Xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dânvề việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, các giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Việc này mở ra cơ hội cải thiện thu nhập, bảo vệ thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm, giúp người dân có thêm kênh bán hàng tiện lợi, đồng thời tiết kiệm chi phí tiếp thị, quảng bá.
Ông Bùi Việt Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: "Người dân Minh Bảo đã cập nhật lên các sàn thương mại điện tử voso.vn,
postmart 4 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: chè Bát Tiên, mật ong đa hoa tự nhiên, nấm mộc nhĩ, nấm Linh chi và 12 sản phẩm nông nghiệp để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”.
Cùng với xã Minh Bảo, là quê hương cây bưởi đặc sản, xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Viettel Yên Bái triển khai giải pháp "Truy xuất nguồn gốc thông minh” đối với cây bưởi và quả bưởi đặc sản nhằm bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm bưởi Đại Minh.
Gia đình ông
Nguyễn Mạnh Ân ở thôn Khả Lĩnh có 60 gốc bưởi từ 35 năm đến 60 năm tuổi đang kỳ cho thu hoạch được lựa chọn tham gia chương trình. Năm 2023, gia đình ông được các cán bộ Sở TT&TT và Viettel Yên Bái đến tận vườn khảo sát, gắn mã QR code cho 15 cây bưởi, cung cấp mã quét QR Code cho 150 quả đối với mỗi cây bưởi cổ thụ. Điều đó giúp việc quảng bá, giới thiệu bưởi của gia đình ông Ân dễ dàng hơn, sản phẩm bưởi tiêu thụ nhanh hơn các mùa trước.
Ông Ân chia sẻ: "Từ khi được gắn mã quét QR, giá bưởi tăng hơn hẳn, bưởi cũng bán nhanh hơn. Nếu như mọi năm gia đình kết hợp bán cho các tiểu thương nhỏ trong khu vực để tiêu thụ hết vườn, thì năm nay, các doanh nghiệp tận miền Nam đã đặt mua rất sớm. Năm 2023, gia đình thu 15 tấn quả bưởi Đại Minh cùng 15 tấn bưởi loại khác, thu nhập trên 200 triệu đồng”.
Với HTX Đặc sản bưởi Đại Minh thì hiệu quả của việc gắn mã QR Code cho cây bưởi, cung cấp mã quét QR Code cho quả bưởi càng rõ ràng hơn. Anh Nguyễn Trường Giang - Giám đốc HTX cho biết: "HTX có 12 thành viên sản xuất và kinh doanh bưởi. Sản phẩm bưởi của HTX đã đạt chất lượng OCOP 3 sao. Trước khi xuất bán cho các siêu thị, thương lái, chúng tôi kiểm tra, phân loại từng trái như: mẫu mã, độ đường, cân nặng… phân loại A, B, C và mã quét QR Code cho quả bưởi. Năm 2023, HTX đã cung cấp trên 100 tấn bưởi cho khách hàng từ Bắc vào Nam”.
Việc tra cứu về cây bưởi, quả bưởi đặc sản Đại Minh thông qua mã quét QR Code là yếu tố quan trọng tạo niềm tin của khách hàng với sản phẩm, có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt với hàng hóa nông sản vì sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ngày càng tràn lan. Năm 2023, khoảng 53 nghìn tấn bưởi Đại Minh đã tiêu thụ dễ dàng, mang lại tổng thu nhập trên 60 tỷ đồng cho người trồng bưởi.
Ông Đỗ Thanh Tuấn - Giám đốc Viettel Yên Bái cho biết: "2 năm trở lại đây, chúng tôi đã tập trung nhiều vào giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Chúng tôi đã đầu tư mạng 4G, 5G đến các công ty, HTX để phục vụ nhu cầu kết nối, đầu tư các nền tảng Voso, Viettel money hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và triển khai thành công 2 mô hình truy xuất nguồn gốc đối với cây chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh. Chúng tôi tâm đắc nhất trên sản phẩm bưởi Đại Minh. Bất kì lúc nào khách hàng cũng có thể quét mã trên quả bưởi để nắm được các thông tin như: cây bưởi đó bao nhiêu tuổi, vườn bưởi nào, từ địa phương nào, góp phần chống hàng giả, hàng nhái. Tem được dán trên quả bưởi chỉ qua 5 lần truy quét, chủ hộ có thể biết được quả bưởi đang được tiêu thụ ở địa phương nào để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ”.
Hiện, toàn tỉnh có trên 300 nghìn người dân đã cài đặt ứng dụng công dân số Yên Bái - S, các câu chuyện thành công CĐS trong tiêu thụ nông sản sẽ được Viettel Yên Bái trực quan hóa thông qua ứng dụng để nâng cao nhận thức của người dân, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản, giúp cho khâu quảng bá, tiêu thụ.
Hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; tuyên truyền kiến thức cho người dân nâng cao chất lượng nông sản, mẫu mã bao bì sản phẩm; hỗ trợ đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh.
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, các kênh bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook đã mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp dễ dàng mở rộng phạm vi, cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển các kênh phân phối, giúp các chủ thể tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, góp phần xây dựng thị trường nông sản bền vững.
Minh Huyền