được cấp phát, phun rộng trên diện tích 11,5 triệu mét vuông chuồng trại, đường làng, bãi chăn thả.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn vẫn đối mặt với không ít thách thức. Do có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ chưa chủ động phòng bệnh; nhân viên thú y xã ở một số địa phương thiếu chuyên môn. Trong khi đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn rất cao, đặc biệt khi dịch tả lợn châu Phi mới phát sinh ổ dịch tại xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu. Đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ ở vùng cao với phần lớn đàn lợn chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh khiến việc kiểm soát dịch trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ông Ninh Trần Phương - Phó Trưởng phòng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết: "Hiện, ngành chức năng đang tập trung đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là tại huyện Trạm Tấu. Các biện pháp như giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời và chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó khi có dịch phát sinh đang được triển khai đồng bộ. Cùng với đó, các trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp cấp huyện được yêu cầu đẩy mạnh tiêm phòng đợt I năm 2025, nhất là vắc xin phòng lở mồm long móng cho trâu, bò; rà soát, tổng hợp kết quả phun tiêu độc khử trùng và đảm bảo nguồn vắc xin cho đợt II. Song song với chuyên môn kỹ thuật, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ, tác hại và giải pháp phòng dịch, đặc biệt là tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi cũng đang được triển khai tích cực ở các địa phương”.
Đối với nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao, đàn gia súc, gia cầm là tài sản, nguồn vốn tích lũy được xem như "ngân hàng sống” của cả gia đình. Vì vậy, phòng, chống dịch bệnh không chỉ là nhiệm vụ của ngành chuyên môn mà cần sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền cơ sở và đặc biệt là trong tư duy, hành động của người dân. Chỉ khi mỗi hộ chăn nuôi chú trọng việc tiêm vắc-xin, sát trùng chuồng trại và chủ động báo tin sớm khi vật nuôi có dấu hiệu bất thường thì chúng ta mới có thể xây dựng một nền chăn nuôi an toàn, bền vững, góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo một cách thực chất, lâu dài.
Văn Thông