Vươn lên nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/3/2023 | 7:37:46 AM

YênBái - Hộ bà Dương Thị Thùy, thôn Quyết Tiến, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên sau nhiều năm cố gắng chăm chỉ sản xuất, kinh doanh đã vươn lên thoát nghèo. Với bà Thùy, những gì đang có của gia đình hôm nay có sự góp phần hết sức quan trọng của nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên trao sổ tiết kiệm vì người nghèo cho các cá nhân xã Yên Thái. (Ảnh: T.L)
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên trao sổ tiết kiệm vì người nghèo cho các cá nhân xã Yên Thái. (Ảnh: T.L)


Gia đình bà Thùy đã từng làm nhiều nghề với mong muốn cố gắng thoát được nghèo, ổn định cuộc sống. Những năm tháng khó khăn đó, bà nhận thấy, nhà mình có sức lao động, có đất canh tác nhưng để có thể làm được tất cả dự định, kế hoạch đã đặt ra thì trước hết phải có vốn đầu tư. 

Khi tham gia các buổi họp thôn, được trực tiếp nghe tuyên truyền, bà đã tham gia Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn thuộc Hội Phụ nữ xã và được tham gia các buổi hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế hộ gia đình. 

Năm 2018, bà đã được Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Quyết Tiến tư vấn và bình xét cho vay với tổng số tiền là 45 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, gia đình bà quyết định đầu tư ươm cây quế giống cung cấp cho bà con trên địa bàn. Tạo thêm nguồn thu nhập hàng tháng trả lãi và gửi tiết kiệm, bà đã chăn nuôi thêm gà, lợn, trồng cây nông nghiệp ngắn ngày. 

Có ý thức sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, bà Thùy luôn suy nghĩ không những phải vươn lên thoát nghèo mà còn phải thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế gia đình ổn định lâu dài. 

Nhận thấy nhu cầu thị trường về sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng rất lớn và nguồn nguyên vật liệu tại địa phương rất dồi dào, bà Thùy đã đi đến quyết định đầu tư chế biến gỗ rừng trồng. Bà cũng đã vay mượn thêm của anh em để mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng với quy mô 1 xưởng, sân phơi, kho bãi và 1 đầu máy xẻ. 

Có xưởng chế biến gỗ, bà đã tạo việc làm cho 4 lao động nhàn rỗi trong thôn có thêm thu nhập. Xưởng chế biến gỗ đi vào hoạt động thuận lợi, thu nhập tăng lên thì gia đình bà cũng từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, hộ gia đình bà đã trở thành hộ có kinh tế khá trong thôn. Hiện tại, nhà bà Thùy có 4 ha quế, 1 xưởng chế biến gỗ, sân phơi, kho bãi 4.000 m2 và mang lại thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. 

Bà Thùy cho biết: "Là thành viên của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn, gia đình tôi tham gia các cuộc họp đầy đủ, chấp hành nghiêm túc các quy định của tổ, của ngân hàng và thực hiện nộp lãi, gửi tiết kiệm đều đặn”. 

Mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình bà Thùy mang lại hiệu quả rõ nét đã lan tỏa, tác động tích cực đến ý thức, nhận thức và hành động của mỗi người dân trong thôn, giúp các hộ có thêm động lực tích cực học tập kinh nghiệm sản xuất, đầu tư các mô hình phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng rừng để có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. 

Bà Thùy chia sẻ: "Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp cho gia đình tôi và mỗi người dân theo từng đối tượng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để đầu tư sản xuất kinh doanh, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, bản thân tôi và mỗi thành viên của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn đều nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định của ngân hàng và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả”. 

Nguyễn Thơm