Nhận thức được bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị tinh thần bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn khơi niềm tự hào mỗi dân tộc, như nhiều người có uy tín khác trong xã, những năm qua, ông Giàng A Páo - dân tộc Mông, người có uy tín bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha đã tích cực vận động các gia đình trong dòng họ và nhân dân trên địa bàn bảo tồn những bản sắc văn hóa tốt đẹp của cha ông.
"Là người uy tín trước hết mình phải hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nắm được những bản sắc văn hóa của người Mông, từ đó tìm hiểu sưu tầm lưu giữ các nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhất là các phong tục, tập quán, dân ca, nhạc cụ, trang phục, tiếng nói, lễ hội, các trò chơi dân gian…, các đồ dùng sinh hoạt gia đình, các loại trang phục mặc trong lễ hội của dân tộc Mông”, ông Páo chia sẻ.
Cũng như ông Giàng A Páo, nhiều năm nay, ông Mùa Thào Páo, người có uy tín ở bản Nậm Pảng, xã Nậm Có không chỉ vận động gia đình, cộng đồng thực hiện tốt các quy định của Đảng, Nhà nước, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục mà còn tích cực tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Mông.
Ông cho biết: "Đến nay, nhiều lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương được khôi phục, gìn giữ và phát triển như: lễ hội giã bánh dày, lễ hội Gầu tào hay các trò chơi dân gian: đánh quay, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy... Hàng năm huyện, tỉnh tổ chức nhiều lễ hội có liên quan đến dân tộc Mông. Vì vậy, tôi và nhiều già làng trưởng bản khác trong toàn huyện luôn có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc đồng thời quảng bá những nét đẹp, nét đặc trưng của dân tộc Mông đến du khách trong và ngoài nước".
Huyện Mù Cang Chải hiện có 350 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín; trong đó, có 97 người có uy tín. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp và đội ngũ già làng, trưởng, người có uy tín đều ý thức rõ việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng mà còn tạo động lực nội sinh để hình thành văn hóa kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Hàng năm, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là con em trong dòng họ, bản làng; đề xuất tham mưu đưa các giá trị văn hóa vào truyền dạy trong các nhà trường, thành lập các câu lạc bộ văn hóa truyền thống theo sở thích. Toàn huyện đến nay thành lập được 110 đội văn nghệ truyền thống bản sắc dân tộc Mông, Thái nhằm duy trì các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian.
Ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy cho biết: "Dưới sự chỉ đạo Tỉnh ủy, trong thời gian qua, huyện đã chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án quan trọng như: Đề án "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mông giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”, Nghị quyết số 21 về tăng cường giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2021 - 2025... nên việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, trong đó có sự đóng góp lớn của người có uy tín”.
Lãnh đạo xã Mồ Dề cùng công an xã và người có uy tín thường xuyên đến từng hộ gia đình nắm bắt tình hình và tuyền tuyền cho người dân về giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Mông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa gắn với nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trên địa bàn huyện Mù Cang Chải cũng vẫn còn những khó khăn như: việc sưu tầm, thống kê, biên soạn các tác phẩm văn học dân gian, các làn điệu dân ca, âm nhạc dân gian… thành sách, thành công trình mang tính hệ thống, có giá trị học thuật còn hạn chế; các giá trị văn hóa truyền thống như kiến trúc, trang phục và những di sản văn hóa phi vật thể (tiếng nói, văn học, nghệ thuật dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ…) đang có nguy cơ bị mai một.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Mù Cang Chải sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Cùng với đó là coi trọng và làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hoá các dân tộc thông qua việc thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu sâu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể và vật thể; áp dụng các biện pháp khẩn cấp của chính quyền để bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền.
Đồng thời với đó, tập trung phát triển du lịch dựa trên ba loại hình: du lịch văn hoá- lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng- giải trí và du lịch sinh thái mạo hiểm gắn với du lịch cộng đồng, dựa trên thế mạnh về tài nguyên sinh thái rừng, văn hoá bản địa trong trồng và chế biến dược liệu, nông sản đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển dịch vụ phục vụ du lịch, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo động lực cho các chủ thể tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, huyện tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hoá truyền thống cũng như các địa điểm, tiềm năng du lịch gắn liền với các giá trị văn hoá truyền thống; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào các dân tộc bảo tồn, biết tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng cuộc sống mới.
Văn Tuấn