Tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, ngày 14/1/2011, Chính phủ đã khẳng định một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc là: "Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”.
Cũng trong Nghị định 05/2011/NĐ-CP, đề cập đến chính sách phát triển giáo dục và đào tạo đối với các DTTS đã khẳng định: "Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc".
Về chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa, Nghị định 05/2011/NĐ-CP cũng đã nhấn mạnh: "Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các DTTS có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật"...
Có thể thấy, công tác bảo tồn, phát huy việc học và dạy tiếng nói, chữ viết của các DTTS là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được thực hiện nhất quán và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Chính nhờ thực hiện chủ trương đó mà trong nhiều năm qua, vốn tiếng nói và chữ viết của nhiều DTTS ở nước ta được phát hiện, lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, việc giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS cần được tiếp tục được quan tâm hơn nữa trước nhiều thách thức đặt ra.
Là một thầy giáo đã nghỉ hưu, một người con của đồng bào dân tộc Tày, ông Sa Công Hòa - người có uy tín ở thôn Gốc Báng, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn bày tỏ quan điểm: "Tôi nhận thức rằng: Người DTTS không biết nói tiếng dân tộc mình thì lâu dài sẽ mất đi nguồn gốc văn hóa của từng dân tộc. Cá nhân tôi luôn trăn trở về thực trạng hiện nay của con em các dân tộc quê tôi nói riêng cũng như các DTTS trên địa bàn huyện Văn Chấn nói chung, các cháu biết rất ít tiếng dân tộc mình".
"Hiện đang có một bộ phận người dân tộc do thói quen công việc và sinh hoạt hàng ngày thường xuyên sử dụng tiếng phổ thông, ít dùng tiếng của dân tộc mình để giao tiếp, dẫn đến một bộ phận người dân tộc nhưng không biết nói tiếng dân tộc, viết chữ dân tộc. Nguyên nhân thì có nhiều, có lẽ xuất phát từ ý muốn con cháu nhà mình biết tiếng phổ thông từ nhỏ để khi đi học dễ dàng tiếp thu kiến thức tốt hơn như tâm sự của một số bậc cha mẹ khi khi nói về vấn đề này” - ông Hòa nói.
Để việc học chữ viết và tiếng nói mỗi dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện hiệu quả, theo ông Sa Công Hòa, cần phải xác định việc truyền dạy tiếng nói và chữ viết của DTTS là một công việc phải được làm thường xuyên, liên tục.
"Cần có sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị các cấp. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp cần tích cực tuyên truyền về nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc; vận động các gia đình DTTS dạy tiếng dân tộc, chữ dân tộc cho các con, cháu mình ngay từ khi các cháu còn nhỏ; thường xuyên giao tiếp bằng tiếng nói của dân tộc mình song song với tiếng Việt trong đời sống sinh hoạt hàng ngày để thành thói quen, cũng như có ý thức giữ gìn, tự hào vì dân tộc mình có tiếng nói, có chữ viết” - ông Sa Công Hòa bày tỏ ý kiến.
Ông Sa Công Hòa cũng cho rằng, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng, chữ DTTS; tổ chức đào tạo và bồi dưỡng hè hàng năm cho giáo viên dạy tiếng, chữ DTTS; có chính sách ưu tiên đối với giáo viên là người DTTS để họ có kiến thức nhất định, hiểu biết về chữ viết của dân tộc mình để tích cực giao tiếp bằng tiếng dân tộc với các em học sinh.
Dân tộc Thái là một trong số ít các dân tộc có chữ viết trong cộng đồng DTTS ở Việt Nam. Cho tới nay, dân tộc Thái có tới 6 bộ chữ, ở mỗi vùng, miền khác nhau, phổ biến nhất là bộ chữ của người Thái đen bao gồm các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên với một kho di sản đồ sộ là hơn 3.000 bản sách cổ đang được lưu trữ ở Bảo tàng tỉnh Sơn La và rất nhiều bản sách khác đang được lưu trữ trong cộng đồng.
Ông Lò Tuyên Dung - bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là một nhà nghiên cứu, am hiểu văn hóa Thái cho biết: "Kể từ những năm 1960 của thế kỷ trước, một phần do ảnh hưởng của chiến tranh, sau bốn thập kỷ không được truyền dạy và có nguy cơ bị mai một, thất truyền, những người biết chữ Thái ở vùng Tây Bắc (tính đến thời điểm năm 2000) còn rất ít, chủ yếu là các cụ già cao tuổi. Vì vậy, việc giữ gìn, truyền dạy chữ Thái là rất quan trọng”.
Xác định rõ ý nghĩa của việc giữ gìn, phát huy chữ Thái ở vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ - nơi chiếm phần đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống, thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã mở một số lớp dạy chữ Thái. Ông Lò Tuyên Dung cũng đã tham gia giảng dạy ở những lớp học này.
Qua tìm hiểu, nắm bắt thực tế, ông Dung cho hay: "Thực tiễn cho thấy, hiện tại có rất nhiều người trong cộng đồng muốn học chữ Thái nên cần có nhiều biện pháp thúc đẩy việc truyền dạy chữ Thái, trong đó việc đưa được chữ Thái vào dạy ở các trường phổ thông là rất quan trọng. Để đưa được chữ Thái vào dạy ở các trường phổ thông nên có những lớp bồi dưỡng chữ Thái cho các giáo viên có năng khiếu và yêu thích chữ Thái để tạo nguồn giáo viên dạy chữ Thái. Ngoài chương trình ở các trường phổ thông, mỗi năm nên có từ 2 lớp chữ Thái trong cộng đồng”.
Đồng thời, theo ông Lò Tuyên Dung, nên nghiên cứu và có sự điều chỉnh về những quy định không phù hợp trong việc dạy và học chữ Thái. Ông Dung bày tỏ quan điểm: "Giảng viên dạy ở các lớp trong cộng đồng không nên quy định phải có chứng chỉ bằng cấp qua đào tạo sư phạm mà nên dạy như mô hình xóa mù bình dân học vụ: người biết nhiều dạy người người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết thì mới lan tỏa rộng rãi được việc dạy và học chữ Thái”. Ông Dung còn cho rằng, trong các lễ hội nên lồng ghép chương trình thi viết chữ Thái (có giải thưởng) để khích lệ lớp trẻ yêu chữ viết và văn hóa của dân tộc mình.
Đó là những trăn trở, ý kiến rất tâm huyết của những người có uy tín, am hiểu tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Bản thân ông Sa Quang Hòa và Lò Tuyên Dung bằng uy tín và vốn hiểu biết về văn hóa nói chung, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nói riêng đã và đang tích cực đóng góp công sức, trí tuệ để giữ gìn, truyền dạy tiếng nói chữ viết của dân tộc mình trong cộng đồng, nhất là đến thế hệ sau.
Thu Hạnh