Nổi bật, trong nhiều năm qua, công tác chỉ đạo điều hành và quản lý nhà nước về y tế đạt hiệu quả cao. Ngành y tế đã rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức, bộ máy và mạng lưới, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện các quy chế trong quản lý điều hành hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Hệ thống tổ chức bộ máy tiếp tục được đổi mới, sắp xếp tinh gọn: thành lập Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, thành lập Bệnh viện Sản - Nhi; sáp nhập Trung tâm Giám định y khoa, Phòng khám Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hợp nhất 8 trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện đa khoa tuyến huyện...
Đến nay, toàn ngành đã giảm từ 43 đầu mối (năm 2016) xuống còn 21 đầu mối (giảm 22 đầu mối); giảm được 22 vị trí giám đốc, 35 vị trí phó giám đốc, 63 trưởng khoa, phòng, 108 phó khoa, phòng tương đương...
Sau khi sắp xếp tổ chức, các đơn vị nhanh chóng ổn định đi vào hoạt động. Đến nay, 9/9 trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã đã được đầu tư, nâng cấp. Riêng năm 2022, toàn tỉnh có 10 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, vượt kế hoạch đề ra, lũy tích có 154/173 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, chiếm tỷ lệ 89%.
Trang thiết bị hiện đại phục vụ cho khám, chữa bệnh chuyên sâu và chất lượng cao cũng đã được đầu tư, riêng năm 2022, xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 44 trạm y tế và Trung tâm Y tế huyện Văn Yên; triển khai 5 dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải...
Phối hợp với các cơ quan chức năng để chuẩn bị Dự án "Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị” cho 7 trung tâm y tế tuyến huyện của tỉnh với tổng mức đầu tư 187 tỷ đồng.
Đối với nguồn nhân lực, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12/2021/NQ- HĐND tỉnh ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh về thu hút các đối tượng là tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú, bác sĩ đa khoa tốt nghiệp loại giỏi, bác sĩ làm việc tại trạm y tế. Tiếp tục thực hiện tuyển dụng cán bộ, y bác sĩ, thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại các cơ sở y tế, đáp ứng với quy mô khám, chữa bệnh, đào tạo chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu trên 1 tháng và hơn 1.000 lượt đào tạo ngắn hạn dưới 1 tháng...
Lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế kiểm tra công tác tiêm chủng Covid-19 cho học sinh tại thành phố Yên Bái.
Đến nay, Yên Bái có 914 bác sĩ, đạt tỷ lệ 10,8 bác sĩ/1 vạn dân, đạt kế hoạch; 118 dược sĩ đại học, đạt tỷ lệ 1,38 dược sĩ đại học/1 vạn dân; số bác sĩ làm việc tại 163 xã, đạt tỷ lệ 94,2%, vượt kế hoạch. Toàn ngành hiện có 2 tiến sĩ, 35 thạc sĩ, 24 bác sĩ chuyên khoa II, 264 bác sĩ chuyên khoa I; 989 điều dưỡng; 291 dược sĩ.
Trên cơ sở phát triển hệ thống y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, điều đó, đồng nghĩa với chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Theo đánh giá, tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt trên 90%.
Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và đẩy mạnh tự chủ tài chính các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, triển khai hiệu quả chương trình hợp tác với các bệnh viện tuyến trung ương và quốc tế.
Riêng năm 2022, toàn ngành tiếp nhận, chuyển giao 37 kỹ thuật và triển khai 86 kỹ thuật mới; công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung mang lại hiệu quả, nhất là phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang triển khai đúng tiến độ và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ...
Nhìn nhận lại công tác y tế những năm qua, bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Được sự quan tâm của tỉnh, Bộ Y tế và hỗ trợ của các viện chuyên khoa Trung ương, ngành y tế Yên Bái đã nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn về nhân lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị để hoàn thành xuất sắc các kế hoạch giao. Nổi bật là các chỉ tiêu: tuổi thọ trung bình của người dân nâng lên 73,9 tuổi; 75% người dân được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ điện tử; 98,6% trẻ em được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 đạt miễn dịch cộng đồng...”.
Khó khăn và thách thức
Những kết quả mà ngành y tế Yên Bái đạt được những năm qua trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, những năm gần đây, mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp. Các bệnh không truyền nhiễm, bệnh lạ, bệnh mới, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường.
Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân như: việc thực hiện tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh, giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị thấp; do đó, nguồn thu giảm, tỷ lệ tự chủ hàng năm của một số đơn vị không đạt kế hoạch.
Đặc biệt, chế độ, chính sách cho nhân viên y tế đã được quan tâm, song, lương, thâm niên nghề và các khoản phụ cấp chưa tương xứng, đời sống của cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở còn rất nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí từ ngân sách đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là các trang thiết bị phục vụ kỹ thuật cao còn hạn chế; thiếu nhân lực bác sĩ chuyên khoa sâu để triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại, đặc biệt với tuyến huyện.
Song song với đó, kỹ thuật y học ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng dịch vụ làm cho chi phí y tế gia tăng, trong khi đó, nguồn ngân sách cho y tế có tăng nhưng mức tăng còn thấp...
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển kỹ thuật cao.
Năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành y tế cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.
Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hồng Vân khẳng định: "Trước hết, cần tăng cường xã hội hóa công tác y tế, tài chính và đầu tư, tăng cường nguồn nhân lực. Trong đó, ngành tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ có kỹ thuật cao, đồng thời triển khai thực hiện tốt đề án đào tạo nguồn nhân lực, chủ động giám sát chặt chẽ, tích cực phòng, chống dịch bệnh không để dịch nguy hiểm xảy ra trên địa bàn",
"Đặc biệt, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo đảm cung cấp dịch vụ chất lượng cao, hướng tới mục tiêu sự hài lòng của người bệnh, triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu y tế quốc gia, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế (BHYT); tiếp tục rà soát, tuyên truyền và vận động các nguồn kinh phí hỗ trợ mua BHYT cho đối tượng cận nghèo, tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT tiến tới lộ trình BHYT toàn dân; triển khai thực hiện kế hoạch các dự án viện trợ đã phê duyệt và xây dựng dự án mới trình Bộ Y tế, UBND tỉnh và các nhà tài trợ phê duyệt”, Giám đốc Lê Thị Hồng Vân cho biết thêm.
Những kết quả đạt được trong nhiều năm qua là động lực to lớn, là cơ sở, tiền đề cho xây dựng kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo của ngành y tế Yên Bái. Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tập thể cán bộ, y, bác sĩ trong toàn ngành quyết tâm đoàn kết phấn đấu để tiếp tục xây dựng ngành y tế phát triển toàn diện, mang đến cho người dân dịch vụ y tế tốt nhất.
Chiều nay- 24/2, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ đối thoại trực tiếp kết hợp trực tuyến với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế về các nội dung: vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ; vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế; đầu tư cơ sở vật chất...
Đây là sự kiện quan trọng và lần đầu tiên diễn ra để ngành y tế báo cáo về những thành tựu đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị; là dịp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Từ đó, tỉnh kịp thời hoạch định phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trong thời gian tới. |
Trần Minh