Ước mơ đẹp của chàng trai viết bằng chân

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/11/2023 | 7:37:34 AM

YênBái - “Vội bỏ hết mọi thứ, chạy nhanh lên cầu thang, nhìn chữ “a” con viết, em bám cột nhà khóc… Khóc như chưa bao giờ từng khóc… Nước mắt ở đâu mà nhiều đến thế không biết…” - ký ức đưa chị Nguyễn Thị Tình ở thôn Làng Giữa, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình về với một ngày đáng nhớ của 3 năm trước. Ký ức vụt trở lại cùng dòng nước mắt tuôn trào của chị Tình.

La Quốc Bảo luôn có sự đồng hành của mẹ và cô Hoàng Thị Vỵ (bên phải).
La Quốc Bảo luôn có sự đồng hành của mẹ và cô Hoàng Thị Vỵ (bên phải).

Mạnh mẽ sống vì con thật trọn vẹn

Sao chị Tình lại khóc khi nhìn thấy chữ "a” con viết? Đứa trẻ nào chả phải tập viết chữ "a” khi đi học…? Cái sự khác ở đây là con trai của chị Tình lúc đó đã 16 tuổi. Hơn thế, con trai chị bị đa khuyết tật, khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật vận động, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân thấp còi… Đặc biệt hơn thế nữa, con trai chị đã viết được bằng… chân trái. La Quốc Bảo - con trai của chị Tình năm nay 19 tuổi.

"Em sinh cháu Bảo non tháng. Mới tròn 7 tháng thì Bảo đã chào đời, nặng 1,5 kg cả tã. Vợ chồng em nuôi cháu bình thường, 3 tháng tiếp sau đó thì con tăng cân đều đều, được 7 - 9 lạng mỗi tháng. Nhưng từ tháng thứ 4 trở đi, con bắt đầu không tăng cân nữa” - chị Tình kể câu chuyện về con. 

Cuộc sống của gia đình, cuộc sống của người mẹ và cuộc đời của Bảo chính thức có những thay đổi với dấu mốc hết sức đáng nhớ và nhiều nước mắt này. Không thấy con có những động tác bò, ngồi, đứng… theo thời gian phát triển bình thường của một đứa trẻ, đến lúc con được 1 tuổi thì 2 vợ chồng mới đưa về Bệnh viện Nhi Trung ương khám. 

Dù bác sĩ khuyên cố gắng cho con ở lại chữa trị nhưng điều kiện kinh tế chẳng có, vợ chồng đều đi làm thuê nên phải đưa con về, tự tập cho con theo hướng dẫn của bác sĩ. Cứ thế, Bảo đến 16 tháng thì biết nói dù rất ngọng, đến 7 tuổi mới biết đi và đi rất khó khăn. Mọi sinh hoạt thường ngày khác, mẹ trực tiếp hỗ trợ Bảo nhiều nhất. 

Để gần con, hỗ trợ con, chị Tình chuyển sang làm dịch vụ xay xát, nghiền ngô, nghiền sắn… ngay dưới nhà, nếu có đi làm thuê thì cũng quanh quẩn gần thôi, còn Bảo suốt ngày trên nhà sàn. "Con đến tuổi đi nhà trẻ rồi mẫu giáo, vào lớp 1, em bao lần đến xin nhà trường cho con theo học. Em nói với nhà trường rằng em sẽ đến lớp ngồi cả ngày với con cũng được, chỉ cần con em biết chữ o, chữ a… chứ không suốt ngày lủi thủi, cặm cụi một mình ở góc nhà sàn. Bao lần đi xin là bấy lần thất vọng, bấy lần buồn tủi, em chỉ biết khóc suốt” - nước mắt của người mẹ không ngừng rơi. 

Tủi đến nỗi, thậm chí chị Tình không dám đi đâu nữa, chẳng muốn gặp ai cả vì cứ ai hỏi thăm con là chị bật khóc. Chị muốn đánh đổi tất cả những gì mình có để cho con được bình thường. Chị nhiều lúc đã muốn buông xuôi tất cả. Anh La Trung Kết - chồng chị đã luôn bên cạnh động viên, người mẹ trẻ đã dần trở nên mạnh mẽ và quyết tâm sống vì con thật trọn vẹn. 

Nghiêm túc, quyết tâm, nói là làm

Bảo trắng trẻo, nhỏ nhắn như một thiếu niên. Chàng trai 19 tuổi có nụ cười duyên, mắt lấp lánh. Gặp người lạ, cháu có chút rụt rè. Đôi tay không làm chức năng vốn có thì đôi chân của Bảo đã thay thế việc đó. 

Thuần thục và khéo léo, cháu có thể cầm ăn đồ khô, có thể bóc bánh kẹo, có thể tự uống nước nếu có vật dụng hỗ trợ… Riêng chuyện dò kênh ti vi, sử dụng điện thoại di động, lướt facebook, Bảo bấm nhoay nhoáy. Góc nhà sàn này là những tháng ngày tuổi thơ dài đằng đẵng của cháu, là một mình lăn lóc, là lủi thủi chơi riêng. 

Thỉnh thoảng, Bảo theo em trai, theo đám trẻ ra đường, đi chơi. Vui lắm, thích lắm nhưng cũng vất lắm, mệt nhiều vì cháu đi chậm và đi khó, lòng bàn chân trầy xước hết cả. Cuộc sống của Bảo có thể cũng sẽ tiếp tục những tháng ngày như những tháng ngày đã qua. 


Nhưng cuộc sống luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ. Một điều bất ngờ và kỳ diệu đã đến không hẹn trước. Điều kỳ diệu đã tới cách đây 3 năm cùng sự xuất hiện của cô Hoàng Thị Vỵ ở thôn Ngòi Khang. 

Cô Vỵ là giáo viên ở xã Bảo Ái nghỉ hưu từ giữa năm 2020. Những lần đi làm phổ cập cho nhà trường, cô đã biết đến Bảo. Thời điểm chính thức nghỉ hưu, cô mỗi tuần 2 - 3 buổi đều đặn đến tận nhà Bảo dạy tập đọc, làm tính. Ngay chính bản thân cô Vỵ cũng chưa từng nghĩ sẽ dạy Bảo học viết bởi chỉ đơn giản nghĩ dạy đọc, làm tính mà thôi. 

"Bảo biết đọc khá nhanh khi được dạy liên tục, làm tính cũng khá nhanh. Một lần, tôi thử kẹp chiếc bút chì vào chân, Bảo thấy vậy nói là "Cháu cũng sẽ tập viết bằng chân trái” khiến tôi rất bất ngờ. Sau buổi ấy, 2 cô cháu miệt mài tập và Bảo tập viết bằng chân trái” - cô Vỵ chia sẻ. 




La Quốc Bảo sử dụng điện thoại thành thạo bằng đôi chân và những trang vở viết bằng chân trái. 

Rất nghiêm túc, rất nghị lực, Bảo nói sao làm vậy. Cháu phải tập trước bằng phấn với bảng đen. Đâu ai đếm, đâu ai nhớ nổi bao nhiêu viên phấn đã vỡ, đã gãy do Bảo phải gồng lên kẹp giữ giữa 2 ngón chân. Cũng không bắt đầu ngay với chữ thường, phải là chữ viết hoa, cho to, cho dễ viết. 

Dần dà, quen chân, quen phấn, quen cách điều khiển theo ý thì 2 cô cháu chuyển sang tập viết bằng bút chì. Buổi đầu, cây bút chì xoay tròn, trơn trượt. Chữ mới tập viết thì to cồ cộ, rồi mới nhỏ nhỏ dần, vào đúng ly. Gồng gắng giữ bút nên chân Bảo nhanh mỏi, lại hay bị chuột rút. Mỗi trang viết, Bảo cần đến 3 tiếng đồng hồ để hoàn thành. Xong mỗi buổi Bảo tập viết, mẹ động viên, khen ngợi và nắn chân, xoa bóp cho con đỡ mỏi, bớt đau, giảm căng cơ. 

Ước mơ về cuộc sống tự lập

Con mình biết đọc, biết làm tính, chị Tình đã vui sướng vô cùng. Chuyện con mình biết viết, chưa bao giờ chị mơ. Bỗng một ngày, điều đó diễn ra như giấc mơ giữa ban ngày. Một buổi sáng tháng Giêng năm Tân Sửu 2021, tròn 3 tháng cần mẫn, Bảo đã viết được bằng chân trái, viết bút chì trên vở kẻ ô ly.

Con không viết chữ "o” mà viết chữ "a” dù khó hơn. Chữ "a” nhỏ bé giữa quyển vở đã lấy đi biết bao nước mắt của chị. Chữ "a” vỡ tung cảm xúc mong mỏi kìm nén bao năm của người mẹ. Chữ "a” với vô vàn nghị lực của đứa con quyết tâm vượt khó… 

Chị Tình xúc động: "Em chả biết mình thế nào nữa khi nhìn thấy chữ "a” của con. Em cứ bám cột nhà mà khóc, khóc không ngừng…”. 

Chân trái của Bảo thành thạo kẹp chiếc bút chì, xoay qua xoay lại, tráo đầu tẩy khi viết hỏng. Chữ cháu viết đúng ly, đúng chính tả. Bảo có lúc nào thấy nản, muốn bỏ việc tập viết không? Cả cô Vỵ, mẹ, Bảo trả lời hệt nhau: "Có chứ, không ít lần”. 

Thế lúc chán, Bảo có vứt bút đi không? Bảo cười: "Cháu vứt bút 5 lần rồi ạ. Tập viết ở cửa tầng 2 cho sáng, chán là cháu vứt bút xuống sân”. Nhà luôn có người đến xay xát, nhỡ ném vào người ta thì sao, Bảo hóm hỉnh: "Cháu phải nhìn, nếu không có ai thì mới quăng xuống ạ”. 

Cô Vỵ cho biết thêm, đến nay, Bảo biết viết, biết đọc, biết làm tính ở trình độ lớp 2: "Cháu có kỹ năng tốt, tư duy tốt, thể hiện suy nghĩ tốt dù nói ngọng và khó. Ngoài đến nhà dạy trực tiếp, khi rảnh rỗi, tôi thường gọi video Zalo dạy cháu nhiều kiến thức khác và trò chuyện, chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống”. 

Biết đọc, biết viết đã mang tới nhiều điều thú vị cho Bảo. Bảo nói: "Cháu yêu mẹ nên sẽ không để cho mẹ buồn, không để mẹ phải giận. Ví dụ như có lúc cháu làm sai, cháu sẽ phải nghĩ lại, lần sau không thế nữa”. 

Điều này đúng như mẹ Bảo chia sẻ, con rất tinh ý, tình cảm của mẹ thế nào đều biết cả. Với cô Vỵ thì sao, Bảo cười: "Cô Vỵ là người mẹ thứ hai của cháu. Cháu biết ơn cô Vỵ vì cô dạy cháu rất nhiều điều ạ!”. 

Bảo của hôm nay có mong ước thật đẹp: "Cháu mong tự nuôi được mình, không phụ thuộc người khác. Cháu muốn có 1 chiếc laptop, 1 chiếc điện thoại thông minh để quay video, làm TikTok, để chơi game nữa ạ”. 

Bảo khoe tài khoản TikTok của mình là @quoc.bao.1008204. Bảo có hàng chục tiktok, có hơn trăm người theo dõi, có gần hai nghìn lượt thích: "Dạo này ít người thích hơn rồi ạ”. Có sao đâu, quan trọng là Bảo luôn đam mê, sống với ước mơ đẹp.

Em trai La Sĩ Luân của Bảo nói về anh một cách vô cùng tự hào: "Anh mình siêu đẳng cấp!”. Nghe em khen, Bảo cười tươi rói: "Đúng thế! Anh rất vui!”. 

Cuộc sống của Bảo đang tiếp tục mỗi ngày với ước mơ đẹp và đáng trân trọng. Bảo biết, không tự nhiên mà ước mơ có thể trở thành hiện thực. Ước mơ ấy, Bảo sẽ viết bằng nghị lực và cố gắng không mệt mỏi, không ngừng nghỉ của chính mình. Hành trình ấy luôn có sự đồng hành, hỗ trợ, tin tưởng, yêu thương của bố mẹ, em trai và người mẹ thứ hai của Bảo.

Nguyễn Thơm

Tags ước mơ đẹp viết bằng chân Bảo Ái Yên Bình

Các tin khác
Trần Anh Ngọc nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc bên cạnh bố mẹ

Với điểm học tập toàn khóa 4/4.0, nữ sinh Trần Anh Ngọc không chỉ tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, mà còn là sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Kinh tế quốc dân ra trường với số điểm tuyệt đối. Trước đó 4 năm, Ngọc là thủ khoa đầu vào của trường với 27,9 điểm ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa).

Minh Đức là MC dẫn các chương trình ngoại khóa của trường THCS Lê Quý Đôn. Ảnh: Gia đình cung cấp

Minh Đức, 14 tuổi, đạt 8.5 IELTS trong lần thi đầu tiên, là học sinh THCS đầu tiên của Lào Cai đạt mức điểm này.

Mê robot từ tiểu học, Diệp Thị Hiền không nghĩ có ngày cùng bạn bè vô địch cuộc thi Robocon quốc gia, nhận giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam.

Em Chu Ngọc Quang Vinh giành vòng nguyệt quế tuần tại Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24.

Em Chu Ngọc Quang Vinh - lớp 11, Chuyên Anh, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) đã giành vòng nguyệt quế tuần tại Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục