Mong muốn gìn giữ tiếng hát Sình ca Cao Lan, Nghệ nhân Ưu tú Nịnh Quang Thanh - xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên vừa sưu tầm các bài hát, vừa dày công nghiên cứu từ cách hát, nghệ thuật hát, các điệu múa đến các loại đạo cụ phục vụ nghệ thuật Sình ca như: đàn bầu, sáo đệm, trống…
"Từ những năm 2012, tôi đã bàn với một số người đam mê Sình ca của thôn thành lập Câu lạc bộ Sình ca Đá Cháy. Từ chỗ chỉ có 7 người, nay câu lạc bộ đã phát triển lên hơn 50 hội viên. Câu lạc bộ đã, đang và sẽ giúp lưu giữ và truyền dạy cái hay, cái đẹp của Sình ca, truyền cảm hứng về niềm say mê những câu hát Sình ca đến thế hệ trẻ…” - Nghệ nhân Ưu tú Nịnh Quang Thanh chia sẻ.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tương Lai - Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa dân gian xã Xuân Lai, huyện Yên Bình chia sẻ: Nhiều người rất lo bản sắc văn hóa của người Tày không được gìn giữ. Vậy là nhiều năm nay, ông Lai đã trực tiếp truyền dạy nghệ thuật hát Then - đàn tính cho người dân, nhất là thanh thiếu nhi trên địa bàn.
Có khá nhiều người trẻ học ông Lai hát và họ tiếp thu nhanh, bây giờ đã biết đánh đàn, biết hát. "Tôi tin chắc điệu hát Then sẽ không mai một mà mãi mãi trường tồn với người Tày ở Xuân Lai” - Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tương Lai vui mừng nói.
Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là một trong những động lực, nguồn lực để phát triển du lịch. Vì vậy, thời gian qua, Yên Bình tập trung làm tốt công tác bảo tồn và tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống, xây dựng, duy trì và phát triển các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Yên Bình đã đề ra nhiều chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, tạo điều kiện, động viên các nghệ nhân, các câu lạc bộ văn nghệ dàn dựng các chương trình biểu diễn, mua sắm trang thiết bị âm thanh, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc...”.
Ông Lò Văn Biến - và bà Điêu Thị Siêng (thứ 3 và thứ 4, phải sang) trao đổi với thanh niên thị xã Nghĩa Lộ về bảo tồn nghệ thuật Xòe Thái.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm triển khai và được nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Nhất là phát huy vai trò của các chủ thể tự nguyện tham gia các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 96.000
người cao tuổi, trong đó rất nhiều người là những "cây đa, cây đề”, am hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa phương. Ngoài đảm nhiệm các vai trò quan trọng trong các ban lễ nghi, thực hiện các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng ở cộng đồng, họ còn trực tiếp tham gia gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ.
Nhờ đó, các nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái được bảo tồn, phát triển, ngày càng phong phú như: nghệ thuật Xòe Thái; hát Khắp Coọi và hát Then của người Tày; Sình Ca của dân tộc Cao Lan; lễ cấp sắc của dân tộc Dao;
nghệ thuật khèn của người Mông,…
Hiện, trên địa bàn tỉnh hiện có 510 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, Nghệ thuật Xòe Thái đã được Unesco ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 7 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng; triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030".
Ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: Ngành đã chủ động tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chính sách nhằm giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc như: Quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; Quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025…
Đồng thời tham mưu triển khai các chương trình, đề án có liên quan về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa như: Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030; Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái trên địa bàn tỉnh Yên Bái...
Đẩy mạnh việc thành lập, nâng cao hiệu quả hoạt động các đội văn nghệ cơ sở để bảo tồn dân ca, dân vũ; giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, tôn vinh, phát huy vai trò các nghệ nhân trong sáng tạo, trao truyền di sản văn hóa tại cộng đồng... Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích các cấp và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số; các hoạt động truyền dạy, tôn vinh di sản văn hóa…
Phát triển các loại hình di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu thuộc 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh: Vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận; vùng du lịch miền Tây tỉnh Yên Bái và vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên. Các tuyến này đã có sự liên kết để khai thác các sản phẩm văn hóa đặc trưng của mỗi vùng.
Nhờ đó, 6 tháng năm 2024, toàn ngành du lịch Yên Bái đã đón, phục vụ 1.326.300 lượt khách, đạt 78% kế hoạch, tăng 28% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 170.700 lượt, bằng 56,9% kế hoạch, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2023; doanh thu ước đạt trên 1.075 tỷ đồng, đạt 71,7% kế hoạch và tăng 28,4% so với cùng kỳ.
Kết quả này là nhờ "Các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng, giới thiệu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa các dân tộc để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Qua đó, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời tăng thêm thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương” - ông Nguyễn Lâm Tới khẳng định.
Thành Trung