Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ tỉnh tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề của tỉnh, tập trung vào đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, đào tạo nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu của hội viên, phụ nữ cơ sở và đặc thù giới, góp phần bảo đảm quyền được học nghề và có việc làm của phụ nữ trong Luật Bình đẳng giới.
Qua đó, Trung tâm góp phần tăng tỷ lệ lao động nữ của tỉnh được đào tạo nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của lao động nữ, nhằm tạo cơ hội để phụ nữ có thể tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, đồng thời góp phần quan trọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác đào tạo nghề luôn gắn với tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, giúp học viên có việc làm và thu nhập ổn định bền vững.
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Hàng năm, Trung tâm đã phối hợp với hội phụ nữ các huyện, thị tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, đặc biệt chú ý đến đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, tham gia đặt hàng đào tạo nghề với phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Trong 5 năm qua (2018 - 2022), Trung tâm đã trực tiếp thực hiện 135 lớp đào tạo nghề và cấp chứng chỉ nghề cho 4.029 người, tập trung đào tạo các nghề mang đặc thù giới”.
Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, cũng trong giai đoạn 2018 - 2022, Trung tâm đã tổ chức 9 lớp khởi sự kinh doanh cho 270 hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp tại các huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên; phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội LHPN các cấp về hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề và 1 diễn đàn nói chuyện chuyên đề về cơ hội học nghề, có việc làm cho lao động trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.
Ngoài ra còn phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam) tổ chức 3 lớp tập huấn cho 127 hội viên phụ nữ, nữ chủ doanh nghiệp kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng marketting và bán hàng hiệu quả.
Trung tâm cũng phối hợp tổ chức các sự kiện Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Yên Bái hàng năm, các gian hàng kết nối giao thương, giới thiệu các sản phẩm nông sản,... của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình hội viên phụ nữ trong tỉnh sản xuất; đồng thời, hỗ trợ thành lập 67 tổ hợp tác trên 650 thành viên tham gia.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện 30 - 40 lớp/năm đào tạo nghề cho trên 1.000 hội viên phụ nữ, tập trung đào tạo những nghề mang đặc thù giới, nghề phi nông nghiệp như: may công nghiệp, kỹ thuật nấu ăn, dịch vụ chăm sóc gia đình, chăm sóc sắc đẹp và một số nghề nông nghiệp phù hợp với thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương.
Hàng năm, Trung tâm cũng sẽ thực hiện tư vấn, hỗ trợ kiến thức cho 300 - 350 lượt hội viên, phụ nữ về các lĩnh vực chính sách pháp luật, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 30 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã do phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý.
Trung tâm cũng sẽ tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh thực hiện hiệu quả Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”; chủ trì thực hiện Đề án Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2030 sau khi được tỉnh phê duyệt...
Thu Hạnh