Dạy tiếng "mẹ đẻ”...
Đó là câu chuyện của lớp học chữ Nôm Dao được tổ chức tại xã vùng cao Khai Trung, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Lớp học này có hơn 30 học viên. Học viên "nhí” của lớp năm nay lên 7, còn người lớn nhất cũng gần 40 tuổi. Họ đến đây đều với chung một mong muốn, đó là biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao - nét chữ riêng biệt của dân tộc mình.
Em Triệu Tiến Tiên là người nhỏ tuổi nhất lớp. Tiên cũng như các em nhỏ ở xã vùng cao Khai Trung, kỳ nghỉ hè mọi năm chỉ lên nương phụ giúp bố mẹ. Nhưng năm nay thì khác, ngoài lớp học bơi của Đoàn thanh niên xã tổ chức, Tiên còn tham gia lớp học chữ Nôm Dao được tổ chức vào buổi tối hàng ngày.
"Em rất vui vì được tham gia lớp học này. Sau gần 3 tháng, em đã biết viết, biết đọc nhiều chữ. Kết thúc khóa học, em mong muốn học thêm nữa về chữ Nôm Dao. Khi biết viết, biết đọc nhiều em sẽ lại dạy cho những em nhỏ khác trong bản”, Tiên bộc bạch.
Anh Đặng Tiến Học là cán bộ công chức xã Khai Trung. Theo anh Học, việc học chữ Nôm Dao cũng là điều mong muốn, ấp ủ của anh từ lâu. Khi huyện Lục Yên phối hợp với Hội khuyến học tỉnh Yên Bái tổ chức, anh Học đã đăng ký tham gia. Do lịch học được sắp xếp vào buổi tối nên anh chủ động bố trí thời gian, công việc hợp lý theo học. Từ khi tham gia đến nay, anh Học chưa nghỉ buổi nào. Bản thân luôn chăm chú, say sưa với những nét chữ các nghệ nhân truyền đạt.
Chỉ sau 3 tháng, qua 180 tiết học, 33 học viên của lớp học chữ Nôm Dao trên địa bàn xã Khai Trung đã biết đọc, biết viết. Họ được tìm hiểu về ngữ pháp Hán cổ; thơ, ca Hán cổ, các bài cúng trong những ngày lễ tết truyền thống của người Dao.
Ban tổ chức lớp học nhận định: Với một địa phương có trên 90% đồng bào Dao đỏ như xã Khai Trung thì những lớp học như thế này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Một buổi lên lớp của nghệ nhân người Dao ở Yên Bái
Tâm huyết của đồng bào Dao
Ông Phùng Xuân Hương, là một trong những người say sưa với việc lưu giữ và truyền dạy chữ Nôm Dao trong cộng đồng. Ngoài việc sở hữu nhiều cuốn sách Dao cổ, ông Hương còn miệt mài với việc nghiên cứu thực tiễn qua đời sống sinh hoạt của bà con. Từ đó, ông viết sách cũng như sao chép, phục dựng các cuốn sách cổ của ông cha để lưu truyền lại cho thế hệ sau.
Bên cạnh đó, ông Hương cũng không ngừng tìm tòi, thường xuyên trao đổi với các nghệ nhân có kinh nghiệm trong việc truyền dạy chữ Nôm Dao để nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền đạt cho lớp trẻ.
Suốt 3 tháng hè vừa qua, dưới sự chỉ dạy tận tình của ông Hương, 33 học viên của lớp dạy chữ Nôm Dao trên địa bàn xã Khai Trung đã hoàn thành khóa học. Tất cả đều được Hội khuyến học tỉnh Yên Bái trao giấy chứng nhận.
Trước sự phát triển của xã hội, cộng đồng người Dao trên địa bàn huyện Lục Yên luôn mong muốn gìn giữ và lưu truyền những bản sắc văn hóa dân tộc mình. Việc học chữ Nôm Dao không chỉ để người Dao có thể đọc và viết chữ viết riêng, mà còn giúp họ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về các phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng mình, như: Nghi lễ Cấp sắc, Cầu mùa, nhảy lửa...
Những học viên "nhí" với mong muốn học để biết viết, biết đọc tiếng Nôm của đồng bào mình
Ông Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái cho biết: Những lớp học chữ Nôm Dao như thế này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống. Bởi chữ viết, giọng nói luôn được coi là "hồn cốt” của mỗi dân tộc.
Cũng theo ông Thịnh, thực hiện Đề tài "Nghiên cứu, biên soạn tài liệu, xây dựng chương trình, phương pháp dạy và học chữ Nôm Dao phù hợp với bản sắc người Dao tỉnh Yên Bái”, đến nay trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 5 lớp học chữ Nôm Dao tại xã: Kiên Thành (huyện Trấn Yên); Đại Sơn (huyện Văn Yên); Tân Hương (huyện Yên Bình); Minh An (huyện Văn Chấn) và Khai Trung (huyện Lục Yên). Các lớp học đã thu hút sự tham gia của 200 học viên, độ tuổi từ 8 đến 65.
Người Dao là một trong số 54 dân tộc tại nước ta. Người Dao tuy có dân số không đông nhưng các bản làng của họ trải rộng tại các miền rừng núi phía Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang,...) đến một số tỉnh trung du như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội và miền biển Quảng Ninh (người Dao Thanh Y).
Ngoài ra, người Dao còn chia ra thành nhiều nhóm khác nhau, với những nét riêng về phong tục tập quán mà biểu hiện rõ rệt nhất là trên trang phục của họ như: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Áo dài, Dao Quần Trắng,...
Cũng như nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S, đời sống văn hóa – tinh thần của người Dao rất phong phú thể hiện qua hệ thống lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán lâu đời. Nền văn hóa có ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca, dân vũ, mỹ thuật...
(Theo GD&TĐ)