Trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, năm 2022, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định các chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó ngoài việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng, các địa phương trên địa bàn tỉnh còn rà soát, hướng dẫn cho 5.519 đối tượng lập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách trợ giúp xã hội; trong đó, có khoảng 3.046 đối tượng là nữ.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 30.278 đối tượng hưởng chính sách hàng tháng, trong đó có khoảng 19.000 đối tượng là nữ. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội năm 2022 là 185 tỷ đồng, trong đó số kinh phí chi cho các đối tượng bảo trợ xã hội là nữ đạt khoảng 110 tỷ đồng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã triển khai thực hiện 32 khoản viện trợ đề án, dự án trị giá gần 49 tỷ đồng thực hiện các lĩnh vực nâng cao năng lực, quản lý cộng đồng, vệ sinh môi trường, tạo sinh kế cho phụ nữ…
Trong lĩnh vực giảm nghèo, giai đoạn 2017 - 2022, trong bối cảnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách và thu được những kết quả quan trọng.
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay các nguồn tín dụng chính sách đối với gần 27.000 hộ với tổng doanh số cho vay trên 1.366 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó, số khách hàng vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là 13.413 hộ với tổng số vốn cho vay trên 701 tỷ đồng.
Qua đó, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có đồng vốn đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Các chính sách về bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ giáo dục đã giúp nhiều hộ nghèo, người nghèo…, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em gái được thụ hưởng. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả kế hoạch điều động giáo viên đang công tác ở các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có nguyện vọng và đủ điều kiện tiêu chuẩn chuyển công tác về vùng thấp và thành phố, trong đó quan tâm và ưu tiên đối với 77 nữ giáo viên trong tổng số 91 giáo viên được luân chuyển.
Cùng đó, công tác hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở đã giúp cho nhiều hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được thụ hưởng. Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, năm 2022, toàn tỉnh đã huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng 583 căn nhà cho hộ nghèo.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 25/2/2023 của Tỉnh ủy về việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững năm 2023, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã kết nối, huy động nguồn lực để triển khai giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo làm 65 căn nhà; hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh, cây con giống các loại, vật liệu xây dựng để sửa chữa nhà ở, chuồng trại…
Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo trong năm 2022 ước đạt 13,77 tỷ đồng; các cơ quan đơn vị cấp huyện cũng triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ các hộ nghèo với tổng kinh phí đạt 5,97 tỷ đồng. Đối với các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh, đã làm mới và sửa chữa 198 nhà "Mái ấm tình thương” trị giá trên 5 tỷ đồng.
Việc tăng cường thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn giúp cho các đối tượng là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để ổn định đời sống; giảm bớt nguy cơ bị bạo lực, xâm hại đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất.
Thu Hạnh