Khoai sọ hướng thoát nghèo ở Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/1/2023 | 6:10:33 AM

YênBái - Cùng với gạo nếp 87, gà đen bản địa, măng ớt, huyện Trạm Tấu đã xác định khoai sọ là một trong những sản phẩm đặc hữu của huyện. Từ mấy héc-ta trồng khoai sọ ban đầu, đến nay toàn huyện có hơn 400 ha, dự kiến cho thu khoảng 4.000 tấn vào cuối năm nay, đem về thu nhập cho người trồng khoai sọ trên 64 tỷ đồng.

Với năng suất đạt từ 9 - 10 tấn/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi héc-ta khoai sọ đem về cho nông dân Trạm Tấu trên 100 triệu đồng.
Với năng suất đạt từ 9 - 10 tấn/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi héc-ta khoai sọ đem về cho nông dân Trạm Tấu trên 100 triệu đồng.

>> Khoai sọ nương ở Trạm Tấu - sản vật được thiên nhiên ban tặng

>> Trạm Tấu mùa thơm khoai sọ

>> Phát triển khoai sọ nương hàng hóa ở Trạm Tấu


Thế hệ 7X và 8X người Mông ở Trạm Tấu bây giờ nhiều người không nhớ rõ khoai sọ được trồng từ bao giờ. Nghe người già bảo từ xa xưa, khi họ sinh ra đã thấy cha ông trồng. Người Mông gọi khoai sọ là "Cọ Cay” (cọ nghĩa là khoai, còn cay là tròn như quả trứng). Chính loại củ này đã giúp cho bao gia đình vượt qua cái đói "giáp hạt” một thời.

Mấy xuân nay, gia đình ông Giàng A Vảng thôn Khấu Ly, xã Bản Mù luôn tràn ngập tiếng cười và niềm hạnh phúc, bởi kinh tế ngày càng khởi sắc và gia đình ông đã là hộ khá của thôn. Chuyện là, ông có hơn 1 ha trồng khoai sọ, năng suất đạt gần 10 tấn/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi năm cũng đưa về cho ông trên 90 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng lúa nương và một số cây trồng khác trên cùng diện tích. 

Nhờ trồng khoai sọ, anh Hờ A Trăng ở bản Tà Chử, xã Bản Công đã mua được xe máy và nhiều vật dụng khác có giá trị. Từ năm 2019, anh Trăng đã chuyển  hơn 3.000 m2 đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng khoai sọ. So với trồng lúa thì cây khoai sọ cho giá trị cao gấp 3 - 4 lần, mỗi vụ anh Trăng thu hơn 12 triệu đồng. 

Trước đây, đồng bào dân tộc Mông ở các xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Hát Lừu, Trạm Tấu… trồng khoai sọ chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình. Nhưng hơn 3 năm lại đây, khi sản phẩm khoai sọ được nhiều người biết đến, nhiều địa phương trong huyện đã vận động, tuyên truyền đồng bào chuyển đổi những diện tích trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng khoai sọ. 

Cùng với gạo nếp 87, gà đen bản địa, măng ớt, huyện Trạm Tấu đã xác định khoai sọ là một trong những sản phẩm đặc hữu của huyện. Từ mấy héc-ta trồng khoai sọ ban đầu, đến nay toàn huyện có hơn 400 ha, dự kiến cho thu khoảng 4.000 tấn vào cuối năm nay, đem về thu nhập cho người trồng khoai sọ trên 64 tỷ đồng. Vui hơn, khi sản phẩm này ngày càng được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. 

Đặc biệt, với việc được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu và là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, khoai sọ vùng cao Trạm Tấu đang mở ra hướng đi mới, phấn đấu đến năm 2025 Trạm Tấu trồng đạt trên 1.000 ha/năm, đóng góp vào tập đoàn cây trồng chủ lực, thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững cho nông dân vùng cao.
Văn Tuấn