Yên Bái: Thấm sâu học Bác, lan tỏa điển hình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/6/2024 | 1:35:49 PM

YênBái - Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Nghe lời Bác dạy, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã, đang và luôn ra sức phấn đấu trở thành những “bông hoa đẹp”, cùng nhau khoe sắc để lan tỏa những điều tích cực, nhân lên nhiều hơn nữa những việc tốt trong xã hội.

Những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác  được tuyên dương nhân kỷ niệm 65 năm Bác Hồ thăm Yên Bái ( 25/9/1958-25/9/2024)
Những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác được tuyên dương nhân kỷ niệm 65 năm Bác Hồ thăm Yên Bái ( 25/9/1958-25/9/2024)

Những "bông hoa” trong vườn Bác

Là người dân tộc Mông, Hảng A Phổng giữ vai trò là Trưởng bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đến nay đã được 9 năm. Tiên phong trong học và làm theo Bác, Trưởng bản Phổng luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. 

Bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình làvùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vậy mà, với sự khéo léo trong công tác dân vận của Trưởng bản, bà con đã tích cực đồng lòng, đóng góp trên 300 triệu đồng, trên 500 ngày công để xây dựng gần 4 km đường giao thông nông thôn đi vào bản, vào các nhóm hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Đến nay, hộ gia đình chuẩn văn hóa trong bản đạt gần 80%; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đầy đủ; trẻ em dưới 6 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Tình hình an ninh trật tự trong bản luôn ổn định, không có vấn đề phức tạp, không có tệ nạn xã hội xảy ra. 

Tận tâm, tận lực với công việc, A Phổng được bà con tin tưởng, quý trọng. Anh Phổng cũng xác định rõ trách nhiệm của mình: "Với vai trò Trưởng bản, tôi xác định phải luôn gần gũi, hòa đồng với mọi người mới nắm bắt được tâm tư tình cảm của bà con, kịp thời đề xuất, kiến nghị lên cấp trên; qua đó tạo lòng tin, gắn bó của nhân dân với cấp ủy và chính quyền địa phương”. 

Có mặt tại sân chơi đa năng của Tổ dân phố Phúc Thọ, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái vào buổi chiều, rất đông bà con đang cùng nhau tập thể dục, chơi thể thao, nâng cao sức khỏe trong rộn rã tiếng nói, tiếng cười. Là tập thể điển hình tiên tiến trong xây dựng cộng đồng dân cư hạnh phúc, thời gian qua, Tổ dân phố Phúc Thọ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, đoàn kết và tích cực thực hiện các phong trào, cuộc vận động động nhằm xây dựng mô hình "Tổ dân phố hạnh phúc". Tổ đã vận động xã hội hóa huy động nguồn lực trong nhân dân được trên 500 triệu đồng, 250 ngày công để làm tuyến đường hoa, cây xanh; lắp đặt camera an ninh; nâng cấp sân chơi thể thao; làm đường dân sinh… 

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Phúc Thọ chia sẻ: "Chúng tôi xác định muốn xây dựng được một tập thể hạnh phúc thì mỗi cá nhân phải là những hạt nhân để làm nên điều đó. Luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu nên trong mọi hoạt động của Tổ luôn có sự đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình của bà con. Rất phấn khởi là 2 năm liền, Tổ chúng tôi đạt tổ dân phố văn hóa, tổ dân phố hạnh phúc cấp thành phố”. 

Nói đến những "bông hoa" người tốt, việc tốt với những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng, không thể không kể đến cô giáo người Cao Lan - Hoàng Thị Vỵ, thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình bởi nhiều đóng góp cho cộng đồng thông qua những việc làm tự nguyện, hết sức nhân văn là dạy dỗ và chăm sóc cho các trẻ em khuyết tật.


Với tinh thần học tập và làm theo Bác mọi lúc, mọi nơi từ việc nhỏ nhất, xuất phát từ tình yêu thương con trẻ, dù đã nghỉ hưu nhưng cô giáo Hoàng Thị Vỵ vẫn tiếp tục sự nghiệp giáo dục theo cách của riêng mình. Mỗi tháng cô trích một phần nhỏ lương hưu của mình (từ 500-800 ngàn đồng/tháng) mua bánh kẹo, sữa, hoa quả, quần áo, chiếu, gối, sách, vở, đồ dùng học tập... tặng cho 18 em nhỏ khuyết tật từ năm 2020 đến nay. Với đặc điểm học trò là có em là đa khuyết tật, phát âm kém, liệt hai tay, chân cũng rất yếu; có em bại não, liệt toàn thân nên đều đặn mỗi tháng, cô đến nhà các cháu từ 2 đến 3 lần để trực tiếp dạy miễn phí, giúp các cháu vận động, phục hồi chức năng. Hiện, 14 cháu thay đổi rõ rệt về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, đọc, viết tương đối thành thạo. Đặc biệt có cháu bị đa khuyết tật hiện tại đã đọc tốt và viết được bằng chân trái như em La Quốc Bảo, chàng trai không chân  19 tuổi ,nhờ tâm lòng của cô VỴ mà giờ  đây đã biết viết, biết đọc, biết làm tính ở trình độ lớp 2.


Cô giáo Hoàng Thị Vỵ luôn hết lòng dạy dỗ và chăm sóc các trẻ em khuyết tật.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ tâm sự: "Học sinh ở đây đa phần đều không thể theo học trên lớp với các bạn cùng trang lứa, các em thật sự thiệt thòi. Mình nghỉ hưu, có thời gian, muốn làm điều gì đó giúp các em và gia đình phần nào vơi bớt vất vả, thiệt thòi. Bằng sự nỗ lực và chân thành của bản thân, đến nay 18/18 gia đình có trẻ khuyết tật đều hợp tác, trao gửi niềm tin và yêu quý tôi. Nhiều người coi tôi như người thân trong gia đình, các cháu coi tôi như người mẹ thứ hai của mình, là niềm hạnh phúc của tôi”. 

Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ái Nông Văn Bắc khẳng định: "Lớp học đặc biệt của cô Vỵ đã góp phần lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những trẻ em bị khuyết tật, tránh sự kỳ thị để các cháu tự tin hòa nhập cộng đồng. Tấm lòng nhân hậu của cô được chính quyền và người dân địa phương vô cùng cảm kích, gửi gắm sự thương yêu, kính trọng”. 

Trưởng bản A Phổng, cô giáo Vỵ, Tổ dân phố Phúc Thọ hay nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã truyền cảm hứng rất lớn trong cộng đồng, góp phần nhân rộng thêm nhiều hơn nữa những những bông hoa đẹp trong vườn hoa dâng Bác.


Tiếp tục nhân lên những điển hình học và làm theo Bác

Thực hiện lời dạy của Người về bài học "lấy dân là gốc”, cán bộ cần "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, những năm qua, hàng ngàn cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã dành ngày cuối tuần để tham gia lao động sản xuất cùng dân, dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, sâu sát sát với thực tiễn, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Các phong trào thi đua học tập, làm theo Bác như: Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp; Chủ nhật xanh; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Xây dựng cộng đồng dân cư hạnh phúc; Trường học hạnh phúc… được lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Từ thực tiễn đó, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch về xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện Kế hoạch này, các cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo sát sao việc rà soát, lựa chọn, đăng ký xây dựng mô hình và hướng dẫn, giúp đỡ các tập thể, cá nhân được lựa chọn phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến. Nhiều đơn vị, địa phương đã có cách làm sáng tạo, xây dựng thêm các tiêu chí, các loại hình mô hình, điển hình độc đáo gắn với thực tiễn đơn vị, địa phương mình. 

Đến nay, toàn tỉnh có 4.320 tập thể, 4.071 cá nhân đăng ký xây dựng mô hình, điển hình. Trong số đó có 461 tập thể, 598 cá nhân được khen thưởng ở cấp huyện và tương đương; 65 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được khen thưởng ở cấp tỉnh; 1 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 tập thể, 2 cá nhân được tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương, 1 cá nhân đã được vinh danh tại chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2023”; 20 tập thể, cá nhân tiêu biểu được lựa chọn, giới thiệu tham gia Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý”... 

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: "Học tập và làm theo Bác đã trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ thành thị đến nông thôn; từ các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị cho đến cộng đồng dân cư, doanh nghiệp với những việc làm hết sức bình dị, đời thường nhưng cũng rất thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng; thể hiện tinh thần, ý thức học tập, làm theo lời Bác từ những việc làm giản dị nhất. "Những bông hoa đẹp” trong vườn hoa học và làm theo Bác đã, đang và sẽ mãi là tấm gương sáng, là hạt nhân dẫn dắt, lan tỏa mạnh mẽ, nhân rộng thêm nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, hiệu quả trong toàn Đảng bộ và trong xã hội”. 

Mỗi tập thể, cá nhân có những cách học và làm theo Bác khác nhau, nhưng tựu chung đều hướng đến là sự sáng tạo, nhiệt huyết và tinh thần phục vụ nhân dân, không quản khó khăn, gian khổ, dám cống hiến; là thái độ sống nhân ái, yêu thương, chia sẻ với mọi người, chung tay, góp sức giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh, cùng thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Tất cả trở thành những câu chuyện đẹp, đáng ngưỡng mộ, cổ vũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh cùng hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, chung tay xây dựng một Yên Bái "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Thanh Chi

Tags Yên Bái học và làm theo Bác điển hình người tốt việc tốt

Các tin khác
Mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” hướng tới sự hài lòng của người dân.

Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái luôn gắn với những việc làm cụ thể, thiết thực, ý nghĩa, có sức lan tỏa.

Được sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, đường làng, ngõ xóm thôn Lường, xã Đại Lịch ngày càng được mở rộng khang trang, sạch, đẹp.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thôn Lường, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn đã thiết thực học và làm theo Bác, tạo nên thành tích đặc biệt trong trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, được UBND tỉnh khen thưởng.

Tuyến đường thôn Hương Lý ngày một mở rộng góp phần thúc đẩy giao thương, nâng cao đời sống người dân.

Thời gian qua, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình đã không trông chờ ỷ lại vào Đảng, Nhà nước mà tích cực kêu gọi các nguồn xã hội hóa, đặc biệt là cách khơi sức dân xây dựng các công trình dân sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Học và làm theo Bác, phường Nam Cường phấn đấu trở thành phường văn hoá tiêu biểu, đặc sắc. Ảnh: Hoạt động đua thuyền các tổ dân phố trong lễ hội xuân tại đền Nam Cường

Ngay từ đầu năm nay, Đảng bộ phường Nam Cường đã chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác theo chuyên đề năm 2024, gắn với các phong trào thi đua yêu nước kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, nhất là kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm Ngày mất của Người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục