Những ngày tháng Ba, nắng đã bừng lên, trời trong và xanh thăm thẳm, hoa xuân buông cánh để nhường chỗ cho chồi non, lộc biếc, chúng tôi có mặt tại Tiểu đoàn Huấn luyện, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, đứng chân trên địa bàn phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, nơi 198 công dân là con em các dân tộc tỉnh đang cùng với đồng chí, đồng đội ra sức phấn đấu, rèn luyện để chắc tay súng, góp phần bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
"Mỗi người có sự lựa chọn của riêng mình, chúng tôi chọn tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân để được cống hiến và trưởng thành” - các bạn trẻ tâm sự.
Nhớ lại buổi nhập ngũ cách đây hơn một tháng, những bạn trẻ còn bịn rịn, lưu luyến phút chia tay mà hôm nay đã chững chạc, rắn rỏi hơn hẳn trong bộ quân phục; vẻ trang nghiêm trong tiết học điều lệnh, tập trung cao độ trong buổi học quân sự, nghiệp vụ…
Trung tá Đoàn Văn Kết - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn quản lý huấn luyện lâm thời II cho biết: "Kết thúc thời gian huấn luyện, các cháu sẽ trở thành những chiến sĩ cảnh sát cơ động có bản lĩnh và phẩm chất chính trị, có kiến thức nghiệp vụ và sức khỏe cùng ý thức tổ chức kỷ luật tốt trước khi biên chế về các đơn vị công an địa phương và các đơn vị cảnh sát cơ động Bộ Công an”. Thật ấn tượng khi người lãnh đạo chỉ huy Tiểu đoàn dùng từ "các cháu” để chỉ lứa tân binh. Điều đó cho thấy, ngoài kỷ cương, kỷ luật, nội quy, quy định… theo Điều lệnh Công an nhân dân, còn có tình cảm thương mến của các bậc lãnh đạo chỉ huy, các thầy, cô giáo và cán bộ đi trước.
Được sự quan tâm của Nhà nước và Bộ Công an, các hạng mục của Tiểu đoàn được đầu tư khá hoàn chỉnh gồm: nhà chỉ huy, nhà ở chiến sĩ, các công trình cấp điện, nước, nhà vệ sinh khép kín, bếp ăn, sân vận động, trang thiết bị thể dục, thể thao… thật sự khang trang, sạch đẹp, đảm bảo công tác huấn luyện, học tập và sinh hoạt, vui chơi, giải trí… cho gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ. Sạch đẹp và trang nghiêm là cảm nhận của bất kỳ ai đến thăm đơn vị.
Dạo quanh doanh trại cùng với Đại úy Hà Ngọc Sơn - Tổ trưởng Tổ chính trị, chúng tôi ấn tượng với bảng chế độ hoạt động trong ngày của toàn đơn vị: 5 giờ 30 báo thức, 5 giờ 30 đến 6 giờ 30 thể dục buổi sáng, vệ sinh cá nhân; 6 giờ 30 đến 7 giờ ăn sáng; 7 giờ đến 7 giờ 30 chuẩn bị công tác học tập, huấn luyện; 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 học tập, huấn luyện; 11 giờ 30 đến 12 giờ ăn trưa; 12 giờ đến 13 giờ 15 nghỉ trưa; 13 giờ 15 báo thức và lặp lại các chế độ hoạt động như buổi sáng đến 16 giờ 30 học ngoại khóa, chơi thể thao; tiếp đến là ăn chiều rồi sinh hoạt theo lịch từ 19 giờ tới 21 giờ và đi ngủ lúc 21 giờ 30.
Với nội quy, quy định chặt chẽ, đảm bảo giờ nào việc nấy, hẳn sẽ rất khó khăn trong những buổi ban đầu? Câu hỏi của chúng tôi đã được Thiếu tá Nguyễn Bá Nhân - Đại đội trưởng Đại đội II gật đầu xác nhận. Rồi anh cho biết: "Thanh niên ở nhà vốn tự do, thoải mái, vào quân trường là phải khác, vì vậy, ban đầu có chút khó khăn. Biết vậy, cán bộ quản lý, chỉ huy phải chỉ dạy, động viên, khuyến khích, sao cho chiến sĩ mới ổn định tư tưởng, quyết tâm phấn đấu, ra sức rèn luyện. Thật mừng là chiến sĩ mới đều có ý thức tốt, quyết tâm cao, hòa nhập nhanh, đồng ngũ trong mỗi tiểu đội và toàn Tiểu đoàn đều đoàn kết, thân ái, hòa đồng, động viên giúp đỡ lẫn nhau dù khác quê hương, khác dân tộc”.
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, binh nhất Hà Đình Khải, dân tộc Tày, quê thôn Khe Ngang, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên cho biết: "Học xong lớp 12 cháu làm đơn tình nguyện nhập ngũ, được lựa chọn tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, cháu rất vui và tự hào!”.
"Nhà cháu ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, khóa này xã cháu có 5 anh em đi công an, 8 anh em đi bộ đội. Các chú, các bác ở xã bảo, 2024 là năm xã nhà có đông thanh niên lên đường nhập ngũ nhất từ trước đến nay; đặc biệt là công an nghĩa vụ. Có lẽ, tiêu chuẩn tuyển quân đã chặt chẽ và cao, nhất là trình độ văn hóa và thể lực nên nhiều người muốn đi nghĩa vụ mà không được. Đó là chuyện trước đây, giờ thì nhiều thanh niên người Mông đã học hết cấp 3 nên nguồn tuyển không còn khó nữa” - chiến sĩ Giàng A Đông, Tiểu đội 6, Trung đội 3 tâm sự.
"Cháu sinh năm 2005, dân tộc Thái, người bản Phiềng, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ. Bản thân đã 7 năm xa nhà, sống trong môi trường tập thể tại trường dân tộc nội trú nên vào môi trường kỷ luật nghiêm cháu cũng bắt nhập nhanh, đặc biệt là được nuôi dưỡng đầy đủ, được cán bộ, chỉ huy, giáo viên hướng dẫn chỉ bảo từ nề nếp tác phong, từ lời ăn, tiếng nói nên cháu và bạn bè đều có sự tiến bộ” - chiến sĩ Hà Đình Khánh chia sẻ.
Được biết, trong số 198 chiến sĩ công an nghĩa vụ là con em đồng bào các dân tộc Yên Bái đang huấn luyện tại Tiểu đoàn có tới 105 đồng chí đã được kết nạp vào Đảng ngay trước ngày lên đường.
Thời gian trò chuyện của chúng tôi phải dừng lại khi tiếng còi lanh lảnh vang lên. Tốp vào hội trường chăm chú học nghiệp vụ; tốp ra sân vận động học Điều lệnh với những động tác dứt khoát, trang nghiêm, từ tư thế đứng, ngồi, chào, báo cáo…; tốp lên đồi cao học quân sự với bài đánh chiếm mục tiêu gồm sử dụng vũ khí, trang bị súng AK 47, súng ngắn K59, bí mật áp sát, hiệp đồng tập thể, mưu trí, nhanh gọn, lợi dụng địa hình, địa vật để tấn công trấn áp đối tượng, đánh chiếm mục tiêu…
Mồ hôi đã đầm đìa trên khuôn mặt, quần áo đã lấm lem bùn đất nhưng thầy và trò vẫn hăng say luyện tập. Đã hết một nửa thời gian huấn luyện, không lâu nữa, những chiến sĩ công an nghĩa vụ hôm nay sẽ chia tay quân trường mưa nắng, gian nan và cả khắt khe nữa. Đổi lại, anh em sẽ trưởng thành, sẽ cứng cáp từ bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật; kiến thức pháp luật và quân sự… đảm bảo tiêu chuẩn về các đơn vị tiếp tục học tập, phấn đấu và rèn luyện để công tác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi.
Chia tay Tiểu đoàn Huấn luyện cảnh sát cơ động, nơi mà các tân binh vẫn hăng say luyện tập bất chấp thời tiết oi nồng của vùng đất Yên Bái. Các bạn trẻ sẽ trưởng thành và tiến bộ, sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng cảnh sát cơ động; sau khi hoàn thành nghĩa vụ nhiều bạn sẽ toại nguyện ước mơ phục vụ, công tác lâu dài trong ngành công an hoặc về địa phương trở thành những công dân tốt, những hạt nhân tiêu biểu trong mọi phong trào, đặc biệt là Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, để làng bản mình, quê hương, đất nước mình trở thành "pháo đài” vững chắc phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; với thế trận quốc phòng - an ninh thực sự vững chắc. Chọn màu áo lính là sự lựa chọn vẻ vang, thể hiện trách nhiệm của bản thân với quê hương và Tổ quốc. Chúc các bạn trẻ, những tân binh đang hăng say trên thao trường học tập tốt, huấn luyện giỏi, chắc tay súng bảo vệ quê hương!
Trung tá Đoàn Văn Kết - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn quản lý huấn luyện lâm thời II:
"Chất lượng tuyển quân năm sau luôn cao hơn năm trước, lứa quân này cũng vậy, các cháu đều có thể lực tốt, trình độ văn hóa đại đa số tốt nghiệp THPT; một số ít con em đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng đặc biệt khó khăn có trình độ văn hóa 9/12; nhiều cháu đã tốt nghiệp trường trung cấp, cao đẳng. Đặc biệt, nhiều tân binh đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay trước ngày nhập ngũ. Đây là cơ sở, là nền tảng để chúng tôi huấn luyện, đào tạo đảm bảo đạt chất lượng cao”. |
Lê Phiên