Văn Chấn tăng cường nguồn lực phát triển hệ thống y tế vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/9/2023 | 1:52:09 PM

YênBái - Những năm gần đây, huyện Văn Chấn đã quan tâm nâng cao năng lực cán bộ y tế, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở; tạo điều kiện để người dân có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao. Về nội dung này, Phóng viên Báo Yên Bái vừa có cuộc trao đổi với bà Lò Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn.

Cán bộ y tế xã Tân Thịnh khám sàng lọc cho bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường và truyền thông giáo dục sức khỏe.
Cán bộ y tế xã Tân Thịnh khám sàng lọc cho bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường và truyền thông giáo dục sức khỏe.

Thưa bà! Những năm qua, việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở, nhất là các xã vùng cao trên địa bàn huyện như thế nào?

Bà Lò Thị Thúy Nga: Những năm vừa qua, huyện Văn Chấn được Nhà nước hỗ trợ đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 8 trạm y tế, trung bình mỗi trạm được hỗ trợ 2,8 tỷ đồng, các trạm y tế đã hoàn thiện và được bàn giao đưa vào sử dụng đúng tiến độ. Trang thiết bị y tế cơ sở cũng được đầu tư với nguồn vốn Dự án Y tế cơ sở là 4 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng tiêu chí về trang thiết bị theo quy định. 

Việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đã tạo điều kiện thuận lợi để y tế tuyến cơ sở hoạt động hiệu quả hơn, cơ bản đáp ứng công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ khi được đầu tư xây dựng, tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh tăng cao gấp nhiều lần so với trước. 


Có thể thấy, việc đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở đã góp phần mở rộng và nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe toàn dân, người dân ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, bảo đảm nhanh chóng, an toàn và có hiệu quả, góp phần giảm chi phí cho người bệnh và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên…

Thực tế cho thấy, việc đầu tư mang tính đồng bộ và căn bản, vậy hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân như thế nào? Thưa bà!

Bà Lò Thị Thúy Nga: Ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, Nhà nước đã quan tâm đến việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế huyện, tổ chức nhiều đợt thi tuyển và tuyển dụng viên chức, đồng thời tăng cường đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý cho cán bộ y tế, việc đầu tư mang tính đồng bộ và căn bản đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ y tế như: chẩn đoán chính xác hơn, điều trị có hiệu quả hơn…, tạo được niềm tin của nhân dân. 

Cùng đó, với cơ sở vật chất khang trang và trang thiết bị mới đồng bộ, cán bộ trạm y tế đã phát huy và khai thác được những thế mạnh, lợi ích trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hoạt động chuyên môn của hệ thống trạm y tế đã đi vào nề nếp. 


Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Lò Thị Thúy Nga.

Đồng thời, các chương trình y tế triển khai có hiệu quả, không để dịch bệnh lớn, dịch nguy hiểm xảy ra; chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở được nâng lên, thu hút người dân đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế đều tăng (năm 2022 là 2.844 người, ước năm 2023 là hơn 5.000 người). Bên cạnh đó, thực hiện tốt các kỹ thuật chuyên môn do Sở Y tế giao, đồng thời giảm được tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên.

Giai đoạn tới đây, huyện có những giải pháp như thế nào để người dân vùng cao được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao thưa bà?

Bà Lò Thị Thúy Nga: Quá trình triển khai, huyện gặp không ít khó khăn và thách thức đó là về tài chính, việc đầu tư vào y tế đòi hỏi nguồn lực lớn và đôi khi nguồn tài chính hạn hẹp có thể ảnh hưởng đến tốc độ triển khai và chất lượng của các chương trình y tế. 

Hơn nữa, Văn Chấn là huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân. 

Cùng đó, sự hiểu biết và hợp tác từ phía cộng đồng cũng là một thách thức quan trọng, người dân chưa hiểu hết về lợi ích của các chương trình y tế nên việc chủ động tham gia của nhân dân còn hạn chế, chúng tôi đang phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin để có sự tham gia tích cực từ cộng đồng. 

Vì vậy, tới đây, huyện sẽ tiếp tục đầu tư vào việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế, đặc biệt là tại các xã vùng cao, giúp cho cán bộ y tế cập nhật kiến thức y tế mới nhất và nâng cao kỹ năng để chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn; xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng y tế; tăng cường thông tin và tư vấn y tế; trường hợp không thể đưa ngay cán bộ y tế tới nhất là những vùng xa, khuyến khích việc sử dụng công nghệ y tế từ xa như Telehealth kết nối từ trạm y tế đến Trung tâm Y tế huyện. 

Điều này cho phép người dân tại các khu vực vùng cao tiếp cận tư vấn y tế và chẩn đoán từ xa, giúp giảm thiểu thời gian và khó khăn trong việc đến các cơ sở y tế. Tiếp tục tạo môi trường thúc đẩy sự hợp tác từ cộng đồng, thúc đẩy tình nguyện viên y tế trong cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc quản lý và cải thiện dịch vụ y tế tại địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!

Trần Minh (thực hiện)

Tags Văn Chấn y tế cơ sở y tế vùng cao trạm y tế nguồn lực chăm sóc sức khỏe

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng mạnh, với hơn 2.000 ca/tuần, tăng gấp đôi so với tuần cuối tháng 8/2023. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện.

Chỉ kê đơn cho trẻ uống kháng sinh khi thật sự cần thiết.

Mỗi năm trên thế giới có gần 1 triệu trẻ em tử vong do vi khuẩn kháng kháng sinh. Việt Nam là nước trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái điều tra dịch tễ bệnh nhân sốt mò tại cơ sở.

Bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do Rickettsia gây ra. Đây là vi khuẩn lây truyền từ chuột và thú nhỏ sang người thông qua vết cắn (đốt) của ấu trùng con mò (Trombicula).

Người dân tham gia Chương trình đi bộ cổ động vì sức khoẻ.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục